Giá tiêu tăng vọt, tin vui cho nông dân, thách thức cho doanh nghiệp

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Giá tiêu biến động mạnh trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến nông dân và cả thị trường xuất khẩu, vì thế doanh nghiệp cần có bước đi thận trọng.

Cơn sốt giá tiêu

Nửa đầu tháng 6, giá hạt tiêu Việt Nam tăng sốc khi đạt đỉnh 180.000 đồng/kg vào ngày 12/6. Ngay sau đó, giá mặt hàng được ví như “vàng đen” này của Việt Nam lao dốc chóng mặt.

Gần đây, giá hạt tiêu lấy lại đà tăng, hiện được giao dịch quanh mức 156.000-162.000 đồng/kg. Cụ thể, ngày 19/6 tại tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, giá tiêu ở mức 162.000 đồng/kg, giá thấp nhất tại tỉnh Bình Phước là 156.000 đồng/kg.

Ngược với giá tiêu nội địa, giá xuất khẩu mặt hàng này của nước ta vẫn trong xu hướng tăng mạnh.

Cụ thể, giá tiêu đen loại 500g/l tăng lên ngưỡng 7.800 USD/tấn, loại 550g/l tăng lên 8.000 USD/tấn. Riêng hạt tiêu trắng của nước ta giá tăng lên 12.000 USD/tấn, lập đỉnh mới lịch sử.

Theo đó, giá tiêu đen của Việt Nam đang cao hơn hàng của Indonesia, Malaysia và Brazil lần lượt là 1.582 USD/tấn, 3.100 USD/tấn và 400 USD/tấn.

Tương tự, tiêu trắng của Việt Nam cao hơn hàng cùng loại của Indonesia 3.623 USD/tấn, hơn hàng của Malaysia 4.700 USD/tấn.

Còn so với thời điểm đầu năm nay, giá tiêu đen xuất khẩu của nước ta đã tăng 100% và tiêu trắng tăng 110,5%.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nguyên nhân chính của sự tăng giá này là do nguồn cung bị sụt giảm nghiêm trọng. Sản lượng hồ tiêu trong nước và toàn cầu đều giảm, trong khi lượng tồn kho từ năm trước ở mức thấp nhất trong 5 năm qua. Tình trạng hạn hán và các vấn đề thời tiết bất lợi ở các nước sản xuất lớn như Ấn Độ, Indonesia, và Brazil cũng góp phần làm giảm sản lượng.

Theo ghi nhận của báo Công Thương, vụ tiêu năm nay, bà Nguyễn Thị Thu Mai, xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thu được 12 tấn tiêu, giảm 2 tấn so với năm ngoái, nhưng do giá tiêu năm nay cao nên có lãi khá, trừ toàn bộ chi phí bà thu lời từ 500-600 triệu đồng. Đây là mức lãi cao so với 3,4 năm trước

Còn ông Lê Xuân Liêm ở xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sở hữu 5,5 ha vườn tiêu cho biết, giá tiêu đang ở mức cao nhất trong vòng 6,7 năm trở lại đây giúp người trồng có nguồn thu nhập khá. Hiện ông đang tập trung chăm sóc, cải tạo vườn cây tốt hơn để tăng sản lượng cho vụ tới khi giá tiêu đang cao.

Giá tiêu tăng cao tác động đến thị trường trong nước và xuất khẩu

Theo đánh giá của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), sản lượng tiêu của Việt Nam năm 2024 ước giảm 10% so với năm 2023, chỉ còn khoảng 170.000 tấn - mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Trong khi đó, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết tháng 5/2024, Việt Nam đã xuất khẩu gần 110.000 tấn hạt tiêu các loại, thu về 469 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, hạt tiêu xuất khẩu giảm 16,8% về lượng nhưng tăng 15,4% về giá trị.

Theo VietNamNet, nếu không tính hàng tồn kho từ năm ngoái chuyển sang thì nước ta còn khoảng 60.000 tấn hạt tiêu để xuất khẩu trong các tháng còn lại của năm.

Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch VPSA - cho biết, hạt tiêu trong dân vẫn còn nhưng thay vì bán ra ồ ạt, bà con bán nhỏ giọt để nghe ngóng trong bối cảnh giá mặt hàng này vào đà tăng.

Ví như thời điểm cuối tháng 5, giá tiêu ở mức 140.000 đồng/kg. Tuy nhiên, chỉ sau 10 ngày đầu tháng 6, có lúc giá hạt tiêu cán mốc 180.000 đồng/kg. Theo bà Liên, giá tiêu trong thời gian ngắn sẽ hạ nhiệt nhưng khó có thể trở về mức giá cũ.

Còn với doanh nghiệp, bà Liên thông tin, lại gặp phải tình trạng khó buôn và khó bán. Bởi, lượng hàng bán ra thị trường không dồi dào, trong khi doanh nghiệp ký hợp đồng từ trước với mức giá đã chốt và nay giá tăng quá cao cũng không mua nổi hàng.

Theo một doanh nghiệp xuất khẩu hạt tiêu, mùa thu hoạch của năm nay đã kết thúc từ tháng 4. Diện tích trồng hồ tiêu ngày càng bị thu hẹp do nông dân chuyển đổi cây trồng. Trong khi nguồn cung hạt tiêu trên thị trường toàn cầu đang thiết hụt gần 100.000 tấn so với nhu cầu.

Cung khan hiếm, còn các quốc gia lại tăng mạnh nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc được dự báo sẽ đẩy mạnh gom mua hạt tiêu vì lượng tồn kho ở mức thấp. Thực tế, trong tháng 5 vừa qua, xuất khẩu hạt tiêu của nước ta sang thị trường Trung Quốc đạt 3.137 tấn, tăng gấp 4,8 lần so với tháng trước và là mức cao nhất trong 11 tháng qua. Do đó, thời gian tới, giá hạt tiêu sẽ tăng trở lại không chỉ ở Việt Nam mà cả toàn cầu, vị này nhận định.

Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) phân tích thêm, trong bối cảnh sản lượng tiêu toàn cầu giảm đáng kể, lượng tồn kho từ năm ngoái chuyển sang năm nay ở Việt Nam hầu như không đáng kể, khó đáp ứng được nhu cầu thị trường. Điều này đang đẩy hồ tiêu bước vào một chu kỳ tăng giá mới. Chu kỳ này sẽ kéo dài trong 10 năm tới và giá có thể lên tới 350.000 - 400.000 đồng/kg. Đây là một tin vui đối với nông dân nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu trong việc đảm bảo nguồn cung và chất lượng hàng hóa.

Để đối phó với tình hình hiện tại, các chuyên gia cho rằng, thời điểm này các doanh nghiệp cần tăng cường năng lực sản xuất thông qua việc cải thiện kỹ thuật canh tác và áp dụng các công nghệ mới. Đồng thời xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng khắt khe.

Ngoài ra, việc mở rộng thị trường xuất khẩu và giảm sự phụ thuộc vào một vài thị trường chính cũng là một hướng đi quan trọng. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để tạo ra các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao hơn, từ đó tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Giá hồ tiêu Việt Nam đang tăng mạnh, thiết lập đỉnh mới lịch sử trong bối cảnh sản lượng giảm và nhu cầu tăng cao từ các thị trường lớn như Mỹ, Đức, Ấn Độ và Trung Quốc, Việt Nam cần có chiến lược quản lý và bảo vệ nguồn hàng một cách hiệu quả để duy trì vị thế trên thị trường quốc tế.

Thị trường hồ tiêu năm 2024 đang trải qua một giai đoạn biến động mạnh mẽ, với những thách thức lớn mở ra nhiều cơ hội. Để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, ngành hồ tiêu Việt Nam cần có những bước đi chiến lược, phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp và nông dân. Điều này không chỉ giúp ổn định thị trường trong ngắn hạn mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành trong dài hạn.

Loài hải sản này giống con hến, vừa ngon vừa lạ, chỉ có ở Tân Châu, An Giang.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Hoa (t/h) ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN