Làng nghề đầy sắc màu hàng trăm năm tuổi, tất bật ngày cận Tết
Cứ vào dịp cuối năm, người dân làng hương Quảng Phú Cầu lại tất bật làm hàng kịp đáp ứng các đơn hàng mùa cao điểm Tết nguyên đán cận kề.
Chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 35km, làng Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) được biết đến với nghề làm tăm hương truyền thống hơn 100 năm.
Nghề làm hương tại đây nhộn nhịp suốt cả năm nhưng sôi động hơn cả vào những tháng cuối năm. Thời điểm này, một số hộ gia đình đã bắt đầu sản xuất hương với số lượng nhiều để chuẩn bị vừa cung ứng cho dịp Tết, vừa phục vụ du khách tham quan.
Về thăm làng nghề hương Quảng Phú Cầu ngày cận Tết, dường như mọi người trong làng làm công việc này đều bận rộn hơn những ngày thường. Người sản xuất, đóng gói, người mua bán,... đều hối hả, các đơn hàng cũng nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nhang hương trên cả nước.
Theo người dân địa phương, hương được làm từ các nguyên liệu thảo mộc, theo bí quyết pha trộn riêng, cẩn thận trong từng công đoạn nên hương luôn bền màu, đẹp mắt.
Tuy nhiên, ở làng ít người làm hương thành phẩm mà chủ yếu là làm tăm hương, chân hương với các công đoạn như vót tăm, nhuộm chân còn để se bột hương thì phải làm xưởng nhà khác. Nguyên liệu để làm chân hương chủ yếu là tre, vầu.
Để làm ra một cây tăm hương cũng không dễ dàng bởi người thợ phải rất tỉ mỉ, kiên nhẫn. Sau khi chẻ vầu, cần làm khô từ 5-7 ngày rồi đưa vào máy chẻ thành tăm. Sau đó, nhuộm chân hương, làm thân hương, phơi khô và đóng gói.
Sau khi nhuộm màu, tăm hương được đem đi phơi khô dưới ánh nắng mặt trời rồi vận chuyển đến nơi sản xuất hương.
Bà Lê Hồng Mai (chủ cơ sở Gia Huy) – một hộ sản xuất có truyền thống hơn 40 năm, cho biết: “Tăm hương ở đây chủ yếu bán cho thương lái, các mối quen với giá từ 35.000 đến 40.000 đồng/kg. Người lấy hàng chủ yếu đều là khách quen cho nên việc buôn bán của xưởng luôn được duy trì. Cứ mấy ngày lại có một xe đến chuyển hàng đi”.
Tương tự, bà Lê Thị Đông (chủ cơ sở sản xuất hương Phương Đông) cho biết, truyền thống gia đình bà đã làm hương hơn 100 năm. Theo bà Đông, dịp cận Tết cơ sở phải tăng sản lượng lên khoảng 40% so với ngày bình thường.
Cũng theo bà Đông, trước kia, ở làng hương Quảng Phú Cầu, việc làm hương hoàn toàn thủ công nên khá vất vả. Nhưng hiện nay công đoạn se nhang đều được sử dụng máy móc hiện đại nên sản phẩm hương bóng đẹp và hiệu quả cao. Tính trung bình một người có thể làm được từ 15-20kg hương mỗi ngày.
“Hương được làm từ các loại thảo mộc tự nhiên, với nhiều mùi thơm khác nhau, như quế, hồi, trầm, nhựa trám rừng,... nguyên liệu hoàn toàn 100% tự nhiên nên người dùng không lo độc hại. Mỗi gói hương trung bình có giá từ 20.000 – 80.000 đồng, tùy loại” – bà Đông chia sẻ.
Bà Đông đang phơi hương thành phẩm. Theo bà Đông, hương là sản phẩm mang yếu tố tâm linh, vậy nên mọi công đoạn đều phải được thực hiện tỉ mỉ và công phu.
Dịp Tết Nguyên đán 2024 cận kề, làng nghề Quảng Phú Cầu càng thêm tất bật, nhộn nhịp. Không chỉ việc buôn bán, giao thương rộng mở hơn mà lượng du khách tìm đến check-in cũng ngày một tăng cao.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Đức Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết, làng hương Quảng Phú Cầu không chỉ là nơi lưu giữ vật phẩm mang ý nghĩa văn hóa tâm linh của người Việt mà những năm gần đây, làng nghề còn là địa điểm du lịch nổi tiếng của Thủ đô.
Ông Nguyễn Đức Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu
“Chúng tôi đang phát triển làng nghề theo hướng kết hợp du lịch và nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay toàn xã có 6/6 thôn vẫn giữ nghề sản xuất hương, tăm hương. Hương cung cấp cho thị trường trong nước còn xuất khẩu nước ngoài, thu nhập trung bình của người dân trong xã tăng lên trung bình 70 triệu đồng/người/năm" - ông Nguyễn Đức Hậu, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết.
Xã Nghi Phong (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) từng có cả trăm hộ dân làm nghề giấy dó thủ công. Tuy nhiên hiện chỉ còn hơn 6 hộ bám trụ với nghề. Đây cũng là làng nghề duy nhất...
Nguồn: [Link nguồn]