Hệ lụy tăng giá xăng dầu: 'Bão giá' hoành hành
Giá xăng dầu liên tục tăng cao trong những ngày đầu năm 2022, vượt mức 25.000 đồng/lít với xăng RON 95, đã tác động đến tất cả các mặt đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh. Giá cả nhiều mặt hàng tăng vọt khiến công nhân, lao động nghèo chật vật.
Áp lực tăng giá
Đưa tay thấm giọt mồ hôi sau khi hoàn thành đơn hàng thực phẩm giao tận Bình Dương, anh Võ Tài (35 tuổi, quê Gia Lai) từ Tết tới giờ vẫn chưa về quê vì muốn ở lại “cày” để có thêm tiền gửi vợ con. Thế nhưng, gần đây giá xăng dầu tăng cao, kéo theo hàng loạt mặt hàng tăng giá, tiền dành dụm gửi về quê đã ít đi.
Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), nếu chi phí tiếp tục tăng cao, chịu thiệt nhất vẫn là người tiêu dùng. Khi chi phí vận tải cao, chắc chắn hàng hóa đến tay người tiêu dùng sẽ tăng giá. Điều này hoàn toàn không có lợi cho thị trường khi sức mua chưa hồi phục hoàn toàn. Hiện nay, toàn bộ DN vận tải chỉ mới trong giai đoạn bắt đầu phục hồi. Trong khi đó, chi phí vận tải biển vẫn tiếp tục tăng cao và chưa có dấu hiệu dừng lại do thiếu hụt về nguồn cung và lao động vận tải toàn cầu. Chưa kể, các DN vẫn đang phải gánh thêm các chi phí phòng, chống dịch.
“Bình thường, mỗi ngày tôi đổ xăng khoảng 80.000 đồng chạy cả ngày, giờ phải đổ thêm hơn 100.000 đồng mới đủ. Xăng tăng giá, mọi thứ đều tăng theo. Tô cháo lòng vỉa hè trước chỉ 15.000 đồng, giờ cũng vọt lên 20.000 đồng. Tôi nhận 2 đầu việc của 2 đơn vị khác nhau để giao hàng cả ngày; xăng dầu, ăn uống mình tự chịu. Khi xăng, thực phẩm tăng giá, tôi gặp rất nhiều khó khăn” - anh Tài nói.
Mỗi tháng, anh Tài thường gửi về quê từ 4-5 triệu đồng để lo cho 2 con, cha mẹ lớn tuổi. Giờ để có đủ số tiền đó, anh phải “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm chi tiêu nhiều hơn. “Phải cố gắng thôi vì không còn cách nào khác, xăng tăng thì các hàng hóa khác cũng tăng theo. Mình tiết kiệm lại một chút chắc cũng đủ” - anh Tài nói như tự an ủi chính mình.
Cầm 100.000 đồng đi chợ, chị Thảo Hồng (công nhân may quận Bình Tân) đắn đo không biết mua gì vì “đụng đâu cũng thấy tăng giá”. Rau củ tăng nhẹ từ 2.000-3.000 đồng/kg, tôm cá tăng mạnh hơn. “Với số tiền đem theo, tôi chỉ mua đủ đồ để nấu nồi canh chua cho cả nhà 3 người ăn cả ngày. Ngay cả tã sữa của con, tôi cũng cắt bớt để tiết kiệm. Đồng lương công nhân của hai vợ chồng chỉ tầm chục triệu đồng đã “đứng yên” từ năm năm nay, nhưng thực phẩm, hàng hóa đã tăng giá gấp 4-5 lần” - chị Hồng nói.
Anh Võ Tài (quê Gia Lai) làm nhiều việc ở TPHCM nhưng phải tằn tiện hơn từ khi xăng tăng giá ảnh: U.P
Khảo sát giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm tại một số chợ lẻ, cửa hàng ăn uống tại TPHCM, chúng tôi ghi nhận giá cả đã tăng dần đều theo xăng dầu. Giá nhiều nhóm hàng rau, củ hiện đã tăng từ 3.000-5.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây một tuần. Chẳng hạn, giá cải thảo từ 22.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg, tần ô từ 45.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg, các loại cà chua, bông cải (súp lơ) xanh tăng bình quân 5.000 đồng/kg.
Đang cân nhắc việc tăng giá quán phở - bún bò, chị Hoàng (chủ quán ở quận 4) cho hay, hiện giờ giá các mặt hàng thiết yếu tăng vùn vụt từ cọng rau, cân thịt… ảnh hưởng đến công việc kinh doanh. “Sau Tết, rau ăn kèm đã tăng thêm 15.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg; hành lá có giá 70.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg); dưa muối tăng lên 230.000 đồng/10kg (tăng 40.000 đồng); giá gas công nghiệp tăng từ 1 triệu đồng lên 1,4 triệu đồng. Chưa kể phải trả tiền lương cho nhân viên, tiền thuê mặt bằng… Tiệm bún, phở nhỏ nhưng gánh ngần ấy chi phí, nếu không tăng giá thì chúng tôi sẽ sập tiệm” - chị Hoàng nói.
"Đau đầu" vì phí vận tải tăng cao
Ông Cao Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Chế biến nông sản Minh Hoa (TP Thủ Đức) cho biết, trước tháng 8/2021, chi phí vận chuyển cho mỗi container trọng lượng từ 12-15 tấn từ TPHCM, Tiền Giang, Long An ra cửa khẩu biên giới các tỉnh phía Bắc để xuất khẩu sang Trung Quốc có giá 50-70 triệu đồng thì đến cuối năm 2021 đã đội lên khoảng 90-100 triệu đồng. “Với việc giá xăng dầu tăng trong những ngày đầu năm 2022, dự báo giá cước vận chuyển nông sản, trái cây từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục tăng đội lên 120-130 triệu đồng/container và sẽ còn cao hơn nữa nếu giá xăng tiếp tục tăng” - ông Thành tính toán.
Ông Trần Thanh Huỳnh, chủ cơ sở Thanh Huỳnh, chuyên kinh doanh thịt đông lạnh cho biết, giá các loại thịt nhập về tăng đến 25-30%, chi phí vận chuyển qua đường biển và đường bộ đắt đỏ. “Nếu như trước kia, khi giá xăng dầu chưa cao như hiện nay, mỗi container trọng lượng 12-15 tấn có tổng chi phí vận chuyển 2.400-4.000 USD thì nay đã lên đến 11.000-12.000 USD, tăng gần gấp 3 lần” - ông Huỳnh nói.
Theo bà Huỳnh Phương Trinh, Phó tổng giám đốc Công ty sản xuất bột Quốc tế, giá các nguyên liệu nhập về hiện đã tăng từ 20-50%, một phần do nguồn nguyên liệu thô khan hiếm, phần do tàu về chậm, giá cước tàu tăng gấp đôi. Hầu hết các đối tác Thái Lan, Nhật Bản, châu Âu đều báo không đủ lượng hàng cung ứng, đến tháng 5/2022 mới có hàng và chỉ cung cấp khoảng 50% đơn đặt hàng, chưa kể họ báo giá 1 tấn hàng tăng từ 600 USD lên 800 USD. “Đáng lo nhất là giá cước tàu vận chuyển tăng cao nhưng lại thiếu tàu chở hàng, thời gian hàng về đến Việt Nam chậm từ 1-1,5 tháng. Giá thành phẩm bình quân hiện tăng hơn 20% nhưng công ty chưa thể tăng giá bán lẻ vì phải thương lượng với khách và có lộ trình, nếu có tăng cũng chỉ khoảng 10% chứ không nhiều hơn” - bà Trinh nói.
Theo các chuyên gia, chi phí xăng dầu tăng sẽ tác động đến nhiều ngành nghề từ sản xuất, kinh doanh đến dịch vụ. Đơn cử như ngành vận tải hàng hóa container, xăng dầu chiếm từ 30-35% chi phí. Vì vậy, giá xăng tăng rất dễ kéo giá vận chuyển hàng hóa tăng lên, từ đó tác động tăng chi phí liên hoàn tới nhiều ngành, lĩnh vực và hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Linh động, cân đối
Ông Nguyễn Tấn Linh, Giám đốc Công ty Yang Kee Vietnam Logistics cho hay, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua đã khiến giá cước dịch vụ logistics tăng phi mã. Khi ảnh hưởng của dịch chưa hạ nhiệt, giá xăng tăng cao khiến giá dịch vụ logistics tiếp tục tăng phi mã, các doanh nghiệp (DN), người dân điêu đứng.
Từ đầu năm đến nay, DN của ông Linh đã ra thông báo tăng giá dịch vụ logistics 2 lần. Tuy nhiên, việc tăng giá không thể đuổi theo giá xăng vì nếu tăng giá dịch vụ quá cao khiến các khách hàng sẽ bỏ chạy. DN phải linh động, cân đối và chia tỷ lệ tăng, mỗi bên chịu một phần nhằm giảm thiệt hại cho các khách hàng.
Theo ông Linh, việc tăng giá xăng gây tác động trực tiếp đến thị trường, kéo theo tất cả các dịch vụ, giá cả hàng hóa đều tăng, cuối cùng người bị ảnh hưởng nặng nhất là người tiêu dùng.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và Du lịch TPHCM cho rằng, giá xăng dầu tăng cao gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp vận tải hành khách trên địa bàn TPHCM. Đặc biệt, sau thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành, các DN gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí kiệt quệ mà xăng dầu tăng giá cao nhất trong vòng 7-8 năm qua gây tác động kép, DN càng khó khăn hơn.
Về mặt lý thuyết, khi giá xăng dầu tăng thì cước vận tải cũng sẽ tăng theo nhưng phải đi sau một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, hiện nay dịch bệnh vẫn còn phức tạp, lượng hành khách đi lại chưa đông nên việc tăng cước vận tải cũng ảnh hưởng tới lượng hành khách.
Theo ông Tính, để giải quyết vấn đề này, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần đề xuất rút quỹ bình ổn xăng dầu để giúp cho giá xăng dầu hạ xuống, tiệm cận với giá cũ. Bên cạnh đó, cần cân đối giảm thuế, phí để kéo giá xăng dầu giảm xuống. Đồng thời, các doanh nghiệp vận tải linh động, tự cân đối điều chỉnh giá cước vận tải. "Với những biện pháp như vậy thì may ra mới bình ổn thị trường, tạo thuận lợi để hành khách và hàng hóa được lưu thông. Còn với tình hình hiện nay thì khó muôn bề", ông Tính nói.
Ít ai ngờ rằng thứ quả rẻ như cho ở Việt Nam lại được bán với mức giá "không tưởng" ở nước ngoài.
Nguồn: [Link nguồn]