Hàng loạt khách tá hỏa sập bẫy combo giá rẻ dịp lễ 30/4
Cận ngày 30/4, từ khóa "combo du lịch giá rẻ" là cụm từ được nhiều người tìm kiếm. Lợi dụng thời điểm này, nhiều trang web bán hàng online đã tung các gói du lịch giá rẻ để lừa đảo, chiếm đoạt tiền.
Chị Thu Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, gia đình có kế hoạch du lịch Sa Pa dịp nghỉ lễ, tham khảo qua các trang web về du lịch chị đặt mua 4 combo nghỉ lễ qua một tài khoản Facebook trong nhóm tư vấn du lịch Sa Pa. Combo 3 ngày 2 đêm gồm vé xe giường nằm khứ hồi Hà Nội - Sa Pa và phòng nghỉ tại resort 4 sao ở trung tâm thị xã. Giá mỗi gói là 1,9 triệu đồng/người và tổng khoản tiền cần thanh toán là 7,6 triệu đồng. Người bán yêu cầu du khách chuyển khoản cọc 3 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng cá nhân, sau đó sẽ gửi mã đặt xe, phòng qua email.
Nhiều combo du lịch giá rẻ tới bất ngờ được rao bán trên các trang mạng
Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền 2 – 3h không nhận được mã, chị Hòa liên hệ lại với người bán thì tá hỏa phát hiện đã bị tài khoản này chặn số. Hôm sau, chị đăng bài trên các hội nhóm du lịch để tìm kiếm thông tin người bán, hy vọng lấy lại tiền. Nhưng phần lớn bài đăng nhận được phản hồi rằng đây là tài khoản ảo, sử dụng tên và ảnh của người khác để lừa đảo ở nhiều nơi.
Chị Hòa cho biết đây là lần đầu du lịch Sa Pa nên đăng tìm kiếm phòng trong các hội nhóm nhưng các trang uy tín như resort đều thông báo hết phòng. Dường như hiểu rõ tâm lý, cùng thời điểm đó nhận được đối tượng trên nhắn tin, gửi hình ảnh resort và giới thiệu combo có giá rẻ hơn rất nhiều so với những người khác, nên chị quyết định đặt ngay khi biết tin còn phòng.
“Trước khi chuyển khoản do tên chủ tài khoản ngân hàng khác với tên người bán tôi có thắc mắc nhưng người này giải thích rằng đó là tài khoản của kế toán công ty. Tìm hiểu tài khoản Facebook của người bán tôi thấy giới thiệu rất chuyên nghiệp, nên không còn hoài nghi gì và đã chuyển tiền. Tôi thực sự thất vọng sợ bị lừa lần và cũng hết tâm trạng hào hứng nên sẽ hủy chuyến đi dịp này” chị Hòa nói.
Cũng do số tiền không quá lớn, chị Hòa cho biết không có ý định báo cơ quan chức năng.
Khách hàng nên kiểm tra kỹ với những combo du lịch giá rẻ nhưng được hưởng các dịch vụ cao cấp kèm theo
Tương tự, chị Thu Hà (sinh viên một trường đại học ở quận Cầu Giấy, Hà Nội), buồn bã chia sẻ trên một diễn đàn về du lịch: "Hà và nhóm bạn vừa mua gói du lịch giá rẻ 3 ngày 2 đêm Hà Nội - Nha Trang cho dịp nghỉ lễ dài ngày tới là 30/4 và 1/5 với giá hơn 3 triệu/người. Combo gồm vé máy bay khứ hồi, khách sạn 5 sao, cùng với đó là nhiều dịch vụ ăn uống, xông hơi…
Nhóm mình đã chuyển 11 triệu đồng cho đơn vị du lịch này 1 tuần trước và họ hẹn khoảng 2 ngày nữa liên lạc lại để chuyển vé máy bay khứ hồi, nhưng sau nhiều ngày thì mình không thấy họ liên lạc lại. Mình gọi điện cũng không thấy ai bắt máy”.
Trước thông tin Hà chia sẻ, rất nhiều bạn trẻ khác, đặc biệt là sinh viên cũng cho biết đã mắc lừa bởi những lời mời chào mua combo du lịch giá rẻ 3 ngày 2 đêm hoặc 4 ngày 3 đêm đến các điểm du lịch như: Đà Nẵng, Côn Đảo, Phú Quốc, Quy Nhơn... với giá chỉ vỏn vẹn từ 1,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng, bao gồm trọn bộ vé máy bay khứ hồi, ăn sáng và ngủ ở khách sạn hạng sang…
Các trường hợp xảy ra nếu không bị lừa 100% tiền thì chất lượng dịch vụ cũng không đúng như quảng cáo, hành khách phải nộp thêm tiền phụ phí hoặc bị cắt giảm dịch vụ, phía công ty cung cấp dịch vụ trì hoãn không thực hiện các trách nhiệm cam kết trong hợp đồng giao dịch.
Khách hàng nên tìm mua combo du lịch của công ty có địa chỉ rõ ràng, uy tín
Tìm kiếm từ khóa "lừa đảo" trên các nhóm đặt phòng, tư vấn du lịch, du khách không khó để thấy hàng loạt bài đăng tố giác, cảnh báo. Nguyễn Thành Đạt (Đà Nẵng), quản trị viên nhóm Thanh lý voucher khách sạn, resort với 127.000 thành viên, cho biết vào dịp nghỉ lễ, các đối tượng dùng tài khoản ảo để lừa đảo hoạt động mạnh hơn. Họ lợi dụng tâm lý thích giá rẻ và tình trạng khan phòng ở các điểm đến. Các tài khoản ảo thường dùng hình ảnh cá nhân, tên của người khác để truy cập vào nhóm và giao dịch thông qua tin nhắn, vì vậy quản trị viên khó phát hiện và kiểm soát hết.
Anh Đạt lưu ý, khi mua combo trong các hội nhóm khuyến mãi, giá rẻ trên mạng xã hội, du khách có thể liên hệ với các quản trị viên nhóm hoặc đăng bài để nhờ kiểm chứng mức độ tin cậy. Trước khi giao dịch, du khách cần yêu cầu người bán cung cấp thông tin liên lạc trùng với hình ảnh và tên sử dụng trên tài khoản Facebook, hoặc tên công ty, đại lý du lịch.
Với thủ đoạn tinh vi, các đối tượng lừa đảo trực tuyến thường khoá tài khoản mạng xã hội, chặn hoặc hủy thông tin liên lạc. Do đó, cơ quan chức năng khó quản lý, truy vết và xử phạt. Để chủ động bảo vệ mình, du khách cần tìm hiểu kỹ thông tin về đơn vị cung cấp dịch vụ, các chương trình khuyến mãi, tham khảo thị trường và cảnh giác trước những combo, tour giá rẻ bất thường vào dịp cao điểm. Du khách nên đặt dịch vụ của những công ty uy tín để có đầu mối phản ánh, khiếu nại khi gặp vấn đề trong quá trình giao dịch hay trên đường du lịch.
Trước thực trạng trên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã khuyến cáo mọi người cần tìm hiểu kỹ thông tin về công ty cung cấp dịch vụ du lịch, các chương trình khuyến mãi trước khi lựa chọn sản phẩm, nên chọn dịch vụ của những công ty uy tín để tránh bị lừa đảo và có đầu mối để phản ánh, khiếu nại khi có vấn đề. Đặc biệt, cần cân nhắc việc đơn vị du lịch đề nghị chuyển tiền để giữ chỗ bởi về nguyên tắc, đây chưa phải là khoản tiền xác nhận cung cấp dịch vụ mà chỉ là khoản đặt cọc để đơn vị đó kiểm tra tình trạng gói du lịch.
Bên cạnh đó, người mua cần tìm hiểu kỹ lịch trình của gói du lịch. Trước khi đăng ký, bạn yêu cầu công ty cung cấp chi tiết các nội dung liên quan như thời gian, các địa điểm tham quan cụ thể, phương tiện di chuyển, khách sạn, tiêu chuẩn bữa ăn, bảo hiểm du lịch… Ngoài ra khách hàng cần nắm rõ chi phí nằm trong gói du lịch và các loại phí có thể phát sinh.
Dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 năm nay, ngoài những tour nghỉ dưỡng thông thường, nhiều tour du lịch trải nghiệm, khám phá bằng...
Nguồn: [Link nguồn]