Hơn 100 thương nhân Trung Quốc được nhập cảnh mua vải thiều Bắc Giang
Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, đã có 103 thương nhân Trung Quốc được cơ quan chức năng Việt Nam đồng ý nhập cảnh sang Bắc Giang thu mua vải thiều.
Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, vào ngày 25-5 UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức “Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2022”.
Theo ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, năm 2022 diện tích trồng vải tiếp tục duy trì 28.300 ha, sản lượng khoảng 180.000 tấn, vượt 20.000 tấn so với kế hoạch đề ra.
Năm nay thời tiết thuận lợi phù hợp với quá trình sinh trưởng, phát triển vải thiều nên dự báo chất lượng trái vải ngon nhất từ trước tới nay.
Chất lượng trái vải thiều Bắc Giang năm 2022 dự báo ngon nhất từ trước tới nay. ẢNH: Sở Công thương tỉnh Bắc Giang
Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, để chủ động hỗ trợ người sản xuất, hội nghị được tổ chức nhằm quảng bá, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp (DN), thương nhân trong và ngoài nước tìm kiếm đối tác, hợp tác tiêu thụ vải thiều, các nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh.
Ông Tấn cho biết hội nghị tiếp tục tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Bên cạnh điểm cầu chính tại trung tâm hội nghị tỉnh Bắc Giang và các tỉnh, thành còn có bốn điểm cầu tại tỉnh Vân Nam, Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây. Các điểm cầu tại Nhật Bản, Úc, Thái Lan, Singapore và Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
"Năm ngoái sản lượng vải thiều tiêu thụ nội địa 126.000 tấn, xuất khẩu 90.000 tấn. Vì vậy, thị trường nội địa rất quan trọng, tỉnh tiếp tục quan tâm, phát triển mở rộng” - ông Tấn nhấn mạnh.
Về xuất khẩu, đối với thị trường Mỹ, Úc, EU duy trì sản xuất 18 mã vùng trồng, diện tích 218 ha, sản lượng 1.600 tấn. Nhật Bản và thị trường khác, tỉnh cấp mới năm mã vùng trồng, nâng tổng mã vùng trồng lên 35 mã với diện tích hơn 269 ha, sản lượng khoảng 2.000 tấn.
Riêng thị trường Trung Quốc, tỉnh tập trung chỉ đạo sản xuất 149 mã vùng trồng đã được Trung Quốc chấp thuận với 15.867 ha, sản lượng khoảng 95.000 tấn. Duy trì 300 cơ sở đóng gói phục vụ đủ nhu cầu xuất khẩu.
Năm 2021 Saigon Co.op cam kết tiêu thụ 400-500 tấn vải thiều của nhà vườn các tỉnh phía Bắc
"Các cơ quan chức năng phổ biến, hướng dẫn DN, hợp tác xã, thương nhân tham gia xuất khẩu tuân thủ, đáp ứng yêu cầu về Lệnh 248, 249 của Hải quan Trung Quốc... chuẩn bị các điều kiện tốt nhất xuất khẩu sang thị trường này” - ông Tấn chia sẻ.
Trước đó, UBND tỉnh Bắc Giang có buổi làm việc trực tuyến với ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán Công sứ, Phụ trách Kinh tế-Thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội về việc đề nghị hỗ trợ xuất khẩu vải thiều Bắc Giang sang thị trường Trung Quốc năm 2022.
Cụ thể, hỗ trợ mở luồng xanh ưu tiên cho xuất khẩu vải thiều, tạo điều kiện mỗi ngày từ 300-500 xe qua các cửa khẩu địa bàn tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn.
Đồng thời, điều kiện mở thêm hai cửa khẩu phụ Chi Ma, Cổng Trắng (tỉnh Lạng Sơn), kéo dài thời gian làm việc hàng ngày tại cửa khẩu đến 21 giờ Trung Quốc; xem xét hỗ trợ, tạo điều kiện cho thương nhân Trung Quốc được xuất cảnh sang Việt Nam đến tỉnh Bắc Giang khảo sát, đàm phán thu mua vải thiều.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, đã có 103 thương nhân Trung Quốc được cơ quan chức năng Việt Nam đồng ý nhập cảnh sang Bắc Giang thu mua vải thiều. Địa phương đang đề xuất thêm 96 thương nhân Trung Quốc được sang Bắc Giang thu mua vải thiều (năm 2021 có 190 thương nhân Trung Quốc).
Sản lượng vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ước khoảng 112.900 tấn, vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP khoảng 1.000 tấn. Năm 2022 tỉnh Bắc Giang xây dựng hai mô hình vải sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ qui mô 20 ha. Đặc biệt, xây dựng mô hình phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh bằng công nghệ máy bay không người lái, qui mô diện tích 200 ha. |
Nguồn: [Link nguồn]
Tên gọi của loại quả này gắn liền với một nhân vật cổ tích nổi tiếng mà ai cũng biết.