Kiểu lừa đảo mới khi mua hàng online, 10 người gặp, 9 người dính bẫy
Với cách thức lừa đảo mới này, người mua hàng dễ dàng sập bẫy, khó có thể lường trước được
Ngay 21/4, Hoàng Anh (Đà Lạt, Lâm Đồng) có nhận được một đơn hàng trị giá 658.000 đồng. Trao đổi với phóng viên, người này cho biết thời điểm nhận hàng đã nghi ngờ về đơn hàng này rồi nên đã quay lại video khi bóc hàng. Nhưng không ngờ, thủ đoạn lừa đảo quá tinh vi, cô không thể lường trước được và bây giờ chấp nhận mất số tiền này mà không thể làm gì khác.
Hoàng Anh kể lại trước đó cô có đặt một đơn hàng là 4 chai dầu gội đầu trị giá 658.000 đồng của một chop trên sàn thương mại điện tử. Cũng đọc được một số chiêu trò lừa đảo khi mua hàng online, cô cảnh giác hơn nên kiểm tra thường xuyên tình trạng giao hàng.
Đến sáng ngày 21/4, cô thấy đơn hàng của mình ở trạng thái đang giao hàng và có shipper gọi xuống nhận hàng. Bản thân không hề nghi ngờ gì nên đã cầm hơn 600 nghìn đồng xuống nhận hàng.
Hoàng Anh chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội và mong mọi người cảnh giác với chiêu trò lừa đảo này,
“Lúc nhận, bên ngoài đơn hàng ghi trọng lượng là 1,8kg nhưng tôi bê lên thì thấy nặng gần chục cân, bên ngoài móp méo. Đã có chút nghi ngờ, tôi lên phòng mở ra, kèm quay video lại để làm bằng chứng và thấy bên trong toàn là gạch vỡ”, cô bức xúc.
Cô có gọi ngay cho nhân viên giao hàng nhưng nhân viên đã lỡ tay xác nhận “giao thành công”, nên cô chỉ có thể khiếu nại lên sàn thương mại điện tử mà mình đã mua.
Lúc này, Hoàng Anh mới được nhân viên của sàn thương mại điện tử này cho biết, đơn hàng cô đặt và đơn hàngnhận có hai mã vận đơn khác nhau, tức là shop có thể đã dùng sim rác để tự tạo tài khoản, tự đặt đơn hàng giống như đơn của cô và gởi về đúng địa chỉ. Sau đó, shop tự xác nhận “đã nhận hàng” nên không thể khiếu nại gì được nữa.
Nhưng sàn thương mại điện tử này vẫn yêu cầu cô gửi video khi bóc hàng để giải quyết. Hiện nay, cô vẫn chưa nhận được phản hồi gì từ sàn thương mại điện từ này.
“Đến sáng 22/4, tôi xem tình trạng đơn hàng của mình đã đặt mua trên sàn thương mại điện tử thì thấy shop đó đã tự hủy”, cô nói.
Mỗi năm, Hoàng Anh mua hàng trăm đơn hàng online và đọc rất nhiều vụ lừa đảo khi mua hàng qua mạng, dù sàn thương mại điện tử đó không cho kiểm hàng vẫn nhận. Vì cô nghĩ nếu có vấn đề gì, cô vẫn có thể khiếu nại và lấy lại tiền nhưng đến bây giờ cô mới thực sự gặp và “quỳ lạy” bởi chiêu trò lừa đảo tinh vi này.
Gói hàng cô nhận được bên trong đều là gạch vỡ.
Qua câu chuyện này, nhiều người cho rằng khi mua hàng qua sàn thương mại điện tử thì nên thanh toán bằng ví điện tử trước để đảm bảo quyền lợi, có thể khiếu nại và được hoàn tiền. Tuy nhiên, chị Đặng Thương Huyền (Hà Nội) cho biết cũng chưa chắc đã đảm bảo quyền lợi, bởi chị từng bị mất tiền khi thanh toán bằng ví điện tử khi mua hàng.
“Lúc đó, mình mua đơn hàng là balo từ shop quốc tế. Thời điểm đó, mình mua nhiều mặt hàng ở nhiều shop khác nhau. Vì nhiều đơn nên mình không để ý lắm. Đến 3 tuần, mình thấy balo mãi không về mới vào xem thì thấy đơn balo ở trạng thái đã giao hàng thành công. Mình gọi ngay cho sàn thương mại điện tử nhưng họ cho rằng khi đơn vị vận chuyển xác nhận giao hàng trong 3 ngày không thắc mắc là không thể giải quyết”, chị bức xúc nói.
Để tránh bị lừa đảo khi mua hàng trực tuyến, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng nên mua hàng tại những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng (địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…). Tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản của trang web, đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận…
Ngoài ra, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm/dịch vụ trước khi mua, có thể tìm kiếm thông tin về sản phẩm/dịch vụ trên internet như: nguồn gốc xuất xứ, tính năng, đánh giá về sản phẩm/dịch vụ nhằm tránh trường hợp mua phải sản phẩm/dịch vụ kém chất lượng.
Chỉ vì một lần không để ý, bạn có thể mất ngay cả triệu đồng khi đặt mua hàng online.
Nguồn: [Link nguồn]