Khi người ảo livestream bán hàng khuấy đảo thị trường
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra nhân vật ảo, mô phỏng người nổi tiếng, doanh nhân… để livestream đang trở thành trào lưu mới trên thị trường kinh doanh online Việt Nam.
Hiện nay, hoạt động livestream bán hàng không chỉ có sự cạnh tranh giữa những KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng), KOL (người nổi tiếng), các nhà sáng tạo nội dung, mà còn đến từ AI streamer - sử dụng người ảo thay thế người thật phát livestream.
Việc tổ chức cho người ảo AI livestream bán hàng tại chợ Bến Thành vừa qua giúp tiểu thương chốt hơn 900 đơn hàng với doanh số đạt hơn 150 triệu đồng chỉ trong 18 tiếng livestream là một ví dụ điển hình.
Người ảo livestream đã giúp nhiều mặt hàng như thực phẩm, thời trang, đồ gia dụng... của tiểu thương chợ Bến Thành đến với người tiêu dùng. Ảnh: TU
“Hot” người livestream bán hàng ảo
Hình thức livestream ảo mang lại những lợi ích khá lớn so với phương thức truyền thống. Đại diện Công ty Aeyes Global - đơn vị sở hữu công nghệ người ảo AI livestream bán hàng tại chợ Bến Thành cho biết: AI đóng vai trò là một trợ lý ảo hỗ trợ hoạt động livestream truyền thống, tăng doanh thu cũng như giúp các tiểu thương quảng bá, bán trực tiếp hàng hóa đến người tiêu dùng qua các phiên livestream.
Việc sử dụng người ảo thay thế người thật phát livestream là một lợi thế cạnh tranh trong tương lai nhờ các ưu điểm nổi bật như tối ưu chi phí vận hành, tự động sáng tạo và tối ưu nội dung, livestream cùng lúc đa nền tảng liên tục 24/7. Người ảo còn có khả năng thể hiện cảm xúc như phấn khích, vui vẻ, thân thiện… để tạo nên điểm nhấn và phong cách bán hàng chủ đạo.
“Với công nghệ AI livestream này, việc bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử hay mạng xã hội trở nên đơn giản và hiệu quả. Chẳng hạn, với khả năng hoạt động liên tục, học tập thông minh và tương tác cá nhân hóa với khách hàng, người ảo giúp cho hộ kinh doanh, tiểu thương và các doanh nghiệp tối ưu hóa doanh số. Đồng thời giúp nhà kinh doanh tạo sự khác biệt lớn với đối thủ cạnh tranh và kiểm soát rủi ro tốt hơn so với phương pháp truyền thống” - đại diện Công ty Aeyes Global khẳng định.
Tính sáng tạo trong livestream bán hàng rất quan trọng, bởi nó kích thích nhu cầu tiêu dùng và hành vi mua hàng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc marketing tại Haravan - đơn vị cung ứng các giải pháp kinh doanh số, việc ứng dụng AI để tạo ra nhân vật ảo hay mô phỏng người nổi tiếng, doanh nhân, chủ thương hiệu để livestream là một trào lưu mới nổi ở thị trường kinh doanh online Việt Nam.
So với mô hình livestream truyền thống, khi sử dụng AI ảo cho phép vận hành liên tục, chi phí đầu tư mỗi phiên livestream rẻ hơn 50%-70%, lại có thể tạo ra nhiều nội dung, kịch bản nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Chưa kể, dù cho số lượng đơn hàng sẽ không cao trong một thời điểm nhưng số lượng trung bình trong nhiều giờ livestream liên tục cũng tạo nên một con số đáng kể.
“Trong tương lai gần, hình thức AI livestream sẽ phát triển phong phú, đa dạng hơn. Theo đó, không chỉ dừng lại ở việc bán sản phẩm, tương tác đơn giản, chốt đơn như hiện tại, các thương hiệu, doanh nghiệp tiên phong còn xây dựng những nhân vật biểu tượng bằng AI, một influencer (người ảnh hưởng) ảo để tham gia tư vấn sản phẩm, dịch vụ, tương tác linh hoạt, dựa trên những dữ liệu mua hàng của khách trước đó. Đồng thời có khả năng tự động đưa ra ưu đãi cá nhân hóa phù hợp” - ông Tấn dự báo.
Bổ sung, ông Nguyễn Phạm Hoàng Huy, chủ nhiệm bộ môn thương mại điện tử Trường CĐ FPT Polytechnic, cho biết tại Nhật Bản đã có những nhân vật là ca sĩ, người bán hàng được xây dựng dựa trên AI có lượng người hâm mộ rất đông bởi khả năng miễn nhiễm với bê bối, lại linh hoạt như người thật.
Hay tại Trung Quốc, Tencent - công ty công nghệ hàng đầu của nước này cũng đã nhanh chóng ra mắt dịch vụ AI livestream với video dài 3 phút cùng 100 câu thoại để hỗ trợ bán hàng trực tuyến. Ngoài ra, nền tảng Zen Video do công ty này sản xuất cho phép nhà bán hàng xây dựng video quảng cáo đơn giản với người livestream ảo.
Để tăng tương tác, nhiều hãng công nghệ còn kết hợp streamer ảo với các ứng dụng có khả năng tương tự chatbot GPT của OpenAI nhằm tự động trả lời khách hàng trong các buổi livestream.
Chưa thể thay thế con người
Ông Phan Minh Thức, nhà sáng lập thương hiệu Ba Thức Food, đã thử nghiệm mô hình livestream với streamer ảo trên kênh TikTok Shop, Shopee và Facebook của mình. Sau hơn 10 phiên dùng người ảo livestream, ông Thức cho biết kết quả ban đầu bằng khoảng 5% so với người thật bán hàng.
“Tuy hiệu quả chưa cao nhưng nếu nhân mô hình này lên khoảng 10, 20 hoặc 30 streamer ảo thì sức cộng hưởng trở nên đa dạng hơn. Tôi nghĩ streamer ảo cũng là một điều thú vị, nên thử” - ông Thức nói.
Vẫn theo ông Thức, streamer ảo đang thu hút sự tò mò lớn của người xem khi về Việt Nam. Tuy nhiên, dù chuẩn bị rất nhiều kịch bản dựa theo từ khóa nhưng người ảo vẫn không thể tương tác thật nhất với khách hàng, chưa tính đến các vấn đề giọng nói hay quy tắc hoạt động của các nền tảng livestream hiện nay.
Giám đốc marketing tại Haravan Nguyễn Mạnh Tấn cũng nhìn nhận dù tiến bộ nhưng AI vẫn không thể thay thế hoàn toàn vai trò của streamer thật. Bởi ở những chương trình cần sự kết nối, tương tác qua lại, tạo niềm tin và độ lan tỏa thương hiệu thì những người livestream thực mới tạo được sự kết nối chân thật với người xem.
Do đó, ông Tấn cho rằng giải pháp tốt nhất vẫn là kết hợp linh hoạt cả hai phương thức để cho kết quả kinh doanh, quảng cáo, bán hàng tốt nhất với chi phí phù hợp.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng thành công của một thương hiệu phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngay cả trong livestream, không phải cứ hàng tốt là khách sẽ mua, mà còn phụ thuộc vào sức ảnh hưởng của người livestream, uy tín thương hiệu, giá bán tốt, tính giải trí - sáng tạo và vấn đề hậu cần xử lý đơn hàng.
Tính sáng tạo trong bán hàng rất quan trọng bởi nó kích thích nhu cầu tiêu dùng và hành vi mua hàng. Đơn cử như ở Trung Quốc, người livestream với nhiều ý tưởng sáng tạo độc đáo, bối cảnh phong phú từ phim, truyện kiếm hiệp, Tây du ký, đến TP tương lai…
“Ở Việt Nam cũng đã có những phiên livestream ngay tại kho hàng, vườn, nhà máy… thỏa mãn nhu cầu về nội dung và kích thích người tiêu dùng mua hàng nhưng về công nghệ hỗ trợ vẫn cần nâng cấp, cập nhật” - ông Tấn nhấn mạnh.•
Cần cơ chế quản lý kinh doanh qua livestream
Ông Nguyễn Phạm Hoàng Huy, chủ nhiệm bộ môn thương mại điện tử Trường CĐ FPT Polytechnic, nhìn nhận bên cạnh những hiệu quả tích cực, bán hàng qua livestream, nhất là trên các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, TikTok cũng bộc lộ những hạn chế về chất lượng hàng hóa và hoạt động thu - nộp thuế.
Hiện chưa có điều luật nào mà chỉ có dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72 để quản lý các hoạt động livestream bán hàng, kinh doanh trên mạng xã hội.
“Chính vì thế, cần nhanh chóng xây dựng quy định, bộ luật quản lý dịch vụ này như định danh người livestream hoặc cam kết về sản phẩm livestream” - ông Huy nhấn mạnh.
Một số nhà vườn ở Hưng Yên đã chế tác các chậu bưởi bằng xi măng thành hình dáng con rồng, có chậu được dát vàng 24K, phục vụ nhu cầu chơi Tết Giáp Thìn của người dân.
Nguồn: [Link nguồn]