Liên tục test nhanh khi đã 2 vạch, F0 đang lãng phí tiền của, tạo "cơ hội" cho nhà đầu cơ trục lợi?
Theo bác sĩ, những F0 liên tục test nhanh để xem tình trạng "vạch đậm-nhạt" không chỉ gây lãng phí tiền của, mà còn tạo ra sự khan hiếm mặt hàng này trên thị trường.
"Lo sợ trước nhiều trường hợp bệnh nhân chuyển nặng, từ lúc biết mình là F0, ngày nào tôi cũng test nhanh, xem triệu chứng có thuyên giảm hay không", đó là chia sẻ của anh Nguyễn Đình Nhâm (quận Thanh Xuân, Hà Nội) sau 7 ngày điều trị COVID-19 tại nhà.
Cũng giống anh Nhâm, gia đình chị Hoài (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, từ lúc hai vợ chồng test nhanh cho 2 vạch đỏ đậm, chị đã nhanh chóng nhờ người thân mua ngay 1 hộp kit test (gồm 25 kit) để dự trữ.
Để "hóng" sự mờ nhạt dần của virus SARS-CoV-2, vợ chồng chị Hằng ngày nào cũng làm test nhanh. Sau mỗi lần test thấy "vạch T" mờ đi, chị lại mừng thầm và hy vọng sẽ nhanh khỏi bệnh để tiếp tục đi làm.
Ngay khi được xác nhận là F0, chị Hằng và chồng đã thường xuyên thực hiện test nhanh để "hóng" sự đậm - nhạt của "vạch chữ T". Ảnh: Mỹ Duyên
Khi đã trở thành "cựu F0", chị Hằng đã nhẩm tính với 15 kit test đã sử dụng trong 1 tuần, tổng chi phí lên đến 1.200.000 đồng (tương đương 85.000 đồng/kit).
Với nhiều người, kit test không chỉ là vật tư y tế thông dụng dành cho người có biểu hiện như ho, rát họng, sốt cao mà còn được xem là công cụ "biết nói" nhằm theo dõi tình hình chuyển nặng – nhẹ của các ca mắc COVID-19.
Tuy nhiên, ở góc độ y học, BSCKII. Trần Văn Đăng - Phó Trưởng khoa khám bệnh, Phụ trách Đơn nguyên khám chữa bệnh tự nguyện của Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho rằng, người dân chỉ nên thực hiện test nhanh tại nhà khi có nguy cơ, triệu chứng.
Theo bác sĩ Đăng, để biết bệnh nhân có bị dương tính hay không, có 2 thời điểm cần phải test nhanh.
Thời điểm đầu có triệu chứng; thời điểm thứ 2 là ngày thứ 7 và ngày thứ 14, người bệnh nên test nhanh COVID-19 để biết âm tính hay chưa.
Theo bác sĩ, những F0 liên tục test nhanh để xem tình trạng "vạch đậm-nhạt" không chỉ gây lãng phí tiền của, mà còn tạo ra sự khan hiếm mặt hàng này trên thị trường. Ảnh: NVCC
Bác sĩ Đăng cho biết: "Khi đã được xác định là F0 thì chỉ cần test lại vào ngày thứ bảy của bệnh. Nếu ngày thứ bảy test lại cho kết quả âm tính, có thể hòa nhập với cộng đồng bình thường. Tuy nhiên, nếu kết quả test lại vào ngày thứ bảy vẫn còn dương tính, F0 đã tiêm 2 mũi vaccine nên bình tĩnh và chỉ cần cách ly thêm đủ 10 ngày mà không cần phải test thêm một lần nào nữa".
"Riêng F0 chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine, cần thực hiện cách ly thêm cho đủ 14 ngày là có thể tái hòa nhập với cộng đồng mà không một chút lo lắng về nguy cơ lây bệnh cho người khác" - Bác sĩ Trần Văn Đăng cho biết thêm.
Trước thực trạng lạm dụng kit test thường xuyên, bác sĩ Đăng cho rằng, khi đã được xác định mắc COVID-19, bệnh nhân không nên test nhiều lần. Bởi việc làm này gây lãng phí tốn kém thêm chi phí điều trị cho F0 và không giúp ích được gì cho bệnh nhân trong quá trình điều trị. Thậm chí là tạo nên sự khan hiếm cho thị trường kit test COVID-19.
Việc làm này tạo "cơ hội" đẩy giá hàng lên cao, trong khi đó, nhiều gia đình khó khăn, cần mua kit test với giá thấp hơn.
Do đó, bác sĩ Trần Văn Đăng cho rằng, người dân không nhất thiết phải tích trữ nhiều kit test trong nhà và test thường xuyên.
Đối với gia đình đông người, có nhiều F0 thì không cần thiết phải test tất cả các thành viên. Bởi có thể cả gia đình đã bị lây nhiễm. Đặc biệt là những thành viên đã có các triệu chứng của bệnh như ho khan, rát họng, sốt...
Tùy vào sức đề kháng của mỗi người mà kết quả xét nghiệm cùng lúc sẽ khác nhau. Chính vì vậy, thay bằng việc hằng ngày đều "làm bạn" với que test thì hãy cách ly và theo dõi sức khỏe theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và bồi bổ thức ăn, nước uống đầy đủ để tăng thêm sức đề kháng cho cơ thể.
Nguồn: [Link nguồn]
Những vật tư y tế như kit test, nước súc miệng, mũi, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe... không thể thiếu với các F0 nhưng khi đã khỏi bệnh, trở về âm tính, các "cựu...