Làng “nghề xưa” lại được tất bật dịp cuối năm
Nhiều nghề trên vùng đất Khánh Hòa được xem là “nghề xưa” như dệt chiếu, đúc đồng, nặn gốm…lại tất bật cuối năm.
Nhộn nhịp cuối năm
Nằm bên bờ sông Cái, làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây 1 (Diên Khánh, Khánh Hòa) có lịch sử hàng trăm năm. Xưa, làng nghề nhộn nhịp quanh năm nhưng gần đây, chủ yếu tất bật dịp tháng cuối năm.
Nghệ nhân Trần Quốc Nhật chia sẻ, các thế hệ nghệ nhân trước đây làm ra những sản phẩm bằng đồng độc đáo, chủ yếu là để trên các bàn thờ cúng. Hiếm nơi nào có các sản phẩm đồng như: Lư hương, bộ chân đèn, lục bình, đài đựng nước…đẹp như Phú Lộc Tây 1. Nhưng hiện nay, thợ lành nghề ít dần đi. Nhiều người trẻ ít mê "nghề xưa" này. Để giữ "đặc sản" của làng, những nghệ nhân già lại miệt mài
Cuối năm hay dịp xuân về còn là lúc các nghệ nhân làng đúc đồng Phú Lộc Tây 1 thể hiện những kỹ thuật tinh xảo của mình với khách trong nước và quốc tế. Có những đoàn khách đến làng ngày Tết còn ăn cơm cùng dân, khám phá nghề đúc đồng cùng nghệ nhân, mua sản phẩm theo ý mình.
Làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây 1 cứ cuối năm lại tất bật
Để nghề không mai một thêm, vừa miệt mài giữ nghề, các nghệ nhân làng đúc đồng Phú Lộc Tây 1 đã chủ động liên kết với nhiều công ty du lịch-lữ hành đưa khách về thăm quan làng.
Cũng giống như làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây 1, làng dệt chiếu Ngọc Hiệp (TP.Nha Trang, Khánh Hòa) cũng được xem là làng "nghề xưa" độc đáo của Khánh Hòa.
Không chỉ dệt tại làng mà một số thợ làng nghề còn vào Khu làng nghề Trường Sơn (khu nghề truyền thống tập trung ở Nha Trang) để hàng ngày cần mẫn dệt.
Nhiều thợ dệt chiếu vẫn miệt mài giữ nghề
"Dệt chiếu cũng cần có những bí quyết và kỹ năng riêng. Mấy năm trước làng dệt này khổ lắm, lao động không sống được bằng nghề. Nhưng gần đây nhờ gắn kết với du lịch, khách du lịch trong nước và thế giới ồ ạt đổ về xem người dân dệt chiếu ra sao. Dệt con phượng, con rồng ở giữa chiếc chiếu thế nào, dệt thế nào để chiếu thoáng và mát…nên thợ dệt cũng mặn mà với nghề hơn. Đặc biệt dịp lễ hay cuối năm, ngày xuân các thợ dệt bận rộn từ sáng sớm đến chiều muộn"-Thợ dệt chiếu Nguyễn Thị Thanh tâm tình.
Đến thăm làng nghề đầu xuân, khách còn có thể mua những chiếc chiếu rộng về trải, mua chiếu nhỏ, chiếu vuông lót ghế.
Vượt nhọc nhằn giữ nghề
Dẫu còn lắm gian nan nhưng để giữ "nghề xưa" cha ông để lại, những người thợ, nghệ nhân trong các làng nghề ở Khánh Hòa vẫn từng ngày vượt nhọc nhằn để giữ nghề. Vừa sáng tạo thêm ra các sản phẩm mới vừa thuyết phục thêm con cháu theo nghề.
Nghệ nhân Biện Cư (làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây 1) bộc bạch rằng: Trước đây các sản phẩm làm ra đơn giản. Nhưng nay đã có thể làm thêm nhiều sản phẩm mới như: Trống đồng để trang trí, dụng cụ đựng hoa quả…Hiện làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây 1 vẫn đang có trên 40 gia đình giữ nghề truyền thống của cha ông.
Nghề nặn các sản phẩm gốm cũng được đông đảo khách ưa chuộng
Niềm vui đến với làng nghề này khi đúng vào dịp cuối năm 2022 đã có gần 10 thanh niên đăng ký học nghề, chế tác các sản phẩm khó nhất từ các nghệ nhân giàu kinh nghiệm.
Nằm ven TP.Nha Trang (Khánh Hòa), những ngày cuối năm, Làng nghề gốm Lư Cấm cũng chạy đua với thời gian để làm các sản phẩm độc đáo. Một số nghệ nhân lão luyện của làng còn đến khu Làng nghề Trường Sơn để biểu diễn các công đoạn làm gốm du khách khắp nơi đổ về xem.
Các nghệ nhân còn sẵn sàng hướng dẫn tỷ mỉ cho khách cách trưng bày hợp phong thủy, tư vấn làm các sản phẩm gốm thế nào cho căn nhà lộng lẫy hơn. Một số nghệ nhân cho biết, dịp Tết hay các ngày lễ, lựa chọn hình thức du lịch làng nghề đang là lựa chọn số một của các đoàn khách. Có người sau một chuyến du lịch mở mang thêm rất nhiều kiến thức, mua được nhiều sản phẩm ưng ý.
Nguồn: [Link nguồn]
Loại hạt này nhiều dinh dưỡng nên nhiều nước trên thế giới nhập về.