Hàng trăm container nông sản nằm chờ ở cửa khẩu: Nhà nông lao đao vì dịch Corona

Hơn 260 container hàng nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; 200 container cũng đang được chạy bảo quản lạnh trong khu vực cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành, Lào Cai,…

Hàng trăm container nông sản ùn ứ

Tính đến ngày 4/2, các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có hơn 260 container hàng nông sản vẫn còn nằm lại cửa khẩu do Trung Quốc ngừng thông quan hàng hóa liên quan đến dịch viêm phổi do virus Corona.

Hàng trăm xe container thanh long ùn ứ tại Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn)

Hàng trăm xe container thanh long ùn ứ tại Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn)

Trao đổi với phóng viên, đại diện lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh cho biết, kể từ khi xuất hiện dịch Corona, lượng nông sản, hoa quả XNK qua cửa khẩu Tân Thanh giảm mạnh khi các cơ quan chức năng hai nước cùng thực hiện nhiều biện pháp siết chặt thông quan để kiểm soát dịch bệnh.

Theo đại diện Chi cục Hải quan Tân Thanh, kể từ ngày 30/1, sau khi phía Trung Quốc thông báo dừng thông quan hàng hóa tại một số cửa khẩu, đơn vị đã yêu cầu các đơn vị thuộc chi cục thông báo cho các DN biết về tình hình tạm dừng làm thủ tục thông quan hàng hoá để chủ động đưa hàng về cửa khẩu. Tuy nhiên, do không nắm bắt hoặc đang trên đường di chuyển về cửa khẩu nên tính đến sáng 4/2, tại cửa khẩu Tân Thanh còn tồn đến 206 container chứa thanh long.

Tại cửa khẩu Hữu Nghị, hiện có 60 xe container hàng thanh long vẫn đang tồn đọng kể từ khi Trung Quốc thông báo tạm dừng làm thủ tục thông quan.

Điều đáng nói, mặt hàng thanh long vẫn đang tiếp tục được đưa lên cửa khẩu, bình quân mỗi ngày 15-20 xe container.

Tương tự, trên địa bàn tỉnh Lào Cai, tại cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành, Lào Cai, tính đến ngày 3/2 toàn bộ 200 container cũng đang được chạy bảo quản lạnh trong khu vực cửa khẩu để chờ xuất khẩu

Để ngăn chặn dịch Corona ngay từ biên giới, những ngày qua lực lượng chức năng cả hai phía Việt Nam và Trung Quốc đều siết chặt thông quan.

Một số DN xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh cho biết, phía Trung Quốc tạm dừng thông quan hàng hóa đến hết ngày 15 tháng Giêng. Do đó, một lượng lớn hoa quả không thể tiêu thụ được, nhiều chủ xe phải chở về vùng xuôi, đổ đống bên đường để bán cắt lỗ.

Kêu gọi người dân chung tay ủng hộ

Anh Trần Văn Quang - một thương lái chuyên thu mua dưa hấu ở Gia Lai, Sài Gòn để xuất khẩu sang Trung Quốc cho biết, hiện nay, giá dưa hấu đang giảm rất mạnh do không xuất khẩu được.

Hàng loạt xe dưa hấu bị ùn ứ ở cửa khẩu Lào Cai và Lạng Sơn, phải chở về Hà Nội tiêu thụ

Hàng loạt xe dưa hấu bị ùn ứ ở cửa khẩu Lào Cai và Lạng Sơn, phải chở về Hà Nội tiêu thụ

Sau Tết, anh Trần Văn Quân đánh 1 xe container dưa hấu lên cửa khẩu Lào Cai để xuất sang Trung Quốc, tuy nhiên, gần đến nơi thì nhận được thông tin Trung Quốc tạm đóng cửa khẩu để phòng dịch virus Corona. Cực chẳng đã, anh Quân phải chở cả xe dưa về Hà Nội tiêu thụ, đổ đống bên đường bán túc tắc được đồng nào hay đồng ấy, với giá 7.000-8.000 đồng/kg.

Với mức giá bán trên, trừ mọi chi phí, bà con nông dân trồng dưa cũng như các thương lái đang “khóc ròng” vì thua lỗ nặng.

Các mặt hàng thanh long cũng vậy, một số doanh nghiệp lớn của Trung Quốc như Công ty Hồng Thái Dương - doanh nghiệp nhập khoảng 40% của Long An để cung ứng cho thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) đã hủy khoảng 300 container thanh long ruột đỏ, khoảng 6.000 tấn dù đã đặt hàng…

Có thể thấy nhóm doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đi Trung Quốc đã bị tê liệt do ảnh hưởng của dịch cúm Vũ Hán, các thương lái đặt mua ở vựa để xuất khẩu sang Trung Quốc phục vụ Rằm Tháng Giêng đã đặt cọc thì cũng bỏ luôn do giá xuống quá thấp.

Trước thực trạng này, người trồng dưa hấu, thanh long và các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đi Trung Quốc lo lắng vì hoa quả ùn ứ, không biết bán đi đâu khi phía Trung Quốc thông báo ngừng giao thương hàng hóa tại cửa khẩu để kiểm soát dịch bệnh.

Ông Nguyễn Đình Tùng – Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, dịch viêm phổi do virus Corona gây ra ngay lập tức đã tác động mạnh đến giá nhiều loại nông sản; trong đó, nhóm doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đi Trung Quốc đã bị tê liệt. Các thương lái đã đặt cọc mua để xuất khẩu sang Trung Quốc phục vụ Rằm tháng Giêng cũng bỏ luôn do giá xuống quá thấp, kéo theo nông dân thiệt hại nặng nề.

Ông Tùng đề nghị: “Hiệp hội Rau quả Việt Nam kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào các thị trường khác; quy hoạch vùng trồng, làm tốt công tác bảo quản, riêng Bộ Công Thương hỗ trợ tiền điện cho những đơn vị tham gia bảo quản trái cây để vượt qua khó khăn”.

Về phía Bộ Công Thương, tại cuộc họp với Bộ NN&PTNT chiều 3/2, Bộ đã đề nghị các doanh nghiệp logisctics tham gia giúp đỡ bảo quản nông sản trong thời gian chờ xuất khẩu; Khuyến nghị nông dân điều chỉnh ngay tiến độ sản xuất bởi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khả năng kéo dài; Tăng cường tiêu thụ nội địa thông qua việc động viên và tổ chức kết nối chuỗi phân phối trong nước với các vựa trái cây lớn như Bình Thuận, Long An. Kêu gọi người dân chung tay ủng hộ nông dân trong nước.

Rau xanh khan hiếm, giá bán tại chợ tăng gấp 3, kệ hàng ở siêu thị trống trơn

Những ngày sau Tết, thị trường rau củ quả tại các chợ đầu mối, chợ cóc và các siêu thị lớn đều có xu hướng tăng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN