Giảm 60% giá vẫn ế ẩm, hàng ngàn gốc quất ở Văn Giang (Hưng Yên) chực chờ nhổ bỏ
Mặc dù giảm đến 60% giá nhưng hàng ngàn gốc quất ở “thủ phủ” quất Văn Giang (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) vẫn bị “nâng lên, đặt xuống” hoặc không “chốt” được đơn hàng. Thậm chí là chẳng có khách đến thăm. Lý do là vì dịch COVID-19.
Ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội vào những ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu cận kề, các vườn quất trên địa bàn huyện Văn Giang (Hưng Yên) đều vắng bóng khách hàng. Sở dĩ có rất ít hoặc không có khách đến "thăm" là bởi dịch COVID-19.
Hàng trăm gốc quất tại vườn nhà anh Cường có nguy cơ bị nhổ bỏ vì dịch COVID-19.
Hàng ngàn gốc quất của anh Nguyễn Mạnh Cường – một chủ vườn quất tại ấp Đa Phúc (xã Văn Tiến) có nguy cơ phải nhổ bỏ.
Theo anh Cường, nếu như thời điểm cận Tết những năm trước, các vườn quất lần lượt "cháy" hàng thì năm nay, dù giảm đến 50 – 60% giá nhưng hầu hết các vườn quất đều khó bán. Nhiều vườn có khách hàng đến thăm nhưng vẫn bị "nâng lên, đặt xuống" hoặc không chốt được đơn hàng.
Anh Cường cho biết, năm nay, từ quất chậu, quất lùm, quất bát hay quất thế đều có giá dao động từ 100.000 – 250.000 đồng/cây, với loại quất thế đẹp có giá bán cũng chỉ từ 400.000 đồng/cây.
Quất chậu có giá giảm đến 50% so với mức giá bán năm trước nhưng đều bị ế ẩm, có nguy cơ phải nhổ bỏ.
Đơn cử, quất chậu đẹp có giá bán ra là 100.000 – 160.000 đồng trong khi những năm trước, loại này có giá từ 200.000 – 250.000 đồng/chậu. Quất lùm có giá bán từ 200.000 – 250.000 đồng/cây, trong khi năm trước đó, loại quất lùm có giá hơn 400.000 đồng/cây.
"Hạ giá là thế nhưng nhiều nhà vườn còn bị hủy "kèo", hủy đơn và buộc phải trả lại tiền cọc cho khách, nhất là những khách hàng ở Hải Dương và Quảng Ninh do dịch bùng phát trở lại, khách hàng không thể vận chuyển đi tiêu thụ", anh Cường cho hay.
Các loại quất thế có giá bán từ 400.000 đồng tại xã Văn Tiến, xã Mễ Sở... thuộc huyện Văn Giang, Hưng Yên.
Anh Độ là một trong những chủ vườn cây cảnh tại xã Văn Tiến cũng chịu cảnh thất thu vì dịch COVID-19.
Anh Độ cho biết: "Ngay từ đầu năm, dự tính dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, tôi chỉ đầu tư rón rén khoảng 300 triệu vào vườn quất và bưởi. Thế mà dù có nhiều mối khách quen từ trước nhưng tôi cũng chỉ bán được phân nửa vườn".
Theo các chủ vườn quất tại xã Văn Tiến, do dịch COVID-19 nên năm nay, chỉ một số vườn đầu tư lớn, bài bản. Còn lại đã phần chỉ "rón rén" đầu tư ở mức từ 300 – 500 triệu đồng.
Mặc dù quất thế và bưởi thế được ưa chuộng hơn trong năm nay nhưng các nhà vườn đều chung cảnh thất thu vì dịch COVID-19.
"Nếu được mùa mà trừ vốn và nhân công, phân bón thì cũng lãi lời khoảng 100 – 200 triệu. Còn năm nay thì hầu hết nhà nào cũng lỗ. Hơn nữa, thời tiết năm nay bất lợi nên quất không được mùa như mọi năm. Vì đúng vào thời điểm quất bắt quả thì gặp thời tiết nắng nóng, hoa rụng. Sau đó thì mưa liên tiếp dẫn đến nhiều cây không đậu quả. Nhiều ruộng quất bị úng nước mưa nên bị vàng lá phải vặt bỏ hoặc phá thế để chuyển sang chăm sóc vào năm sau", anh Độ cho hay.
Để xử lý lượng quất tồn đọng, năm nay, anh Độ sẽ khắc phục, duy trì các gốc cây khỏe cho vụ sau. Còn lại, với những cây khá yếu hoặc thế không quá đẹp thì sẽ nhổ bỏ để trồng vụ mới.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đông Bình - Chủ tịch UBND xã Mễ Sở, Văn Giang cho biết, năm nay, chỉ có loại quất chum, quất chậu được ưa chuộng, nhiều khách hàng hỏi mua. Các loại quất khác và bưởi chậu thì đều chung tình trạng ế ẩm.
Theo ông Bình, để khắc phục một phần thất thu, xã Mễ Sở đã huy động người dân thu hái quả để bán hoặc chế biến các sản phẩm từ quất như mứt, trà hoặc quất khô.
Nguồn: [Link nguồn]
Năm nay, những người trồng hoa ly bán dịp Tết ở xã Song Mai, thành phố Bắc Giang phấn khởi bởi hoa đẹp và được mùa....