Không hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ ô tô nội sau 31/12: Thị trường xe hơi sẽ ra sao?
Tránh chuyện “phân biệt đối xử” giữa xe trong nước và xe nhập khẩu, Bộ Tài chính đề xuất không gia hạn hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ ô tô nội sau 31/12/2020.
Theo Bộ Tài chính, việc giảm 50% lệ phí trước bạ từ ngày 29/6 đến nay đã làm giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 3.700 tỉ đồng. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất không kéo dài chính sách giảm 50% đối với lệ phí trước bạ của xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Sẽ không hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ ô tô nội sau 31/12/2020
Bộ Tài chính vừa có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ và xin ý kiến các bộ, ngành về việc rà soát giảm phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn chính sách hỗ trợ giảm phí, lệ phí đối với một số đối tượng thêm 6 tháng, kéo dài đến hết ngày 30/6/2021. Cụ thể như miễn thuế môn bài đối với nhiều đối tượng như hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; miễn lệ phí năm đầu đối với doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập mới...
Tuy nhiên, riêng mặt hàng ô tô lắp ráp trong nước (CKD) không được kiến nghị gia hạn chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ.
Bộ Tài chính cho rằng, việc giảm phí trước bạ đối với ô tô chỉ là giải pháp ngắn hạn nhằm kích thích tiêu dùng trong nước, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Trước đó, ngày 28/6/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu theo quy định. Chính sách này được áp dụng từ ngày 29/6 đến hết ngày 31/12/2020.
Sau khi chính sách hỗ trợ của Chính phủ có hiệu lực, thị trường ô tô Việt Nam đã gần như lập tức nhận được những tín hiệu tích cực. Tổng sức mua ô tô trên toàn thị trường liên tục tăng trưởng.
Gần đây nhất, theo báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổng sức mua ô tô trên toàn thị trường tháng 10/2020 đã tăng trưởng đến 22% so với tháng liền kề trước đó và tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 33.254 chiếc.
Nhờ chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ đối với xe trong nước, sức mua ô tô trên thị trường liên tục tăng trưởng trong thời gian qua
Có thể thấy, chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ đối với các loại xe CKD được đánh giá như một đòn bẩy cho thị trường ô tô trong nước. Bởi trên thực tế, sau khi Nghị định 70 của Chính phủ có hiệu lực, các liên doanh ô tô thậm chí hỗ trợ thêm 50% lệ phí trước bạ còn lại cho xe CKD.
Việc ô tô lắp ráp trong nước được hỗ trợ lệ phí trước bạ, nhiều mẫu xe thậm chí được hỗ trợ toàn bộ 100% lệ phí trước bạ khi cộng cả chính sách của Chính phủ lẫn chính sách của nội bộ nhà sản xuất, đã kích thích cho một cuộc đua giảm giá, khuyến mại trên toàn thị trường.
Nhằm cạnh tranh với xe CKD, các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng cũng đã phải lao vào cuộc đua khuyến mại. Một số hãng xe thậm chí đã hỗ trợ toàn bộ lệ phí trước bạ đối với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc (CBU). Cá biệt có vài dòng xe nhập khẩu hạng sang được giảm giá, khuyến mại với tổng trị giá vài trăm triệu đồng, có mẫu xe giảm giá đến xấp xỉ 900 triệu đồng.
Rõ ràng, cuộc đua kích cầu đã giúp cho chi phí mua xe của người tiêu dùng giảm sâu chưa từng có.
Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ đối với xe CKD cũng đã nhận được những phản ứng trái chiều. Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ xe CKD, đại sứ quán một số nước như Indonesia, Thái Lan và Hiệp hội Eurocham đã có ý kiến và kiến nghị về việc phân biệt đối xử giữa xe CBU và xe CKD.
Chính vì thế, Bộ Tài chính trình đề xuất Chính phủ khi Nghị định số 70/2020/NĐ-CP hết hiệu lực (từ ngày 1/1/2021) không tiếp tục xem xét kéo dài việc giảm phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Do không có xe mới nhập về, nhiều dòng xe sang khan hàng bỗng tăng giá đột biến. Trên thị trường, có xe chỉ sau khoảng...
Nguồn: [Link nguồn]