Giá lợn giảm sâu và dư thừa, nhiều cơ sở chăn nuôi vừa bán vừa khuyến mại, tặng thêm
Tiếp đà giảm tại nhiều địa phương, ngày hôm nay (21/10) giá lợn hơi giao dịch ở ngưỡng từ 30.000 – 38.000 đồng/kg. Do lượng lợn quá lứa dư thừa, nhiều cơ sở chăn nuôi lớn vừa bán vừa tặng kèm lợn.
Ngày hôm nay (21/10) giá lợn hơi tiếp tục xu hướng giảm từ 1.000 – 2.000 đồng tại các tỉnh phía Nam và đi ngang tại các tỉnh thành phía Bắc, trung bình ở ngưỡng từ 30.000 – 38.000 đồng/kg.Cụ thể, tại miền Bắc hôm nay được ghi nhận trong khoảng 32.000 - 33.000 đồng/kg. Trong đó, mức giá thu mua thấp nhất là 32.000 đồng/kg, được chứng kiến tại các tỉnh Bắc Giang, Yên Bái và Lào Cai, các tỉnh thành còn lại giao dịch ở ngưỡng 33.000 đồng/kg, cao nhất khu vực. Tại miền Trung, Tây Nguyên giá lợn hơi giảm nhẹ 1.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 33.000 - 38.000 đồng/kg.
Do lượng lợn dư thừa và quá lứa, nhiều địa phương giá lợn bị ép giá xuống ngưỡng 30.000 đồng/kg
Ở khu vực miền Nam, tại một số địa phương giá lợn giảm trung bình từ 1.000 – 2.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 36.000 đồng/kg đến 38.000 đồng/kg.
Hiện tại, do lượng lợn quá lứa còn dư thừa nhiều tại các cơ sở chăn nuôi của người dân cũng như các doanh nghiệp, nên giá lợn hơi tiếp tục bị cạnh tranh, thậm chí ép giá khiến đà giảm trên thị trường chưa có dấu hiệu ngừng.
Có thể thấy, tính từ đầu năm 2021, giá lợn hơi xuất chuồng giảm từ 70.000-75.000 đồng/kg, xuống còn 30.000 - 38.000 đồng/kg tùy từng vùng. Đây là mức giá thấp kỷ lục trong 4 năm trở lại đây. Thời điểm giá lợn lập đỉnh khoảng 100.000 đồng/kg (vào năm 2019) thì nay đã giảm đến 65%.
Theo các hộ chăn nuôi, lợn hơi quá lứa không chỉ ùn ứ trong chuồng của nông dân mà tồn trong chuồng trại của cả các trang trại và công ty lớn.
Cũng do giá lợn lao dốc chưa có dấu hiệu ngừng, nhiều hộ nuôi lợn các nơi sau khi bán cắt lỗ không tái đàn mà bỏ chuồng trại trống vì càng nuôi càng lỗ.
Anh Hùng - một hộ nuôi lợn tại xã Bối Cầu (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) cho hay, trong thời gian một năm qua giá thức ăn chăn nuôi tăng 5 lần trong khi giá lợn hơi giảm quá nửa, khiến hàng trăm hộ chăn nuôi như gia đình anh điêu đứng, lỗ nặng.
Anh Hùng nhẩm tính: “Với giá 32.000 - 35.000 đồng/kg như hiện nay, một con lợn đạt trọng lượng 80kg, sau khi xuất chuồng người nuôi sẽ bị lỗ từ 1,4 - 1,6 triệu đồng/con. Với lợn siêu nạc nuôi đạt trọng lượng 100kg/con sau khi xuất chuồng người nuôi sẽ bị lỗ đến gần 2 triệu đồng/con”.
Tương tự, tại trại heo của anh Chiến trên địa bàn huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương thường xuyên có 120 con lợn nái, 1.000 con heo thịt, mỗi tháng cần xuất chuồng 200 con heo thịt. Mấy tháng nay, giá lợn hơi xuống rất thấp nhưng anh vẫn không bán được, lượng lợn quá lứa ùn ứ hàng trăm con trong trại. Anh đang rất lo lắng vì số lợn không xuất chuồng được thì càng nuôi càng lỗ nặng. Thêm vào đó, heo lớn quá lứa nhiều khiến mật độ nuôi dày đặc, nguy cơ dịch bệnh lớn hơn. Anh Chiến phải tìm cách vay tiền bên ngoài để xây thêm chuồng trại giãn đàn lợn.
Càng nuôi càng lỗ nặng, nhiều cơ sở chăn nuôi lớn vừa bán heo vừa tặng kèm thêm
“Lúc trước mỗi lần mình bán được 30-50 con heo thịt, giờ thương lái mua rất ít nên khó bán, mỗi lần họ chỉ mua 5-10 con. Giá bán heo giờ rất rẻ, chỉ từ 35.000 – 36.000 đồng/kg heo hơi khiến người nuôi lỗ đến 1,5 triệu/con. Heo nuôi giờ dồn ứ nhưng các hộ nuôi không giải phóng được, heo nhiều quá không biết nhốt ở đâu và tình hình kéo dài như hiện nay người nuôi sẽ “chết” hẳn mà không có cơ hội tái đàn”, anh Chiến cho biết.
Được biết, giá lợn hơi ở các tỉnh Đông Nam Bộ đồng loạt rơi xuống dưới 40.000 đồng/kg, chưa bằng 1/2 mức giá thời điểm giữa năm 2020. Giá xuống thấp nhưng người nuôi vẫn không bán được khiến lượng lợn quá lứa ùn ứ trong các trại.Do lượng lợn thịt dư thừa, nhiều doanh nghiệp cũng đang tìm cách bán tháo lợn quá lứa với giá dưới 35-38.000 đồng/kg. Cụ thể như Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam tại Đồng Nai đang bán heo quá lứa chỉ từ 36.000 – 38.000 đồng/kg và còn khuyến mãi tặng thêm heo.
Trước bất cập này, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho rằng cần phải cấp hạn ngạch cho nhập khẩu thịt, cấp hạn ngạch cho chăn nuôi heo, mỗi doanh nghiệp được chăn nuôi bao nhiêu, cân đối thị trường cung và cầu.
“Các nước chăn nuôi tiên tiến họ có quy định rất cụ thể và rõ ràng, doanh nghiệp nào, đơn vị nào được nuôi bao nhiêu thì chỉ được nuôi bấy nhiêu, không cấp phép nữa nếu thị trường đã đủ”, ông Đoán nêu rõ.
Để khắc phục tình trạng dư thừa ở thời điểm này và để đảm bảo nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến khích các doanh nghiệp lớn thu mua cho người dân ở mức độ tối đa, lưu kho khi giá hạ quá thấp. Điều này giúp chủ động một lượng nguồn cung, vừa giải phóng ứ đọng trong chuồng.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với Bộ Công Thương kiểm soát chặt nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là sản phẩm giá rẻ và vật nuôi sống thương phẩm. Đồng thời, các bộ rà soát, điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với mặt hàng thịt lợn, thịt gia cầm theo các khung thuế suất mà Việt Nam đã cam kết trong các hiệp định thương mại.
Dù giá lợn hơi liên tiếp giảm trong những ngày gần đây, nhưng tại các chợ và siêu thị, người tiêu dùng vẫn phải mua...
Nguồn: [Link nguồn]