Hơn 200 đại lý đóng cửa, ô tô ế ẩm bán không ai mua, thị trường đóng băng vì Covid-19
Doanh số bán xe ô tô tại Việt Nam đã ghi nhận mức sụt giảm kỷ lục trong lịch sử, kể từ năm 2015 đến nay.
Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và việc nhiều tỉnh thành phải giãn cách xã hội, khiến thị trường ô tô Việt đứt gãy chuỗi cung ứng. Doanh số trong tháng 8 vừa qua có sự sụt giảm nặng nề khi chỉ bán ra thị trường 8.884 xe, giảm 45% so với tháng 7/2021 và giảm 57% so với tháng 8/2020.
Doanh số bán hàng của ô tô Việt sụt giảm kỷ lục, là tháng thứ 5 liên tiếp giảm kể từ đầu năm
Cụ thể, theo Báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của các đơn vị thành viên trong tháng 8/2021 đạt 8.884 xe, giảm 45% so với tháng trước.
Đây là tháng thứ 5 liên tiếp sụt giảm về doanh số và cũng là tháng có doanh số kỷ lục thấp nhất trong lịch sử của thị trường ô tô Việt Nam kể từ năm 2015 đến nay.
So với tháng 7/2021, doanh số xe du lịch xe giảm 40% (là 6.231), xe thương mại giảm 55% (2.344 xe) và xe chuyên dụng giảm 33% (309 xe).
Xét về nguồn gốc, sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 5.345 xe, giảm 41% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 3.539 xe, giảm 41% so với tháng trước.
Tính chung 8 tháng của năm 2021, các đơn vị thành viên VAMA tiêu thụ tổng cộng 175.400 xe các loại, giảm 13% so với 2019 (thời điểm chưa có dịch COVID-19). Trong đó, xe ô tô du lịch đạt 121.549 xe, giảm 18%; xe thương mại đạt 50.034 xe, giảm 2% và xe chuyên dụng đạt 3.817 xe, tăng 1%.
Tuy nhiên, bên cạnh doanh số bán xe của các đơn vị thành viên VAMA, thị trường ô tô Việt Nam còn có sự góp mặt của nhiều hãng xe khác như: Audi, Jaguar Land Rover, Mercedes-Benz, Nissan, Subaru, Volkswagen, Volvo… nhưng các hãng xe này không tiết lộ kết quả kinh doanh.
Lý giải việc thị trường ô tô lao dốc trong những những tháng gần đây, VAMA cho biết, kể từ khi đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát vào ngày 27/4 đến nay, có nhiều nhà máy của thành viên VAMA đã có những quãng thời gian tạm dừng sản xuất do thực hiện việc giãn cách xã hội.
Hơn 200 đại lý cùng hơn 200 xưởng dịch vụ phải đóng cửa
Với những doanh nghiệp đã có thể hoạt động trở lại và các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất bình thường thì lại gặp một trở ngại khác như số lượng xe tồn kho rất lớn do việc dừng hoạt động của các đại lý. Ước tính khoảng hơn 200 đại lý ô tô thuộc thành viên VAMA vẫn đang đóng cửa và chưa thể mở cửa trở lại.
Cùng với đó, hơn 200 xưởng dịch vụ cũng không thể hoạt động do dịch COVID-19 và giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh thành phố trong cả nước. Có thể nói, chuỗi cung ứng và các hoạt động phân phối đã bị đình trệ và bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều công ty đã ghi nhận mức sụt giảm doanh số trên 60%.
Còn với các DN, giới kinh doanh chia sẻ, thị trường ô tô Việt sụt giảm mạnh như vậy là do tác động của nhiều yếu tố, đầu tiên phải nói tới là do dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước khiến nền kinh tế chung bị ảnh hưởng. Thứ hai, nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ để phòng chống dịch Covid-19 nên việc đi lại, mua sắm của người dân rất hạn chế.
Bên cạnh đó, nhiều đại lý, showroom xe nằm trong vùng có dịch phải đóng cửa, ngừng hoạt động nên gần như thị trường của nhiều khu vực rơi vào tình trạng đóng băng, không có giao dịch… Và tháng 8/2021 cũng là thời điểm rơi vào tháng 7 âm lịch (tháng Ngâu – theo quan niệm của nhiều người Việt thì họ cũng không thích mua sắm các tài sản có giá trị vào thời gian này) do đó việc mua sắm xe ở tháng 8 cũng bị ảnh hưởng.
Trước đó, các doanh nghiệp cũng dự báo những khó khăn do đại dịch gây ra và để kích cầu doanh số các hãng xe liên tiếp thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá thậm chí hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ với mức giảm từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng, tùy theo mẫu xe,… Tuy nhiên, doanh số bán xe vẫn không được như kỳ vọng.
Các ngân hàng đang tích cực rao bán ô tô để thu hồi nợ, trong đó có rất nhiều chiếc chỉ có giá hơn 100 triệu đồng…
Nguồn: [Link nguồn]