Hơn nghìn xe tắc biên tại Lạng Sơn, chưa có giải pháp tránh ùn ứ
Không chỉ Trung Quốc tầm soát Covid-19 trên hàng hóa, làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ tại cửa khẩu, mà còn do những tồn tại trong sản xuất.
Bộ Công thương cho biết, hiện nay tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, năng lực thông quan khoảng xuất khẩu khoảng 91 xe, nhập khẩu khoảng 174 xe. Tổng số xe chờ xuất khẩu tại khu vực này hơn 450 xe mỗi ngày. Mặt hàng tồn chủ yếu là hoa quả.
Tại cửa khẩu phụ Tân Thanh, năng lực thông quan xuất khẩu khoảng 173 xe mỗi ngày (143 xe hoa quả, 36 xe mặt hàng khác), nhập khẩu khoảng 172 xe mỗi ngày. Tổng số xe chờ xuất khẩu tại khu vực cửa khẩu là 938 xe (Trong đó có 550 xe chở mặt hàng hoa quả).
Tổng lượng xe chờ xuất khẩu ở các cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn là 1.391 xe; Trong đó, lượng xe chở hoa quả chờ xuất khẩu là 955 xe.
Bộ Công thương nhận định, nguyên nhân là do Trung Quốc tầm soát Covid-19 trên hàng hóa, nên làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ tại cửa khẩu, ảnh hưởng đến tiêu thụ.
Bên cạnh đó, yêu cầu chất lượng, truy xuất nguồn gốc của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt thị trường Trung Quốc có thể tăng biện pháp kiểm dịch bệnh khiến cho tình trạng tắc nghẽn thêm khó khăn, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN&PTNT.
Đại diện Bộ này cho rằng, chúng ta không thể làm khác, trong bối cảnh chung của toàn cầu. Song, vị này cũng nhấn mạnh, ngoài nguyên nhân dịch bệnh Covid-19, vẫn còn những tồn tại ở khâu sản xuất, gây ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam. Đó là, năng lực chế biến trái cây trong nước còn hạn chế, chủ yếu xuất khẩu trái tươi, nếu gặp điều kiện khó khăn khi xuất khẩu, khi đó việc tiêu thụ sẽ vô cùng khó khăn.
Tình trạng tắc biên khiến giá hoa quả nội địa rớt thảm
Hay việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói mới triển khai chủ yếu đối với cây ăn quả, chưa triển khai được nhiều với các sản phẩm có khối lượng xuất khẩu lớn như lúa, chè, hồ tiêu, cà phê,...
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam.
“Trung Quốc ngày càng siết chặt việc kiểm soát đối với sản phẩm nhập khẩu, trong đó có tăng cường giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói”, vị này nói và cho rằng, điều này khiến thời gian đàm phán đối với các sản phẩm kéo dài, ảnh hưởng đến xuất khẩu.
Về giải pháp trước mắt, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) đề nghị, Hiệp hội Rau quả Việt Nam sớm trao đổi với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, bàn những giải pháp cụ thể về đường đi, giá cả, chia sẻ chi phí vận chuyển… để sẵn sàng trong mọi tình huống.
Thời điểm hiện tại, Việt Nam có các loại trái cây xuất khẩu chính gồm: Thanh long, xoài, chuối, mít, sầu riêng, dưa hấu, vải, chanh leo. Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc với tỷ trọng chiếm 56,28% kim ngạch xuất khẩu; Tiếp đến là thị trường Hoa Kỳ 5,16%, Thái Lan 4,81%, Hàn Quốc 4,37%....
Sau khi tăng kỷ lục ở kỳ điều hành gần nhất, giá xăng tại Việt Nam có khả năng tiếp tục tăng nữa.
Nguồn: [Link nguồn]