Loại quả đắt bậc nhất thế giới, giá 12 triệu/kg, ở Việt Nam cũng trồng
Loại quả này có giá đắt đỏ vì phải mất rất nhiều công sức mới trồng được.
Vani là một trong những loại hương liệu phổ biến và được ưa chuộng nhất thế giới. Sở hữu hương thơm và mùi vị tinh khiết hết sức đặc trưng, vani nhanh chóng “chiếm lĩnh” toàn thế giới.
Không chỉ được thêm vào các món tráng miệng như bánh ngọt, kem,... mùi hương của vani còn được đem vào cả các loại túi thơm, gấu bông và thậm chí là nền công nghiệp nước hoa.
Quen thuộc là vậy nhưng có lẽ ít người biết, vani là loại hương liệu đắt đỏ bậc nhất thế giới, khi mà giá thành của nó thậm chí còn cao hơn cả bạc (nếu xét về khối lượng).
Muốn biết tại sao vani lại có giá đắt như vậy trước hết chúng ta cần biết được vani có nguồn gốc từ đâu. Được biết, quả vani được thu hoạch từ những loài lan thuộc chi Vanilla, nhưng chủ yếu là từ loài V. Planifolia. 80% lượng cây vani trên thế giới đều được trồng ở vùng Đông Bắc của Magagascar, nơi có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng được cho là hoàn hảo với sự phát triển của vani. Và cây vani cũng chính là loại nông sản xuất khẩu chủ lực của quốc đảo này.
Trồng vani là cả một quá trình đòi hỏi rất nhiều công sức và đây là nguyên nhân chính khiến loại hương liệu này có mức giá đắt đỏ chỉ đứng sau nhụy hoa nghệ tây (saffron).
Điểm đặc biệt là hoa vani được thụ phấn tự nhiên duy nhất bởi một loài ong có tên là Melipone. Tuy nhiên, khi đã đem vào nuôi trồng thương mại, người ta phải nghiên cứu thêm biện pháp thụ phấn nhân tạo. Ở thời điểm hiện tại, công việc này được thực hiện hoàn toàn bằng tay trên từng bông hoa lan một.
Theo tìm hiểu, người nông dân sẽ sử dụng búp tre, tăm hay một loại vật nhọn tương tự để xuyên thủng lớp màng mỏng bịt cơ quan sinh dục cái của hoa, rồi mới có thể tiến hành cho giao tử đực kết hợp với giao tử cái.
Không chỉ ở công đoạn thụ phấn thủ công, vani có giá đắt còn bởi cây vani phát triển rất chậm so với các loại cây khác. Trên thực tế, cây vani được trồng từ 3 – 4 năm mới ra hoa và đặc biệt hoa chỉ nở đúng 1 ngày trong năm. Do đó, nếu ngày hoa vani nở mà không thụ phấn thủ công kịp thì hoa sẽ tàn đi và người trồng sẽ phải đợi tới một năm sau để hoa nở lại.
Do đó, khi trồng cây vani, người trồng thường phải kiểm tra cây của mình vào mỗi sáng sớm. Bởi không chỉ bỏ lỡ khoảnh khắc hoa nở, việc cây vani bị hư hại cũng có thể ảnh hưởng hoặc làm mất đi những quả có giá trị cao.
Hơn nữa, phải mất tới khoảng 10 tháng để quả vani chín sau đó là các công đoạn chế biến kỳ công. Quả vani không có mùi vị cho tới khi được chế biến. Người ta sẽ sấy khô hoặc bảo quản cho tới khi xảy ra sự thay đổi hóa học còn gọi là quá trình lên men. Lúc này, sự lên men tạo ra các tinh thể hóa chất gọi là vanillin. Vanillin là chất mang lại hương vị và mùi thơm cho vani.
Quả đã qua chế biến được nghiền nát và trộn với rượu để chiết xuất ra vani tự nhiên, loại bỏ các tạp chất khác. Loại vani tự nhiên này chính là gia vị đắt đỏ thứ 2 thế giới. Chúng được dùng để tạo ra hương vị.
Vào năm 2014, mỗi kilogam quả vani có giá 80 USD (hơn 1,9 triệu đồng). Tuy nhiên chỉ 3 năm sau, con số này đã nhảy vọt lên 600 USD (hơn 14 triệu đồng)/kg và thời điểm hiện tại nó đang ổn định ở mức 500 USD (gần hơn 12 triệu đồng)/kg.
Sự tăng cao đột biên về giá thành này có một phần nguyên nhân đến từ thị hiếu khách hàng, khi mà người ta ngày càng có xu hướng lựa chọn các loại thực phẩm từ thiên nhiên, dẫn đến việc các công ty, cửa hàng cũng phải thay thế dần hương liệu tổng hợp bằng vani.
Theo báo Dân Việt, ở Việt Nam, anh Trần Minh Trung ở Bình Dương đã trồng thành công cây vani. Sau hơn 3 năm thử nghiệm, hiện anh Trung đã thu hoạch được quả của loại cây này một cách đều đặn. Riêng quả tươi thu về có giá bán từ 1 – 1,5 triệu đồng/kg. Còn giá bán vani thành phẩm ở Việt Nam hiện nay dao động từ 10 – 20 triệu đồng/kg (tùy chất lượng).
Nguồn: [Link nguồn]
Loại ốc này còn lạ lẫm với nhiều người, có thể nhặt được ở trong rừng nhưng giá bán lại lên tới vài trăm nghìn đồng/kg.