Giảm giá còn 1.000 đồng/sản phẩm, chủ cửa hàng vẫn có lãi?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Dù giảm giá kịch sàn, chỉ còn 1.000 đồng/sản phẩm, nhiều người bán cho rằng vẫn có lãi.

Trên các sàn thương mại điện tử vào các dịp như 9/9, 11/11, 12/12, mọi người sẽ thấy có các “deal 1k”, tức là các sản phẩm giá chỉ có 1.000 đồng. Chủ yếu về phụ kiện, đồ gia dụng, tất, ốp điện thoại, kính cường lực... Và hàng ngàn các sản phẩm về thời trang, đồ điện tử... giảm giá kịch sàn còn vài nghìn đồng hoặc vài chục nghìn đồng.

Những mặt hàng giá rẻ này chỉ mở bán vào các khung giờ cụ thể và nhanh chóng được bán hết sau vài phút. Khách hàng nào có kinh nghiệm săn sale và nhanh tay mới có thể mua được.

Không chỉ hạ giá thành, người mua còn nhận được các ưu đãi miễn phí vận chuyển cho các đơn hàng này.

Các sản phẩm được giảm giá chỉ còn vài nghìn đồng nhưng không ít chủ cửa hàng vẫn cho rằng lãi nhiều hơn là lỗ.

Các sản phẩm được giảm giá chỉ còn vài nghìn đồng nhưng không ít chủ cửa hàng vẫn cho rằng lãi nhiều hơn là lỗ.

Mặc dù vậy, nhiều chủ cửa hàng lại cho rằng lãi nhiều hơn là lỗ. “Bán giá chỉ 1.000 đồng/sản phẩm đương nhiên là lỗ sản phẩm đó rồi nhưng lãi nhiều thứ về sau”, chị Nguyễn Thu Hà – chủ một gian hàng bán sách cho biết.

Theo chị Hà, có những sản phẩm 1.000 đồng nhưng người bán không hề bị lỗ. “Ví dụ, khi gian hàng trên sàn thương mại điện tử của bạn bán chạy, nhân viên của sàn sẽ tự liên hệ với bạn để hỗ trợ chi phí sản phẩm đó. Tức là khách hàng vẫn mua với giá 1.000 đồng, nhưng doanh thu mỗi đơn về là số tiền lúc người bán deal với nhân viên sale của sàn”, chị nói.

Bên cạnh đó, một số người bán sẽ phải tự bỏ tiền túi của mình ra để giảm giá sản phẩm xuống còn vài nghìn đồng. Đợt 12/12 vừa qua trên Shopee, chị chấp nhận chịu lỗ để bán sản phẩm 1.000 đồng.

Chị cho hay: “Tôi có gian hàng bán các loại sách. Để tăng lượt truy cập tự nhiên, tôi đã đăng ký bán cuốn sổ cầm tay với giá 1.000 đồng/cuốn. Mặt hàng này được khách đặt mua rất nhiều, chỉ vài phút đã hết ngay 200 cuốn. Nhưng sản phẩm của tôi không được sàn trợ giá nên tôi phải chịu toàn bộ”. Đổi lại, gian hàng của chị tăng lượt truy cập tự nhiên, tăng lượt theo dõi và có thêm ưu thế trên sàn.

Khi đặt mua xong sản phẩm giá rẻ, không ít khách còn truy cập vào gian hàng để tham khảo các mặt hàng giảm giá khác. "Họ thấy những cuốn sách giảm giá mạnh hoặc bất chợt yêu thích cuốn nào, họ cũng đặt mua thêm. Và gian hàng cũng được tăng lượt truy cập, theo dõi, tốt cho việc bán hàng về sau", chị Hà thông tin.

Một chủ gian hàng khác bán đồ gia dụng trên sàn thương mại điện tử cũng cho biết các sản phẩm giá rẻ đều được coi là sản phẩm mồi. Nhiều người bán chấp nhận lỗ để có thể tìm kiếm các khách hàng tiềm năng và “nuôi” lâu dài.

“Một số shop không được trợ giá khi bán các sản phẩm giá rẻ cũng không lỗ nhiều. Vì “tiền nào của đó”, người bán sẽ lựa chọn các mặt hàng có giá trị thấp như cuốn sổ nhỏ, đôi tất hay đồ chơi trẻ con mini...”, chị nói.

Các sản phẩm 1.000 đồng chủ yếu có giá trị không cao như tất, ốp điện thoại...

Các sản phẩm 1.000 đồng chủ yếu có giá trị không cao như tất, ốp điện thoại...

Thêm vào đó, một số cửa hàng còn nhân cơ hội này để đẩy hàng tồn. Nhưng nếu sử dụng hàng tồn, gian hàng trên sàn dễ bị nhận những đánh giá kém và ảnh hưởng đến kinh doanh lâu dài.

Ngoài ra, việc tham gia "deal 1k" còn giúp các gian hàng trên sàn tăng nhanh số lượt đánh giá tích cực. "Khi mua qua mạng, người tiêu dùng thường đọc đánh giá sản phẩm trước khi quyết định mua hàng. Nếu sản phẩm của bạn tốt lại có giá cực rẻ, chỉ vài nghìn đồng thì chắc chắn sẽ nhận được đánh giá 5 sao rồi. Điều này rất có ích cho việc tăng doanh số trong thời gian tới", một chủ shop khác chia sẻ.

Vì thế, việc lựa chọn sản phẩm giá rẻ bán trong các ngày này được các chủ cửa hàng rất để tâm. “Thứ nhất, sản phẩm mồi bán giá rẻ cần phải liên quan tới ngành hàng mà mình bán. Thứ 2 là không bị lỗ nhiều. Thứ 3, gian hàng của bạn phải có những sản phẩm chủ lực ổn, chất lượng tốt và giá cả phải chăng. Thứ 4, sản phẩm mồi này có chất lượng khá tốt, có gắn các mã giảm giá cho lần mua tiếp theo”, chị Kiều – chủ shop thời trang, đưa ra cách lựa chọn sản phẩm bán trong “deal 1k” trên các sàn thương mại điện tử.

Nguồn: [Link nguồn]

Hậu Black Friday, người dân ”phát bực” với chiêu trò giảm giá ”ảo”

Black Friday đã qua nhưng chương trình giảm giá tại các shop thời trang hiện nay vẫn chưa hạ nhiệt. Tình trạng giảm giá "ảo"...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN