Giá sầu riêng “lao dốc không phanh”, thương lái lỡ chốt cọc cao giờ “như ngồi trên lửa”
“So với thời điểm cách đây một tháng, sầu riêng đã hạ hơn 20 giá. Lỡ đặt cọc mua vườn với giá cao, giờ thì cắt cũng lỗ vài trăm triệu mà không cắt thì cũng mất cọc vài trăm triệu. Khổ lắm em”.
Đó là chia sẻ của chị Lệ, thương lái sầu riêng tại Krông Búk (Đắk Lắk) về những khó khăn khi giá sầu riêng đột ngột xuống thấp.
Những ngày gần đây, giá sầu riêng lao dốc mạnh khi sầu Thái đẹp chỉ được thu mua trong khoảng 70-75 nghìn đồng/kg, giảm từ 25-30 nghìn đồng/kg so với cùng thời điểm này tháng trước. Sầu Ri6 giá chỉ còn từ 45-60 nghìn đồng/kg, giảm từ 30-35 nghìn đồng/kg so với đợt cuối tháng 7 vừa qua.
Thay vì cảnh tranh mua, tranh bán, tranh cọc diễn ra cách đây hơn một tháng thì nay, nhiều nhà vườn được thu hoạch vẫn không thấy bóng dáng thương lái đến mua.
Thậm chí, nhiều vườn được thương lái chốt cọc với giá từ 80-90 nghìn đồng/kg từ tháng trước nhưng đến giờ, sầu rụng khắp vườn, liên lạc với thương lái thì “thuê bao”.
Nhiều vườn sầu quá tuổi cắt vẫn không thấy thương lái đến thu hoạch mặc dù đã đặt cọc hàng chục triệu đồng.
Sở hữu vườn sầu riêng khoảng 2,5 tấn ở Krông Năng (Đắk Lắk), cách đây một tháng, ông Hùng đã nhận 50 triệu đồng tiền đặt cọc của thương lái với giá 82 nghìn đồng/kg trừ sâu, nấm nhưng suốt một tuần qua ông không gọi được thương lái vào cắt.
“Sầu đến tuổi cắt rồi nhưng gọi mãi họ không vào, tôi chấp nhận bớt cho họ 10 giá mà họ vẫn không cắt, giờ thì thuê bao không liên lạc được. Nếu cứ để mãi trên cây thì mưa nhiều dễ bị nấm, chưa kể bị rụng hoặc sóc ăn, nhà vườn chịu thiệt mà bán thì mình vi phạm hợp đồng”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cho biết, cả tuần nay, giá sầu xuống thấp, không chỉ gia đình ông mà rất nhiều gia đình sầu rụng tơi tả khắp vườn nhưng không gọi được thương lái vào cắt.
Chị Lệ, thương lái sầu riêng cho biết thêm, vào tháng 8/2023, giá sầu riêng liên tục tăng nóng. Nhiều thương lái đi chốt vườn với giá từ 80-90 nghìn đồng/kg, cọc cho vườn từ 50-300 triệu đồng tuỳ vườn lớn hay nhỏ, hẹn ngày sầu đủ tuổi sẽ đến cắt.
Sầu dạt không đạt chất lượng, vựa không cân để xuất khẩu nên có giá chỉ 45 nghìn đồng/kg. (Ảnh chụp màn hình).
Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá liên tục xuống thấp và thấp hơn 20 giá so với thời điểm cuối tháng 8. Nhiều vườn sầu riêng đến tuổi thu hoạch nhưng vì giá xuống quá thấp, nếu thương lái đến cắt thì xác định lỗ hàng chục triệu đồng mỗi tấn sầu riêng.
“Giá chốt 80 trong khi đó mình phải thuê người cắt và bắt sầu, vận chuyển đến vựa mất thêm 3 nghìn đồng/kg nữa. Vậy mà đến nơi, vựa nhấc lên đặt xuống kỹ hơn, chỉ cân hàng nhất với giá 72-73, vựa thì đánh rớt.
Nhiều khi cắt sầu về, mang đến vựa để cân, đứng trước mình cả chục xe. Chờ mãi, đến lượt xe mình thì họ cân giá thấp quá. Lúc đó 1-2 giờ sáng rồi, lại đánh xe sang vựa khác để cân. Vựa này biết xe mình từ vựa khác chuyển sang họ lại o ép đủ kiểu. Khổ lắm”, chị Lệ nói.
Những thương lái chốt vườn với giá 80-90 nghìn đồng/kg bây giờ ôm lỗ nặng khi giá sầu riêng lao dốc.
Lý giải giá sầu riêng đột ngột xuống thấp, chị Lệ cho rằng, sầu riêng thu hoạch được chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Vào cuối tháng 7, rất nhiều thương lái phía Trung Quốc trực tiếp sang Việt Nam để mua sầu riêng và đặt cọc với chủ vườn với giá rất cao.
Thấy họ mua với giá cao nên một số người cắt sầu không đạt chất lượng, hàng non để bán. Vì vậy, họ ép giá xuống thấp. Hơn nữa, chị Lệ cho rằng, bên Trung Quốc ăn Tết Trung thu rất to nên thời điểm này họ nghỉ. Qua Tết Trung thu họ sẽ lại tiếp tục mua tiếp, giá chắc chắn tăng.
“Nhà vườn thì hối cắt, ngày gọi cả chục cuộc điện thoại nhưng nếu cắt là chúng tôi ôm lỗ hàng trăm triệu đồng nên đành thương lượng với chủ vườn hạ xuống 10-20 giá so với giá cọc, không thì lái phải cho neo im ở trên cây đến qua Trung thu mới cắt”, chị Lệ thở dài.
Giá sầu riêng đột ngột giảm mạnh trước thềm Trung thu khiến cả thương lái và nhà vườn như ngồi trên đống lửa.
Chị Hương, thương lái sầu riêng tại Chư Sê (Gia Lai) cho biết, nếu giá không lên thì nhiều người mất cả nhà cả xe vì giá sầu riêng lên xuống thất thường.
Theo chị Hương, vốn dĩ thương lái sầu riêng phải có tiền mới dám đi buôn sầu. Ngoài tiền mình có thì phải cầm cố sổ đỏ nhà đất, tài sản cho ngân hàng mới ra tiền để đi buôn vậy mà giá sầu lên xuống thất thường như đi đánh bạc.
“Năm nay nhiều anh lái bay cả vốn cả nhà vì sầu. Ôm đống tiền nhà đi với bao hy vọng, xong mùa về xơ xác trắng tay. Làm xuyên đêm, cả tháng ngủ đường, cơm bụi. Tôi đã thấy những thợ cắt, lái sầu ngủ gà ngủ gật suốt nẻo đường, bạc tóc, gầy xọp như ma xó chỉ sau một tuần hàng hoá tắc biên.
Giờ giá sầu xuống đột ngột, rất cần sự thấu hiểu, chia sẻ hài hoà giữa chủ vườn, thương lái và chủ vựa để giảm ít thiệt hại nhất”, chị Hương nhấn mạnh.
Chị Thương đã quyết định khởi nghiệp với loại cây này vì ngoài giá trị kinh tế khi lá tươi có giá bán lên tới 10 triệu đồng/kg, hạt của loại cây này còn có giá khoảng...
Nguồn: [Link nguồn]