Lợn hơi rớt giá, người nuôi ôm lỗ mỗi con cả triệu đồng: Ai hưởng lợi?
Giá lợn hơi tại hầu hết các tỉnh thành trong cả nước đang được ghi nhận ở mức thấp nhất trong vòng từ cuối năm 2019 trở về đây, chỉ ở vào khoảng 50-57.000 đồng/kg.
Vào cuối năm 2019, người tiêu dùng chứng kiến giá lợn hơi ở hầu khắp các tỉnh thành bắt đầu nhảy vọt lên mốc 68-71.000 đồng/kg vào đầu tháng 12/2019 và lên 90-95.000 đồng/kg vào cuối tháng. Vào thời điểm đó, thịt lợn tại các chợ dân sinh tăng lên mức 140-200.000 đồng/kg tùy loại.
Đến tháng 5/2020, giá lợn hơi đã đạt đỉnh cao nhất trong vòng 20 năm và lên mức 100-103.000 đồng/kg, giá thịt lợn ngoài chợ truyền thống ở mức từ 150-260.000 đồng/kg tùy loại.
Giá lợn hơi mặc dù giảm mạnh nhưng giá thịt ngoài chợ vẫn neo cao.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá lợn hơi liên tục giảm mạnh và mạnh nhất trong những ngày gần đây, thậm chí xuống thấp đỉnh điểm trong vòng 2 năm qua.
Cụ thể, tại các tỉnh miền Bắc như Phú Thọ, Bắc Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hà Nội, giá lợn hơi chỉ vào khoảng 55-56.000 đồng/kg.
Tại các tỉnh miền Trung như: Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng cũng chỉ ở mức 56-57.000 đồng/kg.
Các tỉnh như Đồng Nai, Kiên Giang, An Giang, Cà Mau, Bình Dương, Bình Phước, Vũng Tàu, lợn hơi đang được thu mua với giá chỉ 50-52.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, mặc dù giá lợn hơi đã xuống gần một nửa so với thời điểm tháng 5/2020 thì giá thịt lợn tại chợ dân sinh vẫn neo ở mức cao, từ 130-170.000 đồng/kg, tức là chỉ giảm khoảng 10-15% nhưng người nông dân vẫn ôm lỗ nặng.
Anh Phạm Ngọc May, chủ của 6 trang trại lợn với quy mô hơn 1 vạn con tại tỉnh Kiên Giang cho biết, lứa lợn tại trang trại anh hiện tại đã được từ 100-150kg/con nhưng vẫn không xuất được.
Theo anh May, trước đây, khi lợn đến kỳ xuất chuồng, các công ty sẽ cho xe đến bắt mỗi ngày từ 300-400 con. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, mặc dù giá xuống chỉ còn 50.000 đồng/kg nhưng mỗi ngày anh chỉ xuất được từ 100-130 con lợn.
Hàng vạn con lợn nhà anh May đến kỳ xuất chuồng nhưng mặc dù giá xuống thấp chỉ còn 50.000 đồng/kg vẫn không bán được.
“Mỗi con heo giống khoảng 10kg tôi mua hết khoảng 2-2,5 triệu đồng. Nuôi đến khi heo được 100kg sẽ hết khoảng 300kg cám, mất 3,1-3,2 triệu đồng nữa. Thêm tiền thuê nhân công, tiền điện, tiền thuốc… hết khoảng 700.000 đồng/con, chưa kể tiền khấu hao chuồng trại. Như vậy, mỗi con heo bán với giá 50.000 đồng/kg thì tôi lỗ khoảng 1 triệu đồng/con”, anh May nói.
Giá thấp, sức tiêu thụ chậm nên hàng vạn con lợn tại trang trại của anh May vẫn chưa được xuất chuồng, lại tốn thêm tiền thức ăn và nhân công hàng ngày. Vì vậy, nhiều trang trại lợn đang đứng trước nguy cơ thua lỗ rất cao.
Nguyên nhân giá lợn hơi xuống thấp được lí giải là do sau khi dịch tả lợn châu Phi được khống chế thì các hộ gia đình, trang trại và doanh nghiệp chăn nuôi đều tập trung đầu tư tái đàn với số lượng lớn.
Hơn nữa, một lượng lớn lợn thịt và lợn đông lạnh được nhập khẩu từ các nước về đã đẩy giá lợn xuống thấp.
Giá lợn hơi xuống thấp nhưng giá thịt lợn ở chợ vẫn cao do thị trường chưa được hài hòa giữa sản xuất, lưu thông và tiêu dùng.
Ngoài ra, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các nhà hàng, quán ăn kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể đóng cửa và ngừng hoạt động nên ảnh hưởng không nhỏ đến giá thu mua lợn hơi.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn Nuôi (Bộ NN&PTNT), giá lợn hơi xuống thấp nhưng giá thịt lợn ở chợ vẫn cao là do thị trường chưa hài hòa được 3 khâu là khâu sản xuất, khâu lưu thông và khâu tiêu dùng.
Giá thịt lợn bán ở chợ vẫn cao chứng tỏ khâu lưu thông đang lãi tương đối nhiều, trong khi người nông dân chăn nuôi lại chịu thiệt thòi lớn và người tiêu dùng lại không được hưởng lợi.
Nguồn: [Link nguồn]
Được ví như nhân sâm dưới nước nên rất nhiều người săn lùng loại cá đặc biệt này, cũng nhờ nghiên cứu và triển...