Giá rau tăng chóng mặt, một bó rau muống 25.000 đồng nhưng tiểu thương không thiết bán
“Mỗi bó rau muống tôi bán 25.000 đồng nhưng chỉ được lãi 2.000 đồng thôi, ế vài bó thôi là mất hết lãi buổi chợ hôm đó. Rau gì cũng đắt gấp 2-3 lần mà khách thì không có nên tôi phải nghỉ chợ 3 hôm rồi, có rau gì đâu mà bán”.
Đó là chia sẻ của chị Hoa, tiểu thương bán rau-củ-quả ở chợ Thổ Quan, Đống Đa (Hà Nội) về lí do nghỉ chợ suốt 3 ngày qua của mình.
Chị Hoa quê ở Chương Mỹ (Hà Nội), chạy xe gần 40km vào nội thành bán rau mấy năm qua. Để có chỗ bán hàng, chị phải thuê ngồi ké vài tiếng buổi sáng trước cửa một cửa hàng may mặc mất 1 triệu đồng/tháng. Mỗi buổi chợ chỉ mong kiếm được 100-200.000 đồng là cũng “ấm”.
Tuy nhiên, gần một tuần qua, giá rau-củ-quả các loại đều tăng đột ngột gấp 2-3 lần bình thường khiến ngày nào chị cũng phải băn khoăn xem “đi hay nghỉ”.
Giá rau xanh tăng quá cao khiến chị Hoa phải nghỉ chợ vì sợ lỗ.
“Bây giờ cà chua lên 30-40.000 đồng/kg, hành lá 65.000 đồng/kg, các loại rau cải cũng từ 25-30.000 đồng/kg, bí đỏ 30.000 đồng/kg… Giá cao nhưng cũng không có hàng mà lấy như trước, bán ra cũng khó vì người dân họ hỏi giá xong lại không mua nên tôi nghỉ chợ 3 ngày nay có dám đi đâu”, chị Hoa nói.
Theo chị Hoa, trước đây giá rau củ bình ổn nên rau muống chỉ từ 5-8.000 đồng/bó, hành lá chỉ 20-30.000 đồng/kg, cà chua chỉ 10-20.000 đồng/kg, các loại rau cải chỉ từ 10-15.000 đồng/kg, người dân đi chợ hầu như không hỏi giá.
Không chỉ rau muống mà các loại rau cải và rau thơm cũng tăng gấp 2-3 lần trước đây.
Hiện tại chị Hoa cho rằng, rau củ tăng giá chóng mặt nên ai mua gì cũng hỏi giá, thậm chí hỏi xong còn không mua, chị phải mời chào bất kỳ ai đi qua hàng rau để “chống ế”.
“Trời thì mưa cả tuần trong khi rau củ lại tăng giá, không đi chợ thì tiền thuê chỗ ngồi vẫn mất 1 triệu/tháng mà đi thì vất vả lắm, có hôm còn lỗ vì mỗi cân rau, bó rau tôi lấy lãi có 1-2.000 đồng. Nếu mà ế vài món thì coi như đi làm công cốc nên giờ thay vì lấy 50-60 bó rau thì tôi chỉ lấy từ 20 bó bán dần”, chị Hoa bày tỏ.
Vừa cầm từng quả su su lên nhìn ngó, bà Thủy, người bán rau ở chợ Khâm Thiên (Đống Đa) vừa cho hay, rau củ tăng giá quá cao nên khách giảm đi quá nữa, su su để lâu không bán được mọc rễ, mọc mầm ở thùng phải vứt bỏ cả đống.
Theo bà Thủy, không chỉ rau muống, hành, mùi, tía tô và các loại rau xanh khác tăng giá mà ngay cả các loại củ quả khác cũng tăng gấp nhiều lần. Đơn cử như su hào cũng tăng từ 5.000 đồng lên 10.000 đồng/củ; su su tăng từ 10.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg; bí xanh từ 10.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg; bí đỏ tăng từ 12.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg…
Giá rau cao nên mỗi buổi chợ, nhiều người bán hàng chỉ dám nhập vài cân/loại kẻo ế.
“Ngày trước họ mua hàng còn xin thêm cọng hành, quả ớt chứ bây giờ không dám cho ai vì giá quá cao. Giá cao nên người mua dè chừng khiến hàng hóa ế ẩm lắm. Nghỉ thì mất khách mà bán thì hầu như hôm nào cũng ế”, bà Thủy cho hay.
Vừa xuống Hà Nội được hơn 1 tuần, chị Hồng, trú tại Thanh Xuân (Hà Nội) “choáng váng” khi lần đầu tiên đi chợ mua rau sau gần 3 tháng về quê nghỉ dịch.
“Tôi về quê xuống có mang theo rau củ ở quê xuống, ăn trong khoảng 10 ngày là hết. Hôm qua nhà có khách, định làm nồi lẩu nên ra chợ mua rau. Lúc tính tiền tôi phải hỏi đi hỏi lại giá tiền của cô bán hàng đầu ngõ vì nấu 1 nồi lẩu mà mất gần 200.000 đồng tiền rau. Rau gì cũng tăng gấp 3 lần”, chị Hồng cho hay.
Khi thắc mắc giá rau thì chị Hồng được biết do rau muống vào cuối vụ, đồng thời do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa kéo dài khiến lượng rau bị ngập úng, thối hỏng nên giá rau tăng chóng mặt.
Rau được trồng tại nhà kính của các trang trại không bị ảnh hưởng bởi thời tiết nhưng giá cũng khá đắt đỏ do chi phí rau thành phẩm quá cao.
Ngược lại, chị Thu, trú tại Mộ Lao (Hà Đông) lại cho rằng giá rau tại hệ thống siêu thị của tòa nhà nơi chị ở vẫn giữ mức như cũ, không hề tăng giá như các chợ truyền thống.
“Tôi thấy bó rau muống đủ cho vợ chồng tôi ăn 2 bữa, nặng khoảng 5 lạng vẫn có giá 15.000 đồng, rau mùng tơi vẫn 12.000 đồng/bó khoảng 5 lạng, cà chua vẫn ở mức 25.000 đồng/kg
Tuy nhiên, theo chị Thu, khi so sánh giá của siêu thị và giá tại các chợ, thì giá rau tại siêu thị mặc dù bình ổn, không tăng giá nhưng bao giờ cũng cao hơn nhiều lần so với ở chợ.
Rau muống được trồng trong nhà kính.
Lý giải về điều này, chị Trần Thị Xuân, người phụ trách bán hàng tại một trang trại trồng rau hữu cơ tại Thanh Hóa cho hay, trang trại của chị trồng rau trong nhà kính nên không bị ảnh hưởng bởi thời tiết bên ngoài.
Mặc dù vậy, chi phí đầu tư nhà màng, nhà kính, giống, dinh dưỡng cao theo đúng tiêu chuẩn rau sạch nên giá rau thành phẩm luôn cao hơn ở các chợ.
“Chúng tôi sản xuất được rau quanh năm, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết nên dù nắng nóng hay mưa bão cũng không tăng giá. Ngược lại, giá luôn được bình ổn cả năm nên khách hàng mua rau tại siêu thị hay cửa hàng thực phẩm sạch hầu như không lo tăng giá bất ngờ từng ngày”, chị Thủy nói.
Trái ngược với giá thịt lợn đang giảm từng ngày, giá rau xanh tăng phi mã tại các chợ dân sinh khiến các bà nội trợ than...
Nguồn: [Link nguồn]