Không đủ thịt lợn để ăn, người dân Trung Quốc chuyển sang ăn thịt giả
Nhu cầu thịt giả của Trung Quốc đang tăng lên do những lo ngại rằng nguồn cung thịt lợn trong nước bị khủng hoảng, đặc biệt trong bối cảnh bùng phát dịch tả lợn châu Phi đã đẩy nguồn cung thịt lợn đi xuống.
Theo nghiên cứu từ tổ chức Fitch Solutions, nhu cầu của người dân Trung Quốc đối với “thịt giả” đang tăng lên trong bối cảnh lo ngại nguồn cung thịt trong nước sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng.
Ở một đất nước mà thịt lợn là nguyên liệu chính cho mọi bữa ăn, dịch tả lợn châu Phi là một yếu tố đã làm giảm nguồn cung thịt và gây khủng hoảng cho toàn thị trường, Fitch lưu ý trong một báo cáo phát hành vào tháng 9. Theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD, thị trường Trung Quốc năm 2018 chiếm khoảng 46% tổng lượng thịt lợn được tiêu thụ trên toàn thế giới.
Tổ chức Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc cho biết, dịch tả lợn châu Phi là một căn bệnh truyền nhiễm virut ở động vật rất dễ lây lan và gây tử vong, đây là nguyên nhân đẫn đến việc tiêu hủy khoảng 1,17 triệu con lợn ở Trung Quốc.
Trung Quốc liên tục phải đấu giá thịt lợn từ kho dự trữ do khan hiếm nguồn cung (Nguồn: CNBC)
Trung Quốc là một trong những nước tiêu thụ thịt lợn cao nhất thế giới và cũng là nước sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới trong năm 2018, theo công ty dữ liệu Statista. Tuy nhiên trong thời điểm hiện tại, do nguồn cung thịt lợn thiếu hụt, Trung Quốc buộc phải bù đắp bằng nguồn hàng nhập khẩu. Ngoài ra, các lựa chọn mới sẽ cần được nghiên cứu và khuyến khích để tăng nguồn cung thịt, trong đó có thịt giả.
Năm 2018, ngành công nghiệp thịt có nguồn gốc từ thực vật ở Trung Quốc trị giá 910 triệu đô la - tăng 14,2% so với một năm trước đó, theo báo cáo của Viện Thực phẩm Sạch Hoa Kỳ.
Simon Powell, một nhà nghiên cứu tại ngân hàng đầu tư Hoa Kỳ Jefferies cho biết, dịch tả lợn châu Phi sẽ “là dấu hiệu tích cực” đối với ngành công nghiệp thịt thay thế ở Trung Quốc. Căn bệnh chết chóc này có thể khiến thị trường thịt lợn Trung Quốc giảm 20 triệu tấn, theo Powell. Với mức giảm này, người tiêu dùng có thể chuyển sang sử dụng các loại thịt giả để thay thế.
Một công nhân Trung Quốc sử dụng kỹ thuật truyền thống để làm đậu phụ (Nguồn: CNBC)
Một yếu tố khác đằng sau xu hướng thịt giả liên quan đến truyền thống ẩm thực Trung Quốc, Fitch Solutions cho biết trong báo cáo của họ. Đó là bởi vì thịt giả làm từ thực vật, làm từ đậu phụ hoặc seitan gốc lúa mì. Đây đều là những nguyên liệu được sử dụng theo truyền thống trong các món ăn Trung Quốc.
Trên thực tế, một số người nói rằng người Trung Quốc đã bắt đầu ăn thịt thay thế ngay từ thời nhà Đường, hơn một ngàn năm trước. “Xu hướng thịt giả có thể được xem là bước tiếp theo trong truyền thống này”, báo cáo cho biết. Ngoài ra, báo cáo của Fitch lưu ý, các vấn đề về môi trường, đạo đức và sức khỏe cũng có thể đứng sau nhu cầu ngày càng tăng đối với thịt giả ở Trung Quốc.
Chính quyền Trung Quốc đã công bố kế hoạch tiếp tục xả kho thịt lợn