Loại quả "nặng mùi" của Việt Nam được nhiều quốc gia đặc biệt thích, xuất khẩu thu về hàng tỷ USD
Loại quả “nặng mùi” này của Việt Nam được các nước rất yêu thích, lập kỷ lục xuất khẩu khi thu về hơn 3 tỷ USD năm 2024.
Những cơn sốt giá sầu riêng năm 2024
Năm 2024, giá sầu riêng Việt Nam ghi nhận những biến động mạnh mẽ, liên tiếp lập kỷ lục mới.
Ngay từ tháng đầu tiên của năm, thời điểm trước Tết Nguyên đán 2024, giá sầu riêng tại thị trường trong nước đứng ở mức cao chót vót. Cuối tháng 1/2024, sầu riêng Ri6 ở mức 125.000 – 143.000 đồng/kg; giá sầu riêng Thái ở mức 160.000 – 187.000 đồng/kg; sầu riêng Musangking giữ mức 160.000 – 190.000 đồng/kg.
Giá sầu riêng tăng mạnh là do nhu cầu tiêu dùng của thị trường Trung Quốc tăng cao trong thời điểm trước Tết Nguyên đán. Trong khi đó, nguồn cung sầu riêng từ Việt Nam chỉ có các tỉnh miền Tây nên sản lượng hạn chế.
Sầu riêng là loại quả xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam.
Giá sầu riêng tiếp tục giữ đà tăng đến cuối tháng 3/2024. Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang, một Giám đốc hợp tác xã sầu riêng cho biết thương lái thu mua sầu riêng giống Mongthong dao động từ 200.000 - 230.000 đồng/kg. Sầu riêng giống Ri6 cũng có giá từ 130.000 - 145.000 đồng/kg, tùy theo loại, tăng khoảng 30.000 đồng so với đầu tháng 3/2024 và là mức tăng cao nhất tính đến thời điểm đó.
Vị Giám đốc tiết lộ, với mức giá này, mỗi ha sầu riêng thu hoạch, sau khi trừ chi phí, nông dân còn lãi ròng không dưới 1,5 tỷ đồng.
Cơn sốt giá sầu riêng dừng lại vào tháng 4/2024. Thời điểm này, các nước khác như Thái Lan, Malaysia cũng bắt đầu vào thu hoạch chính vụ nên giá sầu riêng đột ngột giảm mạnh còn một nửa so với tháng 3. Một nguyên nhân khác là do thời tiết nắng nóng, ảnh hưởng nhiễm mặn từ đất nên sầu riêng bị cháy múi nhiều.
Những tháng cuối năm 2024, sầu riêng tăng giá trở lại. Cuối tháng 12/2024, các đơn vị báo giá thu mua sầu riêng xuất khẩu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long lên 202.000 - 205.000 đồng/kg đối với sầu riêng Monthong.
Sầu riêng Monthong loại A (cơm vàng, bột, đủ độ ngọt, 2.7 hộc, có trọng lượng từ 1,8 - 5,2 kg) giá thu mua 205.000 đồng/kg, hàng loại B (2.5 hộc, từ 1,6 - 5,7 kg) 185.000 đồng/kg. Với Ri6, giá thu mua loại A cũng đạt mức 127.000 đồng/kg, loại B từ 105.000 - 107.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá sầu riêng Ri6 và Thái duy trì ổn định đối với cả loại mua xô và loại đẹp. Cụ thể, giá sầu Ri6 mua xô dao động trong khoảng 60.000 - 80.000 đồng/kg, còn sầu Thái mua xô là 70.000 - 80.000 đồng.
Sầu Ri6 loại đẹp được thu mua ở mức 140.000 - 144.000 đồng/kg, trong khi sầu Thái đẹp có giá cao hơn khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg.
Thu về hơn 3 tỷ USD từ xuất khẩu sầu riêng
Vài năm trở lại đây, sầu riêng có giá cao và tiêu thụ tốt đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ về quy mô trồng trọt tại các khu vực như đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và đặc biệt là Tây Nguyên, nơi áp dụng phương pháp trồng xen sầu riêng trong các vườn cà phê.
Năm 2024, sầu riêng tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam. Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, ước tính năm 2024, xuất khẩu sầu riêng (mã HS 0810.60.00) thu về khoảng 3 tỷ USD, tăng tới 42,5%, tương ứng tăng 893 triệu USD so với năm trước và chiếm tỷ trọng 42% trong tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả của cả nước.
Việt Nam xuất khẩu sầu riêng sang nhiều nước trên thế giới, trong đó Trung Quốc là thị trường lớn nhất.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng tươi trị giá 7 tỷ USD, 1 tỷ USD sầu riêng đông lạnh và dự kiến con số này sẽ vượt mức 10 tỷ USD trong vài năm tới.
Việt Nam có tổng diện tích sầu riêng khoảng 155.000ha, năng suất bình quân 25-30 tấn/ha nên còn rất nhiều dư địa để tiếp tục xuất khẩu cả hàng tươi và cấp đông sang thị trường Trung Quốc trong năm 2025.
Đáng chú ý, Việt Nam có lợi thế thu hoạch sầu riêng quanh năm, quãng đường vận chuyển gần, cùng với đó giá sầu riêng Việt đang thấp hơn sầu Thái Lan. Theo đó, tại thị trường tỷ dân, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam liên tục bứt phá, sắp bắt kịp đối thủ cạnh tranh Thái Lan về thị phần.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) nhận định, nếu làm tốt khâu chất lượng và mã số vùng trồng, xuất khẩu sầu riêng sẽ thu về 3,5 tỷ USD trong năm 2025.
Gặp thách thức ngay đầu năm mới
Tuy nhiên, thị trường sầu riêng năm 2025 cũng đối mặt với nhiều thách thức, khi từ ngày 10/1/2025, phía Trung Quốc áp dụng thêm các quy định kiểm tra khắt khe hơn đối với mặt hàng sầu riêng. Trong đó là yêu cầu kiểm tra chất cơ bản vàng 2 (Basic Yellow 2 - BY2, hay còn được gọi là chất vàng O) - một loại chất nhuộm công nghiệp bị cấm trong thực phẩm do tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Điều này dẫn đến việc hầu hết các doanh nghiệp của Việt Nam chưa “xoay sở” kịp, phải cho sầu riêng quay đầu bán với giá rất rẻ.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng tại Đắk Lắk cho biết có tổng cộng 10 container với 170 tấn sầu riêng nằm chờ ở Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) từ 12-15 ngày và bắt buộc phải cho quay đầu, bán tại thị trường trong nước vì chờ quá lâu không được thông quan.
Hiện nay Vinafruit đang cảnh báo đến doanh nghiệp về các container không xuất khẩu được thì không được bán cho người tiêu dùng hoặc chế biến trước khi mang mẫu đi kiểm tra dư lượng BY2. Nếu không tìm thấy dư lượng thì có thể bán nhưng nếu có tồn dư hóa chất thì phải tiêu hủy để không làm ảnh hưởng đến uy tín và cũng để bảo vệ an toàn cho người tiêu dùng.
Cần phải nhanh chóng có nhiều phòng kiểm nghiệm để cấp giấy chứng nhận an toàn, không có dư lượng BY2 cho các lô hàng sầu riêng xuất khẩu. Nếu không nhanh chóng có giải pháp bảo đảm an toàn cho sầu riêng xuất khẩu, giá sầu riêng sẽ rớt mạnh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn...
Nguồn: [Link nguồn]
-26/01/2025 14:51 PM (GMT+7)