Livestream đào măng, hái quả rừng: Anh nông dân đổi đời với doanh thu hàng trăm triệu mỗi tháng

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Chỉ là những nông sản sẵn có trong vườn hay hình ảnh thu hái từ rừng, nhiều người nông dân đã biết cách kết nối, bán hàng qua mạng xã hội mang về doanh thu khủng hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

Tại một phiên chợ của huyện miền núi Văn Chấn (Yên Bái), nhờ sử dụng các ứng dụng công nghệ số, nhiều bà con đã kết nối bán thành công hàng tấn nông sản.

Chị Đoàn Thị Lương (39 tuổi), một chủ hộ sản xuất các sản phẩm ô mai và mứt táo mèo cũng tham gia "lên đơn". Dù chưa sử dụng thành thạo các tính năng từ công cụ bán hàng trên nền tảng mạng xã hội, nhưng chỉ sau một phiên livestream, cuối buổi chợ, số nông sản trị giá 168 triệu đồng đã được bán. Nhờ được phát trực tiếp trên mạng xã hội, nhiều người lần đầu biết đến sản phẩm, được tư vấn tỉ mỉ và họ sẵn sàng chốt đơn.

Nhờ livestream bán hàng nông sản, nhiều người đã mang về doanh thu hàng trăm triệu mỗi tháng

Nhờ livestream bán hàng nông sản, nhiều người đã mang về doanh thu hàng trăm triệu mỗi tháng

Chỉ với một chiếc điện thoại và bối cảnh tại vườn, tại chợ, người nông dân có thể tăng doanh số và mở ra một cách quảng bá, tiêu thụ hoàn toàn mới trên nền tảng thương mại điện tử.

Cũng nhận thấy cơ hội từ hình thức livestream, từ tháng 6, "cô gái thịt chua" Nguyễn Thị Thu Hoa ở Phú Thọ đã bắt đầu học cách làm. Nhờ được cộng đồng biết đến từ trước nên các phiên phát trực tiếp của cô khá hiệu quả. Phiên đầu tiên cô bán được hơn 10 triệu đồng, lần thứ hai được khoảng 50 triệu, đến "Chợ phiên OCOP về miền đất Tổ" mới đây, Hoa đạt doanh thu hơn 180 triệu đồng.

Được biết, chị Lương và Thu Hoa là một trong số hàng chục nông dân đã và đang khá thành công từ cách bán hàng qua hình thức livestream.

Na, hồng, mận, táo mèo,... được nhiều khách phương xa biết đến và tiêu thụ 

Na, hồng, mận, táo mèo,... được nhiều khách phương xa biết đến và tiêu thụ 

Cái tên "Đại Bắc Kạn" chắc hẳn cũng không còn lạ lẫm với nhiều người. Lường Quang Đại chính là chàng trai râu quai nón với nụ cười hài hước, chủ kênh video gần 400.000 người theo dõi. Nhờ cách livestream các nông sản từ núi rừng, hiện người thanh niên này kiếm 200 triệu đồng mỗi tháng.

Lường Quang Đại là chàng trai có xuất thân nghèo khó, thuộc cộng đồng người dân tộc Tày ở vùng cao Tây Bắc. Vốn thích công nghệ nên từ cuối năm 2021, ông bố hai con tự tìm hiểu cách quay, cắt, ghép để thành một video ngắn chỉ để chia sẻ về cuộc sống lên rừng, lên rẫy của mình. Vì không biết diễn nên anh ghép nhạc, lồng tiếng để người xem hiểu nội dung mình muốn truyền tải.

Lường Quang Đại - chàng trai quê Bắc Kạn, hiện là chủ kênh video gần 400.000 người theo dõi

Lường Quang Đại - chàng trai quê Bắc Kạn, hiện là chủ kênh video gần 400.000 người theo dõi

"Những video đầu tiên của tôi quay trong rừng vì ngại bà con nghĩ mình kỳ quặc", anh Đại nói.

Dần dà, những video ghi lại cảnh lên rừng hái măng, những bữa cơm bên lán trại của cặp vợ chồng chạm tới trái tim của những người yêu thiên nhiên, yêu thích cuộc sống nơi núi rừng Tây Bắc.

Cơ may đã đưa chàng thanh niên râu quai nón mà nụ cười hiền lành này bén duyên với công việc livestream (phát trực tiếp) bán hàng. Đó là khi anh quyết định đem các sản phẩm nông sản vùng cao chế biến trở thành sản phẩm chủ lực trên các kênh bán hàng của mình. Thật bất ngờ, chỉ sau 3 tháng livestream bán hàng, anh đã "đổi đời" ngoạn mục.

Sau khi biết đến livestream và xây kênh, cuộc sống của anh Đại như sang một trang mới, cuộc sống đã ổn định. Anh tâm sự, khoản tiền kiếm được từ livestream bán hàng là những con số mà cả đời anh chưa từng dám nghĩ.

Đỉnh điểm, có tháng vợ chồng anh từng bán được hơn 1.000 đơn là đặc sản Tây Bắc, doanh thu khoảng 350 triệu đồng

Đỉnh điểm, có tháng vợ chồng anh từng bán được hơn 1.000 đơn là đặc sản Tây Bắc, doanh thu khoảng 350 triệu đồng

Chọn hướng phát triển là cung cấp đặc sản Tây Bắc như miến dong thái tay, măng khô, trà mát gan, những video hay phiên livestream của anh Đại luôn chân thật nhất có thể để khách hàng yên tâm về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

"Từ tháng 6 vừa qua, tôi mới bắt đầu livestream bán nông sản trên Tiktok. Không ngờ những buổi livestream đầu tiên đã thu hút hàng trăm lượt xem cùng lúc", anh Đại cười.

Vì không giỏi ăn nói nên livestream bán hàng cả tháng 6, vợ chồng anh Đại chỉ bán được 60 đơn, doanh thu đạt khoảng 14 triệu đồng. Tháng 7, hai vợ chồng bán được hơn 400 đơn, tháng 8 bán được hơn 500 đơn. Kỷ lục nhất là tháng 9 vừa qua, vợ chồng anh bán được hơn 1.000 đơn, doanh thu khoảng 350 triệu đồng.

"Trước đây, vợ chồng tôi chăm chỉ làm lụng cả năm cũng không kiếm được 100 triệu đồng, nhưng giờ chỉ 1 tháng livestream bán hàng, doanh thu 200-300 triệu đồng, số tiền trước đây không dám mơ", anh Đại nói.

Tiến sĩ Lê Hoành Sử, Đại học Kinh Tế - Luật TP HCM và thành viên Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cho hay, từ góc độ người tiêu dùng, nhu cầu được biết nguồn gốc của đồ ăn, thức uống của người dân ngày càng cao nên livestream bán nông sản tại vườn sẽ tạo niềm tin rất lớn. Hình thức này thúc đẩy doanh số bán hàng và giải quyết bài toán đầu ra nông sản cho bà con nông dân. "Đây cũng là động lực buộc người nông dân phải thay đổi, học hỏi, thích ứng với bối cảnh mới", vị chuyên gia nói.

Ra đồng giăng 'thiên la địa võng'' bắt châu chấu kiếm tiền triệu mỗi ngày

Nhóm "thợ săn" giăng tấm lưới dài cả trăm mét trên ruộng rồi đi lùa châu chấu vào lưới. Mỗi ngày, một người thu nhập cả triệu đồng từ việc bắt châu chấu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN