Giá xăng tăng kỷ lục: Nên tiếp tục giảm, hoãn thuế
Trong khi giá xăng dầu vẫn cao kỷ lục, chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoài tìm cách giảm giá xăng dầu, cơ quan chức năng cần có thêm giải pháp dài hạn hỗ trợ doanh nghiệp như tiếp tục giãn, hoãn, giảm thuế để nuôi dưỡng nguồn thu.
Giá xăng dầu giữ ở mức cao kỷ lục (ảnh minh họa)
Cần giảm thuế nhập khẩu
Từ đầu năm đến nay, giá xăng bán lẻ đã tăng 8 lần, lên mức cao kỷ lục, đưa giá bán lẻ lên gần 30.000 đồng/lít. Trong bối cảnh chật vật phục hồi hậu COVID-19, giá xăng tăng quá cao và kéo dài một lần nữa khiến người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế gặp khó khăn.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế MFN) mặt hàng xăng động cơ, không pha chì giảm từ mức 20% hiện nay xuống 12% sẽ góp phần đa dạng nguồn cung, góp phần giảm giá xăng dầu trong nước.
Theo ông Long, ngoài giảm thuế nhập khẩu, một trong những loại thuế với mặt hàng xăng dầu có thể giảm xuống là Thuế Tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, nếu giảm Thuế Tiêu thụ đặc biệt có thể làm cho nguồn thu ngân sách nhà nước suy giảm trong ngắn hạn nhưng cả nền kinh tế sẽ được lợi lâu dài.
“Trong bối cảnh, giá xăng dầu tăng mạnh do phụ thuộc thị trường thế giới, ngoài biện pháp hỗ trợ từ Nhà nước, bản thân doanh nghiệp phải tìm mọi cách tiết kiệm, từ đó tiết giảm chi phí”, ông Long cho biết.
Tại dự thảo Nghị định về biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi, Bộ Tài chính cho biết, diễn biến tình hình gần đây đang cho thấy thị trường xăng dầu thế giới sẽ còn nhiều biến động khó lường, khó dự báo, tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu của Việt Nam. Việc giảm thuế MFN sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khu vực Trung Đông, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác như hiện nay trong trường hợp nguồn cung trên thị trường thế giới biến động. Đồng thời, mức chênh lệch 4% giữa thuế suất MFN và Thuế suất Hiệp định thương mại tự do (FTA) đối với xăng cũng là hợp lý để thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm các nguồn cung xăng dầu mới trong trường hợp nguồn cung xăng dầu từ các thị trường truyền thống bị thiếu hụt.
Theo Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính), xăng dầu đang chịu các loại thuế: Nhập khẩu (đối với xăng dầu nhập khẩu), Thuế Tiêu thụ đặc biệt (chỉ thu đối với xăng), Thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) và Thuế Giá trị gia tăng. Luật phí và lệ phí không quy định việc thu phí, lệ phí đối với mặt hàng xăng dầu.
“So với nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của Việt Nam hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung, nhất là sau khi mức Thuế BVMT được điều chỉnh giảm theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, đại diện Vụ Chính sách Thuế cho biết.
Quỹ bình ổn xăng dầu âm gần 170 tỷ đồng Là một trong những công cụ giúp “hãm” đà tăng của giá xăng dầu nhưng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) gần như “kiệt sức” khi đang ở mức âm gần 170 tỷ đồng. Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến hết quý I/2022, Quỹ BOG âm 169,9 tỷ đồng. Trong quý I/2022, tổng số tiền trích Quỹ BOG 601,7 tỷ đồng và tổng số sử dụng quỹ 1.671,4 tỷ đồng. Ðây là lần thứ 3 Quỹ BOG bị âm. Gần đây nhất vào tháng 10/2021, Quỹ BOG tại 15 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn đang bị âm xấp xỉ 1.500 tỷ đồng do trích quỹ để giữ giá bán lẻ trong nước. |
Giảm thuế, phí sẽ hỗ trợ DN tốt hơn
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, giá xăng dầu tăng cao khiến doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn. Giá xăng kéo theo chi phí vận tải gia tăng, nhất là DN xuất khẩu. Điều này làm cho chi phí hàng hóa tăng cao, DN khó cạnh tranh.
Ngoài chính sách giảm giá xăng dầu, cơ quan chức năng cần tập trung giải pháp như giảm thuế, phí để góp phần giúp DN vượt qua khó khăn. Ông Doanh lưu ý, biện pháp can thiệp về giá có thể làm méo mó thị trường, nguy cơ dẫn đến hệ quả như buôn lậu khi giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá thế giới. Ngoài ra, DN cần thêm giải pháp để giảm bớt chi phí vận tải đường bộ, chuyển sang vận tải đường sông, vận tải đường sắt...
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, việc giảm giá xăng dầu giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn, khi nền kinh tế chưa kịp phục hồi hậu COVID-19. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, chúng ta phải chấp nhận giá xăng dầu lên xuống theo thị trường. Nhà nước không thể can thiệp vào giá cả bằng biện pháp hành chính.
“Nhà nước tìm cách giảm thuế phí sẽ giúp giảm giá xăng dầu, tạo điều kiện cho DN. Nhưng bản thân DN cũng phải nỗ lực để vượt qua giai đoạn khó khăn, chứ không thể mãi trông chờ từ Nhà nước”, ông Thịnh đánh giá.
Liên minh châu Âu (EU) dự định huy động khoản đầu tư trị giá lên tới 300 tỷ euro (315,3 tỷ USD) vào năm 2030 để chấm dứt sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga.
Nguồn: [Link nguồn]