Làm loại bánh truyền thống mỏng như lá lúa, có người dân làng này lãi trăm triệu/tháng

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Nhờ kết hợp giữa thương hiệu truyền thống với cải tiến quy trình sản xuất, những người dân làng nghề Ngự Câu (xã An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội) đã có thu nhập ổn định và giàu lên từng ngày.

Với công nghệ sản xuất theo dây chuyền khép kín, công việc làm bánh đa nem gia truyền tại làng Ngự Câu đã cho năng suất gấp hàng chục lần, nâng cao chất lượng sản phẩm, khắc phục những hạn chế của nghề truyền thống.

Làm bánh đa nem là công việc vất vả nhưng nhiều người dân làng Ngự Câu vẫn gìn giữ, duy trì

Làm bánh đa nem là công việc vất vả nhưng nhiều người dân làng Ngự Câu vẫn gìn giữ, duy trì

Từ lâu, Ngự Câu là địa phương có nghề sản xuất bánh đa nem truyền thống. Hằng năm, mỗi dịp cận tết bánh đa nem làng nghề Ngự Câu đã trở thành món ăn không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt.

Nhìn những tấm bánh đa nem mỏng manh và dẻo dai kia, ít ai biết đó lại là một công việc hết sức kỳ công và vất vả của người làm nghề.

Mỗi ngày người thợ phải thức dậy từ rất sớm, qua nhiều công đoạn mới làm ra những sản phẩm đạt chuẩn

Mỗi ngày người thợ phải thức dậy từ rất sớm, qua nhiều công đoạn mới làm ra những sản phẩm đạt chuẩn

Mỗi tấm bánh đa nem không chỉ là sự kết hợp tinh hoa của hạt gạo mà còn mang cả hương vị quê hương, truyền thống từ thời xa xưa của cha ông truyền lại. Tuy nhiên, thu nhập từ nghề không quá cao nhưng người dân nơi đây vẫn bám trụ với nghề.

Bà Nguyễn Thị Hoa – một người có thâm niên trong nghề làm bánh đa nem tại thôn Ngự Câu cho biết, để làm ra những mẻ bánh đa nem chất lượng đòi hỏi sự khéo léo, công phu, tỉ mỉ và trải qua nhiều công đoạn, từ khâu chọn gạo, ngâm gạo, xay bột, tráng bánh, phơi bánh, cắt bánh. Gạo phải được ngâm từ 8 - 9 tiếng từ tối hôm trước đến sáng hôm sau mới đem xay.

Trước đây, khi còn tráng bánh bằng tay một ngày lao động của người làm bánh đa nem bắt đầu từ sáng sớm, thậm chí từ 2 - 3 giờ sáng. Mỗi ngày người dân chỉ dùng 5kg gạo để sản xuất, bánh phải tráng từ sáng đến chiều mới xong nên năng suất, chất lượng bánh hạn chế.

Chờ bánh khô vừa đủ độ, người dân sẽ thu gom

Chờ bánh khô vừa đủ độ, người dân sẽ thu gom

Những năm gần đây, nhờ ứng dụng công nghệ khoa học vào sản xuất, nhiều hộ dân đã đầu tư máy tráng bánh. Theo đó, mỗi hộ gia đình đã nâng cao được năng suất, thời gian tráng bánh rút ngắn hơn và chất lượng bánh ngày một nâng lên.

“Trước đây, khi chưa có máy, ngày nào gia đình tôi cũng phải dậy tráng bánh bằng tay từ sáng sớm và làm việc tới tận 5 giờ chiều. Nhưng từ khi có máy tráng bánh, nhân công giảm, năng suất cao hơn, mỗi ngày gia đình tôi tráng hết hơn 100kg gạo. Những chiếc bánh đa nem được đem phơi khô và xuất bán cho các thương lái đem đi tiêu thụ ở các nơi”, bà Hoa cho hay.

Ông Nguyễn Đình Tuấn với thâm niên gần 20 năm làm nghề cho biết, mặc dù thu nhập không cao nhưng để giữ nghề truyền thống mà cha ông truyền lại, vợ chồng ông vẫn bám nghề. Hàng ngày ông phải thức dậy từ 4 giờ sáng để nhóm lò, đun nước tráng bánh, còn vợ ông pha bột, sắp phên. Trung bình mỗi ngày gia đình ông tráng 70 kg bột cho ra được 16.000 chiếc bánh đa nem.

Mặc dù vậy, mô hình sản xuất bánh đa nem của nhiều hộ gia đình trong thôn vẫn chủ yếu theo hình thức tự phát, tận dụng không gian đường làng, ngõ xóm để phơi bánh, quy trình sản xuất phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khâu tiêu thụ sản phẩm thông qua thương lái cá thể nên năng suất, chất lượng chưa đồng đều, đầu ra cho sản phẩm không ổn định.

Theo những người dân trong làng, làm nghề này thì yếu tố thời tiết đóng vai trò vô cùng quan trọng, quyết định chất lượng của bánh. Nếu thời tiết nắng đẹp thì phơi bánh mới tốt, còn tiết trời nồm ẩm thì việc phơi bánh khá vất vả.

Những người dân phơi bánh theo phương pháp truyền thống

Những người dân phơi bánh theo phương pháp truyền thống

Trong những ngày nắng nóng, công việc của người dân nơi đây thêm bội phần vất vả. Mặc dù trời nắng gắt nhưng để cho ra những chiếc bánh đa nem chất lượng, người làm phải nhanh tay đảo đều các phên bánh được phơi ở ngoài trời đảm bảo đủ nhiệt, tạo độ khô vừa phải cho bánh.

Bánh chỉ để khô khoảng 70%, sau đó được buộc thành từng chục hay từng trăm tùy vào đơn đặt hàng, buộc kín để chỗ mát và đem đi tiêu thụ.

Sau khi phơi khô, bánh được lấy ra khỏi các phên phơi, cắt thành từng miếng, bọc theo từng túi, xuất bán cho các mối buôn với giá 10 nghìn đồng/100 lá.

Nhờ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, nhiều hộ đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng

Nhờ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, nhiều hộ đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng

Anh Nguyễn Quang Nam là một trong những người tiên phong trong làng chủ động đầu tư máy móc, đưa công nghệ cao vào sản xuất, tăng thu nhập.

"Trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất ra 5 tạ bánh thành phẩm. Thời gian làm việc theo khung giờ cố định, không phải phụ thuộc vào thời tiết. So với cách làm truyền thống thì năng suất cao gấp 10 lần trong cùng một khoảng thời gian, đồng thời sản phẩm còn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm" – anh Nam cho biết.

Sau khi trừ hết chi phí, mỗi tháng gia đình anh thu nhập hơn 100 triệu đồng.

“Hiện nay, lượng hàng gia đình tôi sản xuất ra không đáp ứng đủ nhu cầu của người mua. Do đó, dư địa để phát triển làng nghề còn rất lớn” – anh Nam chia sẻ.

Bánh đa nem sau khi phơi khô, được bảo quản cẩn thận

Bánh đa nem sau khi phơi khô, được bảo quản cẩn thận

Tuy nhiên, cũng theo các hộ dân, một thực tế khó khăn ở làng nghề là các cơ sở chủ yếu tận dụng không gian sinh hoạt làm nơi sản xuất. Do chật hẹp nên nhiều hộ không có điều kiện đầu tư dây chuyền hiện đại. Vì vậy, để làng nghề phát triển ổn định, rất cần chính quyền địa phương xem xét tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, đồng thời bố trí quỹ đất để mở rộng sản xuất.

Nguồn: [Link nguồn]

Làng vàng mã ”chạy nước rút” trước ngày ông Công ông Táo

Những ngày cận kề Tết ông Công ông Táo (23 tháng 12 Âm lịch), Phúc Am (Thường Tín, Hà Nội), làng nghề sản xuất vàng mã...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN