Lão nông làm giàu từ loài chim khổng lồ, mỗi con nặng cả tạ
Sau gần 6 năm gắn bó với loài chim khổng lồ này, ông Đào Đức Thủy – lão nông Thanh Hóa đã thành công và làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương mình.
Về thị trấn Vạn Hà, Thiệu Hóa, Thanh Hóa, hỏi ông Thủy Đà Điểu có lẽ ai cũng biết. Ông Đào Đức Thủy - chủ trang trại nuôi đà điểu tại xứ Thanh sau gần 6 năm gắn bó nay đã thành công và giàu lên từ mô hình tiên phong nuôi con đà điểu – loại chim khổng lồ lớn nhất thế giới.
Ông Thủy đã thành công với mô hình chăn nuôi đà điểu
Trang trại chăn nuôi đà điểu của ông Đào Đức Thủy nằm ngay tại tiểu khu 5, thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa với diện tích khoảng trên 1 ha. Đây được coi là mô hình chăn nuôi khá mới lạ ở địa phương, bước đầu cho hiệu quả khả quan, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định. Trang trại đà điểu của ông cũng là địa chỉ rất nhiều người tìm đến để học hỏi mô hình làm giàu.
Ông Đào Đức Thủy cho biết , trước đây, gia đình ông thầu 1 ha đất để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá cả bấp bênh, tiêu thụ chủ yếu dựa vào thương lái nên hiệu quả kinh tế không ổn định. Vốn là người ham học hỏi, ông quyết tâm tìm đến các trang trại chăn nuôi trong nước để học tập kinh nghiệm và tìm những con vật nuôi mới. Sau khi tìm hiểu, ông nhận thấy đà điểu là loài vật có sức đề kháng tốt, một con đà điểu mới nở chỉ cần nuôi sau 10 tháng là có thể xuất bán, thị trường tiêu thụ khá thuận lợi.
Đà điểu có sức đề kháng tốt và tuổi thọ khá dài
Với đà điểu, thời gian khai thác con giống mái và trống khá dài, con mái từ 40 đến 50 năm, con trống từ 12 đến 15 năm. Bên cạnh đó, giá trị kinh tế cao, sản phẩm xuất bán gồm: Trứng thường và trứng có khả năng nở con giống, thịt; còn mỡ, lông, da là nguyên liệu phục vụ cho sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ...
“Năm 2015 vô tình được biết trên báo đài về nhiều trang trại nuôi con đà điểu ở các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và một số địa phương khác… tôi đã đi tham quan và tìm hiểu, dồn hết vốn liếng vào vợ chồng tôi "đánh liều" nuôi thử 35 con, giá mua thời điểm đó khoảng 2 triệu đồng/con.
Sau mấy tuần nuôi đà điểu tôi thấy chúng ăn nhiều, lớn nhanh, tôi bàn thêm với vợ con mua tổng 150 con đà điểu giống đà điểu châu Phi tại Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương về nuôi thử nghiệm” - ông Thủy chia sẻ.
Mỗi con đà điểu trưởng thành có cân nặng tới 1 tạ
Theo ông Thủy, đà điểu châu Phi được công nhận là loài chim khổng lồ to nhất thế giới. Đà điểu rất dễ nuôi, chúng có thể ăn rất nhiều loại thức ăn khác nhau như các loại cỏ voi, rau muống, bèo tây…Đây là nguồn thức ăn cần cung cấp chính cho đà điểu.
Tuy nhiên, những năm đầu nuôi đà điểu cũng không phải dễ dàng gì với gia đình ông. Thời gian đầu do mô hình nuôi đà điểu mới lạ, bản thân lại chưa nắm vững về kỹ thuật nuôi, cách chăm sóc nên năm đầu, đàn đà điểu bị hao hụt tới 30 con. Nhưng với quyết tâm và đam mê, ông vừa tiếp tục đầu tư chăn nuôi, vừa kiên trì theo dõi đặc tính sinh hoạt, dần dần đàn đà điểu đã giảm tỷ lệ hao hụt. Đến nay, tổng đàn đà điểu tại trang trại của gia đình ông Thủy lên tới hơn 200 con.
Trứng đà điểu ấp trong khoảng 40 ngày sẽ cho ra lứa đà điểu con
“Do Đà điểu là loài động vật sợ tiếng ồn nên trang trại phải tách biệt với khu dân cư. Chuồng trại nuôi đà điểu phải có diện tích rộng, được rải cát vì đà điểu có nguồn gốc từ sa mạc, thường xuyên tắm cát giúp làm sạch cơ thể, loại bỏ các loại ký sinh trùng ngoài da... Đặc biệt, khu vực nuôi đà điểu cần loại bỏ các vật sắc nhọn, như gạch, đá, thủy tinh, mảnh sành… bởi khi nuốt phải con vật sẽ bị tổn thương đường ruột, dạ dày; các loại rau cỏ, bèo làm thức ăn cho đà điểu tuyệt đối không nhiễm thuốc trừ sâu hay thuốc diệt cỏ - con đà điểu rất mẫn cảm với điều này” – ông Thủy lưu ý.
Cũng theo chia sẻ của ông Thủy, để giảm chi phí, tăng lợi nhuận, bên cạnh phát triển diện tích trồng ngô, cỏ voi để làm thức ăn cho đà điểu, ông Thủy cũng đã lựa chọn con đà điểu khỏe mạnh để nuôi giống cho sinh sản. Sau 3 năm chăm sóc, năm 2019, gia đình ông Thủy đã cho ấp nở thành công đà điểu giống.
Trứng đà điểu sau khi sinh sản, ấp trong vòng 40 ngày sẽ nở con và nuôi khoảng 1 tháng có thể bán giống, mỗi con xuất bán có giá từ 1,7 đến 2,5 triệu đồng (tùy tuổi); Đà điểu thương phẩm sau 10 đến 12 tháng có thể xuất chuồng, trọng lượng đạt từ 90 đến 120 kg/1 con, giá bán từ 8 đến 10 triệu đồng/con.
“Ngoài 100 đà điểu bố mẹ, trung bình 1 năm trang trại sản xuất 600 con đà điểu, trong đó bán giống 350 con, còn lại trang trại để nuôi thương phẩm” – ông Thủy cho hay.
Nhờ mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi đà điểu, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông Thủy có lợi nhuận từ 500 – 700 triệu đồng.
Mỗi năm, gia đình ông Thủy thu về 500 - 700 triệu đồng lợi nhuận từ việc chăn nuôi đà điểu
Nhớ lại khoảng thời gian 5 năm trước vợ ông Thủy nói: "Lần đầu nuôi chim đà điểu lớn nhanh nhìn mà ai cũng vui mừng, nhưng đến khi bán thịt thì thực sự khó khăn do người dân không ai mua. Đà điểu thương phẩm khi đó người dùng còn chưa biết đến nhiều, thứ thực phẩm vừa mới lạ, con giống thì đắt đỏ. Vợ chồng tôi đã phải đi gõ cửa các nhà hàng để giới thiệu thực phẩm, rồi đưa lên mạng để quảng bá." Dần dần qua 2 đến 3 năm gia đình ông mới thiết lập được thương hiệu và ổn định đầu ra, cung ứng cho thị trường.
Được biết, sau khi trang trại của ông "Thủy Đà điểu" thành công từ nuôi thương phẩm đến cung ứng con giống, rất nhiều người đã đến học hỏi kinh nghiệm. Ông Thủy không ngần ngại chia sẻ bí quyết, cũng như hỗ trợ những ai có nhu cầu nuôi như mình và có rất nhiều người đã bước đầu có được thành công.
Người phụ nữ này đã có nhiều năm bôn ba kiếm tiền song khi về quê đã giúp cô có sự nghiệp "phất" lên.
Nguồn: [Link nguồn]