Loạt doanh nghiệp F&B kinh doanh đồ ăn uống thông báo tăng giá bán

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Trước áp lực giá xăng, giá gas tăng cao, cùng với đó giá các nguyên vật liệu cũng chịu ảnh hưởng dây chuyền, khiến hàng loạt doanh nghiệp F&B không thể cầm cự đã thông báo tăng giá bán.

Mới đây, ngày 27/6, Highlands Coffee - chuỗi thương hiệu cà phê với khoảng 500 cửa hàng trên cả nước thông báo tăng giá bán sản phẩm. Theo khảo sát mức giá tăng sản phẩm của thương hiệu này dao động từ 4.000-10.000 đồng/sản phẩm, tùy loại và kích thước.

Đơn cử, trà có mức tăng giá chung là 10.000 đồng/sản phẩm với kích thức lớn, từ 55.000 đồng lên 65.000 đồng; cà phê pha phin có mức tăng từ 4.000-6.000 đồng/sản phẩm với kích thước vừa và lớn; cà phê espresso đồng loạt tăng 10.000 đồng/sản phẩm ở các kích thước...

Highlands Coffee thông báo tăng giá bán các sản phẩm trên toàn hệ thống

Highlands Coffee thông báo tăng giá bán các sản phẩm trên toàn hệ thống

Chuỗi thương hiệu cà phê này lý giải để có thể giữ vững và nâng cao hơn chất lượng sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm của khách hàng trước tình hình biến động thị trường hiện nay, Highlands Coffee buộc phải điều chỉnh giá bán.

Mức giá mới này áp dụng tại khu vực TP. HCM và Hà Nội từ ngày hôm nay (tức 27/6), còn các cửa hàng trên toàn quốc sẽ được áp dụng từ ngày 1/7. "Tại một số quán đặc biệt và các quán ở sân bay, VinWonder, giá bán có thể khác với menu tiêu chuẩn", chuỗi cà phê với 500 cửa hàng thông báo.

Tuy nhiên, các chuỗi đồ uống nội địa khác như Starbucks, The Coffee House, Trung Nguyên Legend... hiện tại vẫn giữ nguyên mức giá bán như trước.

Chia sẻ với báo chí, đại diện Công ty TNHH Golden Trust - đơn vị nhượng quyền và vận hành độc quyền Gong Cha Việt Nam khẳng định giá xăng tăng sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu người tiêu dùng, đối tác giao hàng, mua hàng hộ đang hợp tác với Gong Cha.

Đặc biệt, nguyên vật liệu của đơn vị nhập khẩu từ nước ngoài về nên sẽ chịu ảnh hưởng nặng với 90% chi phí tàu thuyền và 10% chi phí xe vận chuyển trong nước.

Cũng theo vị đại diện thương hiệu này, khi cần điều chỉnh giá, doanh nghiệp đều cân nhắc kỹ khả năng chi tiêu của người tiêu dùng. "Do đó, từ nay đến cuối năm, chúng tôi chưa có kế hoạch tăng giá bán", ông nói.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp F&B kinh doanh theo chuỗi không thể tiếp tục "gồng" và buộc phải điều chỉnh giá vì các chi phí đội lên quá cao.

Thời điểm tháng 4/2022, chuỗi Pizza 4P's cũng mới thông báo điều chỉnh tăng giá bán

Thời điểm tháng 4/2022, chuỗi Pizza 4P's cũng mới thông báo điều chỉnh tăng giá bán

Từ 15/4, chuỗi Pizza 4P's với 24 chi nhánh trên toàn quốc thông báo điều chỉnh giá bán vì chi phí nguyên vật liệu tăng cao. "Chúng tôi đã phải đi đến quyết định này nhằm đảm bảo mang đến món ăn và dịch vụ tốt nhất", chuỗi nhà hàng pizza này lý giải.

Hay đơn vị sở hữu 130 nhà hàng kinh doanh các chuỗi thương hiệu Dairy Queen, The Pizza Company, AKA House, Holy Crab, The Coffee Club cũng buộc phải tăng giá một số sản phẩm của nhà hàng vì sức ép giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao.

"Để cân đối các chi phí và lợi nhuận, đơn vị phải cắt giảm thêm nhiều chi phí như tiền thuê mặt bằng...", đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Chung cảnh ngộ, nhiều nhà hàng, quán ăn phân khúc giá bình dân cũng không thể tiếp tục "gồng mình" trước sức ép tăng giá của xăng, gas, chi phí nguyên liệu từ đầu năm nên buộc phải tăng giá bán.

Theo khảo sát, nhiều quán ăn tại Hà Nội như bún chả, bún đậu, bánh mỳ,... đã rục rịch tăng giá bán từ 3.000-10.000 đồng/món.

Nguồn: [Link nguồn]

Starbucks đóng cửa chi nhánh đầu tiên ở Hà Nội từ 1/7

Đại diện chuỗi cà phê đến từ Mỹ cho biết việc đóng cửa cơ sở này là do chủ nhà muốn lấy lại mặt bằng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN