Hạn mặn gay gắt, người dân phải mua nước ngọt giá tới 100.000 đồng/m3
Do hạn mặn gay gắt, nhiều hộ dân tại tỉnh thành này đã phải mua nước ngọt với giá 100.000 đồng/m3 để sử dụng vào mục đích sinh hoạt.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre nhận định mùa khô năm 2023-2024 mặn xâm nhập sớm, sâu và kéo dài hơn so với trung bình 10 năm gần nhất. Mặn bắt đầu xâm nhập từ tháng 11/2023 và kéo dài đến tháng 5/2024.
UBND tỉnh Bến Tre cho biết, tính đến kỳ báo cáo giữa tháng 2, độ mặn trên sông thuộc các huyện ven biển là Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú cao nhất ở mức 3,1‰; còn độ mặn trên sông tại các huyện nội địa gồm Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc và Châu Thành cao nhất ở mức 3‰.
Nước nhiễm mặn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân thuộc nhiều khu vực của tỉnh Bến Tre. Bà Châu (trú tại xã Tân Phong, huyện Thạnh Phú) cho biết cả gia đình khốn đốn vì hạn mặn. Gia đình bà cùng gia đình em gái chung nhau mua nước ngọt với giá 100.000 đồng/m3, sau đó sử dụng để hòa với nước máy nhiễm mặn để dùng cho đỡ tốn.
Theo bà, trước Tết, nước cũng đã mặn nhưng giờ còn mặn hơn. Nước do nhà máy cũng cấp cũng mặn như nước sông nên quanh khu vực bà sinh sống đều không thể sử dụng nước máy để nấu ăn hay tắm rửa.
“Hôm nào lặng gió, nước sẽ đỡ mặn hơn chút, còn hôm nào gió nhiều thì mặn nhiều. Để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, mọi người trong gia đình tôi thường sẽ tắm giặt bằng nước máy sau đó dùng nước ngọt để xả lại”, bà cho hay.
Quán rửa xe của chị Quỳnh phải mua nước ngọt về để rửa xe cho khách, tăng thêm 5.000 đồng/lượt rửa xe.
Quán rửa xe của chị Quỳnh tại xã Tân Phong, huyện Thanh Phú, Bến Tre, cũng phải mua nước ngọt giá cao vể rửa xe cho khách. Trước, chị thường dùng nước máy để rửa xe cho khách và lấy giá 25.000 đồng/xe. Nay nước máy nhiễm mặn, chị đi mua nước ngọt về rửa xe thì tăng thêm 5.000 đồng/lượt rửa.
Do tăng giá, quán rửa xe của chị cũng vắng khách hơn trước. “Tính ra nhà tôi vẫn còn may mắn vì nhiều quán rửa xe trong vùng còn phải đóng cửa tạm nghỉ vì không có bể chứa nước ngọt”, chị chia sẻ.
Quán gội đầu của chị Loan ở địa phương này cũng than thở vì nghề của chị bị ảnh hưởng rất nhiều bởi hạn mặn. “Nước máy nhiễm mặn thì những người làm nghề gội đầu như tôi bị ảnh hưởng nhất. Muốn duy trì nghề, tôi cũng phải mua nước ngọt về gội đầu cho khách. Vì dùng nước máy nhiễm mặn, gội sẽ k lên được bọt”, chị chia sẻ.
Nhưng để tiết kiệm nhất có thể, nước đầu tiên chị vẫn dùng nước máy và chấp nhận thêm dầu gội. Chỉ có lúc xả cuối cùng, chị sẽ sử dụng nước ngọt. Hiện, chị đang lấy giá 30.000 đồng/lượt gội đầu.
Do tăng giá, quán rửa xe hay gội đầu cũng vắng khách hơn.
Được biết, tỉnh Bến Tre có gần 1.700 cống ngăn mặn, vận hành đóng mở theo độ mặn thực tế trên sông. Do độ mặn tăng cao, các cống ở cuối nguồn đã đóng từ đầu năm đến nay.
Theo UBND tỉnh Bến Tre, hiện tỉnh này có 60 nhà máy nước do Sở Xây dựng và Sở NN&PTNT quản lý. Đến hiện tại, các nhà máy nước phục vụ TP Bến Tre và các nhà máy có nguồn nước thô được kiểm soát bởi cống, đập chưa bị xâm nhập mặn ảnh hưởng. Các nhà máy còn lại cấp nước có độ mặn tương đương độ mặn trên sông.
Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết: "Người dân và chính quyền tỉnh Bến Tre có kinh nghiệm ứng phó hạn mặn. Người dân đã chủ động bằng nhiều biện pháp để tích trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và tưới cây. Các ngành chức năng cũng luôn theo dõi sát tình hình để có phương án hợp lý.
Ở các đơn vị cấp nước, các biện pháp như vận chuyển nước thô bằng sà lan đã được tính đến. Cùng với các hồ trữ ngọt hiện hữu, tới đây Bến Tre sẽ xây dựng thêm nhiều cống, đập. Sau khi hệ thống cống, đập hoàn thành, sông Ba Lai sẽ là túi nước khổng lồ, đảm bảo cho người dân Bến Tre không còn lo lắng xâm nhập mặn".
Giá bán giảm hơn nhiều so với thời điểm cuối năm ngoái, con đặc sản này vẫn ít người tìm mua.
Nguồn: [Link nguồn]