Giá xăng dầu đang chịu nhiều áp lực

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Liên Bộ Công Thương-Tài chính phối hợp điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa có chỉ đạo hai Bộ Công Thương - Tài chính phối hợp chặt chẽ khi điều hành giá xăng dầu. Việc điều hành phải bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới.

Ngoài yêu cầu trên, ông cũng chỉ đạo Liên Bộ sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; kịp thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ những vướng mắc vượt thẩm quyền.

Từ đầu năm 2022 đến kỳ điều hành ngày 11-3 vừa qua, giá xăng dầu trong nước đã tăng từ 4.625 - 7.030 đồng/lít/kg tùy loại, tương đương tăng từ 24,91% - 39,56%. Mức điều chỉnh như trên được kiểm soát thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới, do Liên Bộ liên tục chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với mức trợ giá từ 100 - 1.500 đồng/lít tùy loại.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý giảm thuế môi trường với xăng về còn 2.000 đồng mỗi lít, dầu là 1.000 đồng, riêng dầu hoả còn 300 đồng một lít, như đề xuất của Chính phủ. Ảnh minh họa: PHI HÙNG

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý giảm thuế môi trường với xăng về còn 2.000 đồng mỗi lít, dầu là 1.000 đồng, riêng dầu hoả còn 300 đồng một lít, như đề xuất của Chính phủ. Ảnh minh họa: PHI HÙNG

Về tình hình thị trường dầu thô thế giới, hôm qua, 23-3, giá dầu Brent đóng cửa ở mức 117,75 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI đạt 114,93 USD/thùng.

Theo đánh giá của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), hiện tại, thị trường dầu đang dần ổn định trở lại, với vùng giá giao dịch trên 100 USD/thùng. Tuy vậy, cơ quan này cho rằng khoảng lặng này có thể chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, trước khi thị trường thiết lập xu hướng mới.

MXV cũng đưa ra các yếu tố có khả năng tác động đến đến giá dầu thế giới thời gian tới, như cân bằng về cung - cầu, chính sách tiền tệ. 

Về nhu cầu, gần như toàn bộ các báo cáo năng lượng gần đây đều chỉ ra nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2022, do nhu cầu đi lại tiếp tục phục hồi. Tuy nhiên, vấn đề nguồn cung dầu lại là một ẩn số.

Dẫn báo cáo của ngân hàng Jp.Morgan Chase, MXV cho biết trong tháng 3, lượng dầu thô xuất khẩu từ các cảng tại Biển Đen có thể giảm 1 triệu thùng/ngày, từ khu vực Baltics giảm 0,5 triệu thùng/ngày và ở phía Đông giảm 0,5 triệu thùng/ngày.

Dựa trên các thống kê này, JP.Morgan Chase dự báo giá dầu sẽ duy trì ở mức 120 USD/thùng. Giá dầu Brent hôm nay, 24-3, đang tiệm cận vùng giá này.

Trường hợp các gián đoạn kéo dài, Jp. Morgan Chase cho biết giá có thể chạm mốc 185 USD/thùng.

Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA ước tính nguồn cung dầu từ Nga sẽ giảm 3 triệu thùng/ngày từ tháng 4-2022, với giả định các lệnh cấm nhập khẩu dầu được giữ nguyên. Con số này tương đương 3% nguồn cung dầu thế giới.

Nếu không có có sản lượng nào thay thế, thị trường sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt chưa từng có kể từ những năm 1970. Do vậy, nhóm các nước tiêu thụ dầu lớn, đặc biệt là Mỹ, đang tích cực tìm kiếm nguồn cung thay thế cho các sản phẩm dầu từ Nga.

Ngoài các thay đổi về cân bằng cung – cầu, một yếu tố nữa có khả năng tác động đến đến giá dầu là các thay đổi liên quan đến chính sách tiền tệ.

Trong cuộc họp tuần trước, Ngân hàng Trung ương Mỹ Fed tăng lãi suất ở mức thấp 0,25%. Tuy nhiên vẫn có khả năng cơ quan này sẽ dần chuyển hướng sang gia tăng lãi suất nhiều lần.

Việc tăng lãi suất mạnh có thể giúp kiểm soát lạm phát, nhưng cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Trong trường hợp Fed thực sự ưu tiên mục tiêu chống lạm phát, giá dầu có thể chịu áp lực giảm. 

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo A.HIỀN ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN