Giật mình khi phí giao hàng tăng chóng mặt, nhiều người “nhịn” miệng vì tiếc tiền
Không chỉ giá cước vận tải từ các tỉnh vào Hà Nội tăng gấp 3-4 lần mà phí ship hàng cũng tăng chóng mặt, gấp nhiều lần so với thời điểm trước dịch đã khiến nhiều người gặp không ít khó khăn.
Hơn nửa tháng qua, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, vì vậy, nhu cầu sử dụng các dịch vụ mua bán online trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Cùng với đó, nhu cầu vận chuyển hàng hóa cũng tăng cao. Tuy nhiên, phương tiện vận tải và shipper được phép di chuyển không còn nhiều như trước đây nên giá cước vận tải tăng chóng mặt.
Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội nên số lượng shipper được phép hoạt động không nhiều như trước đây.
Chị Chi, một người bán thực phẩm quê online tại Hà Nội cho biết, trước đây, chị thường xuyên lấy hàng từ Hòa Bình về Hà Nội để bán và giao cho khách nhưng hơn nửa tháng nay, phí vận chuyển cao gấp 3 lần nên chị phải tạm dừng bán hàng.
Theo chị Chi, nếu như trước đây, giá cước cho 1 thùng hàng khoảng 50kg chỉ mất khoảng 50.000 đồng thì hiện tại, chị phải trả từ 150-200.000 đồng cho lượng hàng tương tự. Chưa kể thời gian giao nhận kéo dài thêm vài tiếng đồng hồ.
“Ví dụ tôi lấy thịt lợn ở quê xuống đây bán. Trước đây, người nhà dậy từ 4 giờ sáng mổ lợn, 6 giờ sáng gửi xe chở xuống, 8 giờ sáng là tôi nhận được. Cước phí chỉ hết 50.000 đồng nhưng bây giờ, xe chở hàng gom hàng cả ngày mới đi 1 chuyến. Đủ chuyến họ mới xuất phát nên không đảm bảo được thịt còn tươi”, chị Chi nói.
Khách đặt hàng phải chi số tiền 77.000 đồng cho quãng đường 2,2km khi sử dụng dịch vụ giao nhận hàng hóa. (Ảnh chụp màn hình).
Chuyên buôn bán trái cây online, chị Vũ Thị Nga, trú tại Đê La Thành (Đống Đa, Hà Nội) cũng cho biết, giá cước 1 thùng sầu riêng từ Đắk Lắk ra Hà Nội cũng tăng gấp 2 lần so với trước đây.
“Thùng sầu riêng 50kg trước kia tôi gửi chỉ hết khoảng 200.000 đồng nhưng bây giờ lên đến 400-500.000 đồng. Xe cộ cũng khó khăn trong việc vận chuyển nên có đợt tôi nhập sầu về, sầu chín quá, cay hết cả loạt, phải tách múi ra bán rẻ cho khách làm bánh”, chị Nga cho hay.
Chị Nga kể, tuần trước, thấy nhãn quê rẻ, chỉ 5.000 đồng/kg nên chị nhờ người nhà chuyển cho mình 50kg xuống Hà Nội bán thử. Tuy nhiên, tiền nhãn có 250.000 nhưng tiền cước xe chị phải trả là 200.000 đồng thay vì 50.000 đồng như trước đây.
Theo chị Nga, không chỉ cước vận tải từ các tỉnh về Hà Nội tăng cao mà giá ship nội thành Hà Nội cũng tăng gấp nhiều lần.
Trước đây, đối với những đơn hàng gần, chị có thể tự đi ship miễn phí cho khách nhưng hiện tại thì chỉ có thể thuê ship. Trong khi đó, shipper chỉ nhận đơn hàng nội quận mà phí ship lại tăng chóng mặt.
“Nhà tôi ở đầu Đê La Thành, khách ở Xã Đàn, cách nhà hơn 1km đặt mua sầu mà ứng dụng ship hàng báo phí 43.000 đồng tiền ship trong khi trước khi giãn cách thì chỉ khoảng 15.000 đồng. Phí cao quá nên khách họ không mua hàng nữa”, chị Nga lấy ví dụ.
Thậm chí cùng khu chung cư, muốn thuê ship với khoảng cách là 0,1km, người dùng cũng phải mất phí 29.000 đồng. (Ảnh chụp màn hình).
Chị Lương Thị Minh, trú tại Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, dịch bệnh phức tạp, Hà Nội lại đang thực hiện giãn cách xã hội nên chị cũng ít khi ra ngoài để hạn chế tiếp xúc. Ngoài việc đi chợ 3 ngày/lần thì thi thoảng chị cũng đặt thêm hàng online. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá ship quá cao nên chị buộc phải “nhịn miệng” để tiết kiệm.
“Tôi đang bầu nên hay thèm linh tinh. Có hôm tự dưng thèm bánh mì gối, liên hệ với cửa hàng bán bánh mì thì họ báo tiền bánh là 30.000 đồng nhưng tiền ship cho đoạn đường 4km là 54.000 đồng. Hay có lần tôi đặt hộp kim chi hết 70.000 đồng thì tiền ship mất 40.000 đồng. Dù thèm nhưng giá ship quá cao nên tôi đành nhịn vì tiếc tiền”, chị Minh bày tỏ.
Xác nhận phí giao hàng tăng cao, anh Mạnh, chủ nhà xe vận tải tuyến Phú Thọ - Hà Nội cho biết, trước đây nhà anh mỗi ngày có 2 xe khách và 2 xe tải chở hàng chuyên tuyến nhưng hiện tại xe khách không được hoạt động, chỉ có 1 xe tải chạy mỗi ngày 1 chuyến đi và 1 chuyến về.
Giá cước vận tải từ các tỉnh về Hà Nội cũng như dịch vụ giao nhận hàng hóa trong nội thành Hà Nội tăng gấp 2-4 lần so với trước đây.
Trong khi đó, xe tải phải xin cấp mã QRCode cho phép vận chuyển hàng hóa thiết yếu mới được lưu thông. Đồng thời, những người điều khiển phương tiện này đều phải có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tích với Sars-CoV-2 còn giá trị trong vòng 72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm mới được phép lưu thông.
Thời gian di chuyển lâu do phải thực hiện yêu cầu kiểm tra qua các chốt, lượng hàng gửi không nhiều cộng với chi phí xét nghiệm Covid-19 cho lái xe đã khiến nhà xe phải tăng giá cước để bù chi.
Về vấn đề hoạt động của shipper tại Hà Nội, theo tìm hiểu của PV, ngày 24/7, khi Hà Nội bắt đầu giãn cách toàn xã hội, Sở GTVT đã có văn bản yêu cầu dừng toàn bộ các hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe máy. Bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và xe "ôm", kinh doanh giao hàng công nghệ (shipper) như Grab, Be, Gojek, My Go và FastGo, shipper tự do trong thời gian giãn cách xã hội.
Các shipper được phép hoạt động là shipper của hệ thống siêu thị, các đơn vị bưu chính viễn thông, các sàn thương mại điện tử và các shipper thuộc quản lý của các đơn vị doanh nghiệp.
Những người vận chuyển hàng hóa này sẽ được cấp thẻ vận chuyển giao hàng bằng xe môtô 2 bánh cho các siêu thị trên địa bàn thành phố; nhân viên bưu tá có nhu cầu hoạt động trên địa bàn có đầy đủ thông tin bao gồm: họ tên, địa chỉ, số điện thoại di động, biển số xe, địa bàn hoạt động….
Nguồn: [Link nguồn]
Hàng loạt hệ thống siêu thị điện máy, cửa hàng điện lạnh triển khai chương trình khuyến mãi, giảm giá lên đến 50%...