Hà Nội cấp “thẻ thông hành” cho shipper mô tô hoạt động trở lại
Sáng 25/7, Sở GTVT Hà Nội đã ban hành văn bản đề xuất cấp “thẻ thông hành” cho shipper được phép hoạt động trở lại. Các đơn vị đăng ký cho shipper được phép hoạt động phải chịu trách nhiệm quản lý và giám sát đội ngũ nhân viên, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các trường hợp lây nhiễm Covid-19.
Từ ngày 24/7, TP. Hà Nội chính thức bắt đầu thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày, trên phạm vi toàn Thành phố theo nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có tạm dừng hoạt động của shipper giao hàng và nhiều dịch vụ khác.
Việc tạm dừng shipper đang nhận được nhiều ý kiến tranh cãi từ dư luận và các đơn vị vận chuyển; đơn vị cung cấp hàng hóa như siệu thị, cửa bán thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết…
Trước nhu cầu thực tế, sáng 25/7, Sở GTVT Hà Nội đã ban hành văn bản số 3462/SGTVT-QLVT gửi Sở Công Thương và các đơn vị bưu chính viễn thông yêu cầu đăng ký cho nhân viên được phép vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ siêu thị và các doanh nghiệp bưu chính bằng xe mô tô hai bánh.
Nguyên nhân việc tạm dừng shipper lưu thông trên địa bàn Hà Nội là do chưa thể kiểm soát được lực lượng giao hàng này nếu không may họ đi lại nhiều nơi sẻ trở thành nguy cơ gieo rắc dịch bệnh.
Theo ông Đào Việt Long – Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội: "Sở GTVT đang xin ý kiến thành phố cho phép những xe 2 bánh phục vụ việc shipper vận chuyển hàng hoá trong địa bàn nội đô phục vụ các siêu thị và bưu chính viễn thông".
Để phục vụ nhu cầu giao hàng, shipper trong nội đô, UBND TP.Hà Nội đã cho phép nhân viên của các Công ty, doanh nghiệp bưu chính và các siêu thị giao nhận bưu phẩm, bưu kiện và hàng hóa thiết yếu bằng xe mô tô hai bánh được phép hoạt động.
Theo đó, Sở GTVT Hà Nội đề nghị Sở Công Thương và các đơn vị bưu chính viễn thông đăng ký cho nhân viên giao nhận hàng hóa thiết yếu, bưu phẩm, bưu chính hoạt động.
Sở Công Thương tổng hợp danh sách nhân viên giao hàng bằng xe mô tô hai bánh cho các siêu thị trên địa bàn thành phố có nhu cầu hoạt động, các đơn vị bưu chính tổng hợp danh sách nhân viên giao nhận bưu kiện (bưu tá) thuộc quyền quản lý có nhu cầu hoạt động trên địa bàn thành phố, bao gồm: họ tên, địa chỉ, số điện thoại di động, biển số xe, địa bàn hoạt động.
Các đơn vị đăng ký cho shipper được phép hoạt động phải chịu trách nhiệm quản lý và giám sát đội ngũ nhân viên, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các trường hợp lây nhiễm Covid-19.
Các đơn vị đăng ký cho nhân viên được phép hoạt động phải chịu trách nhiệm quản lý và giám sát công tác phòng dịch của đội ngũ nhân viên do đơn vị quản lý, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các trường hợp lây nhiễm dịch Covid-19.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, căn cứ vào danh sách đề nghị của các cơ quan, đơn vị nêu trên, Sở GTVT thực hiện xác nhận thông tin phương tiện được phép hoạt động (online) cho nhân viên vận chuyển qua số điện thoại bằng hình thức tin nhắn.
Ví dụ: Từ số điện thoại của Sở GTVT Hà Nội (SoGTVTHanoi) nhắn đến số điện thoại của lái xe theo đăng ký: SoGTVTHanoi xác nhận “ông Nguyễn Văn A” được “Công ty B” đăng ký vận chuyển hàng hóa thiết yếu tại địa bàn quận/huyện/thị xã C bằng xe mô tô xe hai bánh biển kiểm soát 29A-123xx).
Sau khi nhận được tin nhắn của Sở GTVT Hà Nội thông báo, nhân viên vận chuyển chụp ảnh màn hình tin nhắn xác nhận của Sở GTVT và xuất trình khi các lực lượng chức năng kiểm tra, yêu cầu.
Đại diện Công ty TNHH Grab cũng gửi văn bản cho sở Giao thông Vận tải, Sở Công thương Hà Nội đề xuất cho shipper hoạt động trở lại.
Trước đó, chiều 24/7, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản số 3461/SGTVT-QLVT về việc "dừng hoạt động đối với xe mô tô 2 bánh hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa để tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19".
Theo đó, các đơn vị như Công ty TNHH Grab (ứng dụng Grab); Công ty cổ phần Be Group (ứng dụng Be); Công ty TNHH Gojek Việt Nam (ứng dụng Gojek); Công ty TNHH MTV Logistics Viettel (ứng dụng My Go); Công ty cổ phần FastGo Việt Nam (ứng dụng FastGo) được yêu cầu dừng việc cung cấp ứng dụng gọi xe vận chuyển hành khách, hàng hóa từ ngày 24/7 cho đến khi có thông báo mới.
Về việc vì sao một số địa phương áp dụng Chỉ thị 16 không cấm dịch vụ ship (giao hàng thiết yếu), song Hà Nội lại dừng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội – Ông Vũ Văn Viện cho biết, Hà Nội đã nghiên cứu kinh nghiệm từ các tỉnh để có phương án quản lý chặt chẽ hơn, với phương châm đảm bảo công tác phòng chống dịch là trước hết và trên hết.
"Mục tiêu cao nhất là phòng chống dịch Covid-19, nếu Hà Nội không kiểm soát được sẽ rất nguy hiểm. Dịch đang rất phức tạp, mua hàng thiết yếu không có nghĩa cứ thích gì là gọi ship, từ cốc trà sữa đến cốc cà phê", ông Viện nói và cho rằng, hầu hết các siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố vẫn mở cửa bình thường, hơn nữa các siêu thị được phép hoạt động vẫn có đội ngũ vận chuyển hàng riêng đến tận nhà.
Nguồn: [Link nguồn]
Việc kinh doanh những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục là không phù hợp với quy định của pháp luật.