Dở khóc dở cười khi mua cà chua chuỗi ngọc “biến hình” thành rau đay
Không thể phủ nhận nhờ livestream bán hàng đã giúp các nhà bán hàng phất lên nhanh chóng. Song, cũng không ít người lợi dụng công cụ này, bằng mọi thủ đoạn móc túi người tiêu dùng.
Cà chua chuỗi ngọc “biến hình” thành rau đay
Mở trang facebook, Zalo, Youtube vào bất kỳ giờ nào, người dùng cũng thường xuyên bắt gặp những shop bán hàng livestream từ những tài khoản không quen biết “đập vào mắt”. Người bán hàng nói nhanh như máy, giới thiệu về sản phẩm đang bán tới tất cả người dùng mạng xã hội.
Shop bán hàng livestream quần áo với 4,5 nghìn tương tác, 3,1 nghìn bình luận, 356 lượt chia sẻ... nhằm thu hút khách hàng
Sản phẩm được bán rất phong phú, bao gồm: quần áo thời trang, mỹ phẩm (son, sữa rửa mặt, kem dưỡng da, kem làm trắng da, kem tan mỡ bụng, kem xóa nếp nhăn,… cao cấp), đồ gia dụng (keo chống thấm, đồ làm bếp đa năng), thực phẩm,…
Phần lớn sản phẩm được khẳng định tốt nhất, uy tín nhất, giá rẻ nhất hoặc “số lượng có hạn, chỉ còn 1 hoặc 50 sản phẩm cuối cùng”, “chỉ trong ngày hôm nay”…
Bên dưới những tài khoản là hàng nghìn lượt tương tác với những bình luận đề nghị chốt đơn hàng hoặc khen sản phẩm dùng rất tốt; cùng với đó là hàng trăm chia sẻ,… thực sự khiến người theo dõi bị thu hút, kích thích và nhanh chóng đưa ra quyết định “chốt đơn” hàng.
Tuy nhiên, sự thực là ngay ngày hôm sau, rất có thể mẫu sản phẩm đó lại xuất hiện trong một buổi livestream khác của shop. Người bán chỉ cần giới thiệu đơn giản rằng hàng được đón nhận nhiệt tình nên về tiếp, nhà máy ra lô mới, sản phẩm nhìn giống nhưng chất liệu khác, dọn kho còn sót lại vài mẫu,…
Không thể phủ nhận, livestream là hình thức bán hàng online ưu việt, mang lại lợi ích cho cả người bán lẫn người mua. Về phía các cửa hàng, họ vừa không cần tốn quá nhiều chi phí như khi mở một shop vật lý, vừa dễ tiếp cận và tương tác ngay lập tức với khách để tiện tư vấn, chốt đơn.
Trong khi đó, người mua cũng có thể cảm nhận sản phẩm một cách trực quan, nhanh chóng nhận được thông tin tư vấn, phần nào tránh được tình trạng "mua hàng qua ảnh và thực tế".
Điều đáng nói, đó là vấn đề chất lượng sản phẩm nhiều khi không hề đảm bảo như những gì quảng cáo. Trên thực tế, rất nhiều người từng than phiền vì mua hàng qua livestream “tiền mất tật mang”.
Mới đây, chị Trần Thị Hằng (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, chị rất thích trồng cây và thường xuyên mua cây về bổ sung trồng trên sân thượng. Một lần, tình cờ theo dõi trên facebook một shop bán hàng livestream hạt giống cà chua chuỗi ngọc. Qua hình ảnh cho thấy cây cà chua được trồng trong chậu rất xanh tốt, quả sai lúc lỉu, bắt mắt. Do do tin tưởng người bán, chị Hằng không ngần ngại đặt mua một túi hạt giống với giá 50.000 đồng, phí vận chuyển 30.000 đồng.
Mua hạt giống cà chua chuỗi ngọc nhưng lại thành cây rau đay
Một tuần sau chị nhận được hạt giống. Thời điểm đó đang mùa xuân, chị Hằng hí hửng gieo hạt giống và chăm sóc như hướng dẫn, những mong sau 2 tháng cây sẽ ra trái. Tuy nhiên, sau 2 tuần chăm sóc, khi cây mọc lên và ra lá mầm chị Hằng ngã ngửa khi những cây cà chua dần “biến hình” thành cây rau đay.
Tương tự, chị Hà Phương - một khách hàng (Tây Hồ, Hà Nội), cho biết từng đặt mua thịt lợn gác bếp của một cơ sở sản xuất tại Tây Bắc. Chị kể buổi livestream có đến hàng nghìn người xem, người bán vừa quảng cáo vừa xé miếng thịt ăn trực tiếp nên cảm giác yên tâm.
Tuy nhiên, sau khi nhận hàng, sản phẩm không giống như quảng cáo. Thịt rất khô, không có mùi thơm, xé ra cũng không có màu hồng như trên livestream, ăn vào bị đau bụng.
Người tiêu dùng tự chịu trách nhiệm
Mặc dù Facebook đã áp dụng nhiều thuật toán thông minh để phát hiện các bài viết đăng bán các sản phẩm nhái thương hiệu, vi phạm bản quyền nhưng với livestream, Facebook sẽ khó định vị được logo hay tên thương hiệu từ nội dung video.
Các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử cho rằng, bên cạnh những tiện ích kể trên thì mặt trái của ngành livestream bán hàng ở Việt Nam là tính "bát nháo" về chất lượng hàng hóa.
Với các nền tảng thương mại điện tử lớn, hàng hóa phần nào được sàng lọc. Tuy nhiên, một "đại dương" livestream lớn hơn nhiều lần là các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube, Instagram, Bigo,…
Khi xem và mua hàng qua livestream trên các nền tảng này, người tiêu dùng hầu như tự chịu tránh nhiệm và dựa vào sự sáng suốt của bản thân.
Theo ông Trương Văn Quý - CEO EQVN, nội dung livestream là trong thời gian thực nên không thể có bên thứ 3 kiểm soát hay kiểm duyệt được ngay. "Do vậy, các hàng hóa kém chất lượng hoặc hàng 'fake' thương hiệu có thể khai thác yếu tố này", ông Quý nhận định.
Hàng chục nghìn sản phẩm giả các thương hiệu nước ngoài được bán livestream trên mạng xã hội
Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, cơ quan quản lý thị trường đã kiểm tra, thu giữ hàng chục nghìn sản phẩm giả các thương hiệu nước ngoài được bán livestream trên Zalo, Facebook từ các cơ sở tại Hà Nội, TP HCM và một số địa phương khác. Điển hình là kho hàng rộng hàng chục nghìn m2 tại thành phố Lào Cai chuyên livestream bán hàng lậu.
Tổng cục Quản lý thị trường sau đó khuyến cáo người tiêu dùng cẩn trọng khi mua hàng qua livestream nếu không biết rõ người bán, chất lượng hàng hóa.
Do đó, theo các chuyên gia, khi mua hàng livestream trên mạng xã hội hay thậm chí là các sàn thương mại điện tử vẫn có rủi ro về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ.
“Người tiêu dùng chỉ nên chọn mua hàng livestream tại các trang Facebook và gian hàng trên sàn có chữ chính hãng (hoặc tick xanh) và từ thương hiệu uy tín mình đã biết hay nghe", bà Nguyễn Trần Bích Ngọc, CEO EComEasy (ECE), một đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ cho nhà bán hàng trên các sàn thương mại điện tử khuyến nghị.
Còn theo ông Quý, người mua nên ghi lại màn hình (record livestream) trong quá trình người bán livestream để có thể làm bằng chứng về sau nếu có khiếu nại, tranh chấp hoặc sản phẩm không đúng như cam kết.
Nguồn: [Link nguồn]
Mặc dù giá thu mua tôm hùm tại các vựa nuôi giảm mạnh, nhưng giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng vẫn cao ngất ngưởng...