Kỳ lạ làng “đặc sản”: Người dân thức đêm để làm giàu

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Công việc của những người dân thôn Ngọc bắt đầu từ chiều và kết thúc lúc 3 -4h sáng. Do phải làm đêm hôm nên sáng sớm hôm sau người dân ngủ bù, 9-10 giờ gõ cửa vẫn chưa dậy là chuyện bình thường.

Nhắc đến bánh dày, chúng ta đều nhớ đến sự tích “Bánh chưng, bánh dày” của Lang Liêu ở thời vua Hùng Vương. Nói đến bánh dày nhiều người cũng sẽ nhớ đến con người và mảnh đất Hưng Yên. Sở dĩ vậy, bởi từ lâu bánh dày nơi đây đã trở thành đặc sản ngon nức tiếng, mỗi ngày cũng chính địa phương này đã cung cấp cho thị trường Hà Nội hàng nghìn cặp bánh.

Mỗi ngày, người dân tại làng Ngọc (Hưng Yên) đã cung cấp ra thị trường hàng ngàn chiếc bánh dày

Mỗi ngày, người dân tại làng Ngọc (Hưng Yên) đã cung cấp ra thị trường hàng ngàn chiếc bánh dày

Quả thực, về thôn Ngọc, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, thuộc tỉnh Hưng Yên, mọi người sẽ được tận thấy cảnh tất bật và những âm thanh giã bánh quen thuộc để làm ra hàng nghìn chiếc bánh mỗi ngày.

Tại thôn Ngọc, gia đình anh Sơn, anh Sên là những hộ làm bánh dày lâu năm nhất ở địa phương. Các hộ dân ở đây cho biết, anh Sơn, anh Sên được truyền nghề từ thời mẹ và bà ngoại của anh – một trong những người làm bánh dày đầu tiên trong xã.

Cách đây hơn 50 năm, bà Thang (bà ngoại anh Sơn) được biết đến là một trong những người đầu tiên trong làng làm bánh dày giã tay, sau đó, bà Thênh (mẹ anh Sơn) tiếp nối và hiện nay là gia đình anh Sơn và anh Sên – em trai của anh kế nghiệp.

Tham quan cơ sở làm bánh dày của anh Sơn, được biết gia đình anh cũng là nơi cung cấp bánh dày lớn nhất xã Lạc Đạo.

Gia đình anh Sơn - một trong những hộ cung cấp lượng bánh dày ra thị trường lớn nhất làng Ngọc

Gia đình anh Sơn - một trong những hộ cung cấp lượng bánh dày ra thị trường lớn nhất làng Ngọc

Anh Sơn cho biết, mỗi ngày vợ chồng anh cùng 5 người thợ tất bật giã bánh dày từ 1 giờ chiều đến 12 giờ đêm, làm ra hàng nghìn cặp bánh dày chay và hàng trăm chiếc bánh dày đỗ để kịp giao khắp Hà Nội trước khi trời sáng.

Bánh dày được làm từ gạo nếp và đỗ xanh nên chỉ bán được trong ngày, vì vậy, bánh sẽ được làm vào chiều và đêm để sáng sớm giao cho tiểu thương bán lẻ. Theo thứ tự, bánh dày chay làm trước, bánh dày nhân đỗ làm sau cùng.

Bánh dày giản dị, dân dã nhưng để làm ra nó thì lại rất cầu kỳ. Để có mẻ bánh mịn, dẻo, đầu tiên phải chọn được gạo nếp ngon, không bị lẫn hạt gạo tẻ, rồi đem ngâm trong nước khoảng 6 tiếng.

Đãi gạo qua nước sạch, sau đó cho vào nồi hơi đồ chín. Một nồi đồ được tối đa 30kg gạo, rồi chia xôi làm 3 phần cho 3 máy giã.

Để xôi không dính vào tấm bạt, người thợ phải bôi qua một lớp mỡ lợn. Xôi được giã khi còn nóng, mỗi thợ đảm nhiệm 1 máy, liên tục lật, trở, xoay để xôi được giã đều, đến khi nhuyễn mịn thì đổ ra để nặn.

Tiếp đến là công đoạn “bắt” bột. Xôi sau khi được giã nhuyễn, dẻo quánh, ngay khi còn nóng hổi người thợ đều tay kéo bột dài ra rồi “bắt” thành từng viên có kích cỡ đều như quả trứng gà.

Từng viên bánh được trải đều trên mặt bàn inox, khi bột còn nóng và mịn sẽ tự chảy ra thành những chiếc bánh tròn trịa. Khi xong, bánh sẽ có màu trắng, bánh mềm, dẻo dai, có mùi thơm hấp dẫn từ gạo nếp và nhân đỗ. Trước khi gói bánh vào lá dong xanh, người thợ xoa một lớp mỡ lên 2 chiếc bánh rồi kẹp vào nhau.

Chia sẻ với phóng viên anh Sơn cho biết, ngày xưa khi chưa có điện, anh thường phải giã bánh bằng tay, cũng vì phải giã bánh hàng ngày nên đôi bàn tay của anh trở nên chai sạn.

"Cái thời còn giã tay, mỗi ngày nhà tôi chỉ làm được tối đa 7 ca gạo (khoảng 10kg). Lúc đó chỉ ước có con robot giã thay mình thôi vì quá vất vả, 2 bàn tay giờ vẫn chai cứng" – anh Sơn nói.

Khoảng 20 năm nay – kể từ khi có điện, anh Sơn đã đầu tư được máy giã bánh, hiện gia đình anh có 3 máy giã bánh. Nhờ đó, lượng bánh anh làm ra được nhiều hơn, bánh cũng dẻo và ngon hơn nhiều.

Được biết, mỗi ngày anh Sơn và những người thợ bắt đầu nổi lửa thổi xôi từ 1 giờ chiều, công việc liên tục đến 12 giờ đêm. Trung bình, một ngày anh Sơn ngâm từ 200 - 300kg gạo nếp, có thời điểm lên đến 500kg/ngày. Những ngày có nhiều đám cưới đặt bánh, anh phải huy động thêm nhân công và làm thâu đêm mới đủ đáp ứng nhu cầu. Ngày rằm, mùng 1 thì làm nhiều hơn, còn thứ 7, chủ nhật lại giảm bởi các trường học, công sở được nghỉ.

“Ngày nào cũng 11 – 12 giờ đêm mới làm xong, 1h sáng lại bắt đầu đóng hàng cho khách. Tôi chỉ tranh thủ ngủ được một lúc buổi sáng thôi”, anh Sơn tâm sự.

Vất vả kỳ công là vậy nhưng mỗi chiếc bánh dày khi đến tay thực khách cũng chỉ có giá vài nghìn đồng một chiếc. Tùy vào nhu cầu của khách hàng, bánh dày chay có giá 3.000 đồng, 5000 đồng, 10.000 đồng/1 cặp; bánh dày nhân đỗ có loại dài và tròn với giá bán từ 15.000 – 20.000 đồng/hộp.

Cũng tại làng quê này, nhiều hộ gia đình giàu lên nhờ làm cơm nắm muối vừng

Cũng tại làng quê này, nhiều hộ gia đình giàu lên nhờ làm cơm nắm muối vừng

Cũng tại thôn Ngọc, ngoài đặc sản bánh dày hiện nay nhiều hộ đang giàu lên nhờ làm cơm nắm muối vừng, xôi chè,... Hiện trong xã có khoảng 3 gia đình làm bánh dày và 5-7 nhà làm cơm nắm với số lượng lớn.

Công việc làm bánh dày, cơm nắm tuy vất vả nhưng đã giúp nhiều hộ gia đình tại địa phương trở nên giàu có. Nghề này còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động - những người làm nông nghiệp, tranh thủ lúc nông nhàn với mức thu nhập khoảng 200 nghìn/ngày.

Làng Ngọc giàu lên nhờ công việc thức đêm

Làng Ngọc giàu lên nhờ công việc thức đêm

Tất cả những loại thực phẩm mà người dân xã Lạc Đạo sản xuất ra mỗi ngày chủ yếu cung cấp cho thị trường Hà Nội. Cứ khoảng 3-4 giờ sáng, dọc trục đường chính của xã đi qua thôn Ngọc lại tấp nập, những hàng dài xe máy, ô tô nối đuôi nhau giao hàng, nhận hàng để kịp đưa lên Thủ đô vào sáng sớm.

Cũng bởi phải làm đêm hôm nên sáng sớm hôm sau người dân ngủ bù. Nếu ai đó đến nhà lúc 9-10 giờ sáng, gõ cửa mà chủ nhà vẫn chưa dậy là chuyện bình thường.

Nguồn: [Link nguồn]

Biệt thự nuôi gà, trồng rau ngoại thành Hà Nội bất ngờ được thổi giá dựng ngược

Nằm “đắp chiếu” hơn chục năm nay, dự án Khu biệt thự Vườn Cam - Orange Graden (huyện Hoài Đức, Hà Nội) chôn vùi hàng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN