“Lộc rừng” xuống phố thành đặc sản, chị em rủ nhau mua cả yến về ăn dần
Với vị hơi đăng đắng nhưng lại ngọt thanh ở hậu vị, loại “rau rừng” này được nhiều chị em yêu thích, mua về để “đổi vị” sau những bữa nhậu ngày Tết.
Là đặc sản của núi rừng Tây Bắc, măng đắng hay còn gọi là măng vầu thường mọc lên sau những trận mưa phùn đầu xuân. Cũng vào thời gian này, bà con vùng cao thuộc các tỉnh như Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Sơn La, Bắc Kạn… lại rủ nhau vào rừng hái măng về bán.
Măng đắng hay còn gọi là măng vầu được coi là loại rau rừng đặc sản của các tỉnh vùng cao Tây Bắc. (Ảnh: Hương Ly).
Chị Vi Thị Danh trú tại Tân Sơn (Phú Thọ) cho biết, trong một năm, đây là thời điểm rừng cho thu những cây măng ngon nhất. Vì vậy, người vùng cao sẽ rủ nhau đi “ăn măng” ngay từ sau Tết để có được những mầm măng ngay khi còn ở trong lòng đất, vừa giòn vừa ngọt.
“Sau Tết, mưa phùn nhiều nên đất ẩm, măng vầu mọc lên nhiều lắm. Muốn hái được măng, phải tinh ý nhìn những vết nứt dưới những bụi tre um tùm ở chân núi. Phía dưới là cả 1 ổ măng hàng chục chiếc. Hoặc là nhìn những chiếc “tai” măng mới nhú lên khỏi mặt đất mà phán đoán có phải “ổ” măng hay không rồi lấy cuốc, thuổng hay dao để đào măng lên”, chị Danh nói.
Những cây măng chưa trồi lên khỏi mặt đất được coi là ngon nhất.
Theo chị Danh, trước đây, măng là loại rau rừng có quanh năm, xuất hiện thường xuyên ở các bữa ăn của bà con các tỉnh vùng cao. Từ măng, người ta có thể chế biến thành nhiều món như măng khô, măng muối, hay luộc, xào…
Măng vầu sau khi mua về sẽ được bóc vỏ và chế biến thành nhiều món. (Ảnh: Hương Ly).
Từ loại “rau rừng” quen thuộc ở các tỉnh vùng cao, xã hội ngày càng phát triển, ngày càng nhiều người biết đến và cây măng trở thành “đặc sản” được nhiều người yêu thích. Nghề “ăn măng” cũng trở thành nghề kiếm thêm thu nhập của nhiều hộ dân.
Cứ vào đầu xuân, người hái măng đi thành từng tốp, từ sáng đến chiều, khi nào hái được đầy gùi sẽ địu xuống núi, cho vào bao tải và chở xuống các điểm cân măng để bán.
Bà con vùng cao mang măng vầu đến điểm cân măng để bán cho thương lái. (Ảnh: Vinh Nông).
Đầu mùa, măng vầu có giá 30 nghìn đồng/kg, giữa mùa chỉ còn từ 10-15 nghìn đồng/kg, thậm chí có thời điểm chỉ 5.000 đồng/kg.
Từ đây, măng lại tiếp tục được chở về bán tại các chợ truyền thống hay chợ online ở khắp các tỉnh, thành, bán với giá từ 25-40 nghìn đồng/kg.
Măng vầu được bày bán tại nhiều khu chợ và trở thành loại "rau rừng" được nhiều người yêu thích. (Ảnh: Hương Ly).
Chị Nguyễn Thị Liên, trú tại Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, cách đây 5 năm, chị được người đồng nghiệp làm cùng công ty cho ăn thử món măng vầu xào tỏi. Từ đó “nghiện” luôn, năm nào cũng phải tìm bằng được loại măng này về ăn cho đỡ thèm.
Măng vầu được bày bán ở nhiều khu chợ với giá từ 25-40 nghìn đồng/kg. (Ảnh: Hương Ly).
“Loại măng này chỉ có từ Rằm tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch nên cứ ra Tết là tôi phải đặt mua cả yến về ngồi bóc hết vỏ, luộc sơ rồi hút chân không, cấp đông. Lúc nào ăn, chỉ việc mang ra thái mỏng, cuộn thịt hoặc luộc chấm mắm tỏi ớt, xào tỏi hoặc xào thịt đều ngon”, chị Liên nói.
Mỗi cây măng nặng từ 1-1,5kg, mỗi người có thể bán được 1-2 tạ/ngày. (Ảnh: Hương Ly).
Đặt mua 5kg măng vầu với giá 25 nghìn đồng/kg, chị Phạm Thị Hà, trú tại Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, bản thân chị là người Bắc Kạn, từ nhỏ đã theo mẹ lên rừng hái măng, hái nấm nên dù xa quê hơn chục năm nay nhưng cứ đến mùa măng là chị lại nhờ người nhà gửi xuống Hà Nội hoặc mua măng về ăn.
“Nếu đi chợ mua thì phải chọn những chiếc măng tròn, tai măng màu vàng chưa chuyển sang xanh hoặc tím như vậy sẽ ngon và bớt đắng hơn. Mang về bóc vỏ, thái mỏng rồi xào với tỏi, thêm chút mắm tôm và cuối cùng là rắc lá chanh. Nói thật là tôi ăn một bữa 3 bát cơm không cần thức ăn gì khác”, chị Hà nói.
Nhiều gia đình sẵn sàng bỏ ra số tiền từ 3-6 triệu đồng để đặt cả con heo quay nặng từ 10-12kg về cúng Thần Tài vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch.
Nguồn: [Link nguồn]