Giá dứa rớt thê thảm, nông dân mỏi mắt chờ thương lái
Những ngày này, nông dân tại “vựa” dứa Nghệ An đang bước vào chính vụ thu hoạch . Tuy nhiên, ai nấy đều lo lắng khi giá dứa rớt thê thảm, rơi vào mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.
Chị Nguyễn Thị Hương (thôn 26/3, xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu) cho biết, khoảng 3 ha dứa của gia đình đang vào vụ thu hoạch nhưng thương lái thu mua rất ít, khiến chị đứng ngồi không yên.
“Giá dứa xuống thấp, trong khi giá phân bón lên, giá nhân công tăng. Những quả dứa to, đẹp, trọng lượng 800-900g/quả thu mua tại ruộng giá 3.500 đồng/kg, giảm sâu so với mức cao điểm 10.000-11.000 đồng/kg. Đối với dứa “chặt đầu” (quả nhỏ, trọng lượng 400-500g/quả), giá chỉ còn 2.500-3.000 đồng/kg, tính ra chỉ đủ chi phí chăm sóc, thậm chí còn thua lỗ nếu như dứa gặp sâu bệnh, năng suất kém", chị Hương chia sẻ.
Nông dân xã Tân Thắng thu hoạch dứa
Cùng chung tâm trạng lo lắng, anh Nguyễn Văn Long (thôn 2/9, xã Tân Thắng) cho biết gia đình còn hơn 1 ha dứa chưa tìm được đầu ra.
“Trước Tết, dứa bán được ở mức 6.500-7.000 đồng/kg, nông dân phấn khởi. Chưa kịp mừng thì sau ngày 24/2, thời điểm xảy ra xung đột tại Ukraine, giá dứa giảm sốc, xuống còn 3.000-3.500 đồng/kg. Năm nay thị trường tiêu thụ rất chậm, giá rớt thảm chưa từng có”, anh Long cho hay.
Dứa nguyên liệu tại Nghệ An chủ yếu cung ứng cho một nhà máy chế biến tại Ninh Bình và một nhà máy trong tỉnh. Sản phẩm qua sơ chế và chế biến của các doanh nghiệp này chủ yếu xuất sang Nga và thị trường châu Âu. Do đó, khi xung đột tại Ukraine xảy ra, sản phẩm không thể xuất đi, các nhà máy cũng hoạt động cầm chừng hoặc giảm công suất, dẫn tới nhu cầu nguyên liệu giảm, các đơn vị thu mua dừng hoặc hạn chế gom dứa.
Hiện tại, giá dứa bán cho thương lái từ 3.200 - 3.500 đồng/kg, giảm một nửa so với năm trước
Bên cạnh đó, từ cuối năm 2021 đến nay, thị trường phía Bắc gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Trung Quốc hạn chế nhập khẩu nông sản, các địa phương có diện tích dứa nguyên liệu lớn phải chuyển hướng tiêu thụ về phía Nam, dẫn tới giá dứa tại Nghệ An bị ảnh hưởng do cạnh tranh trong thị trường nội địa.
Một thương lái thu mua dứa tại xã Tân Thắng cho hay: “So với năm ngoái, giá dứa nguyên liệu xuống thấp hơn, chỉ bằng gần một nửa do thị trường châu Âu không xuất được. Các nhà máy sản xuất cầm chừng nên chúng tôi cũng có nhập được đâu. Như các năm, gia đình thu mua đạt khoảng trên 500 tấn, tuy nhiên hiện giờ chỉ bằng 1/2 sản lượng thu mua của năm ngoái”.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Tân Thắng cho biết, xã có diện tích trồng dứa lớn nhất huyện Quỳnh Lưu với 840 ha, năng suất trung bình 33 tấn/ha. Cây dứa xác định là cây trồng chủ lực, chiếm tỷ trọng trên 60 % thu nhập ngành nông nghiệp của toàn xã.
Giá dứa rớt thê thảm khiến người dân đứng ngồi không yên
“Để giúp bà con ổn định sản xuất, nhất là trong thời điểm giá dứa xuống thấp, chính quyền đã tuyên truyền bà con tăng cường các biện pháp kỹ thuật; xây dựng kế hoạch làm việc với các nhà máy để khâu nối, bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Khuyến khích các hộ mở các điểm kinh doanh, quảng bá sản phẩm dứa Tân Thắng”, ông Khánh chia sẻ.
Toàn huyện Quỳnh Lưu có trên 1.000 ha dứa được trồng chủ yếu ở các xã Tân Thắng, Quỳnh Thắng, Quỳnh Châu,... Dự kiến từ nay đến hết tháng 12/2022, diện tích dứa cho thu hoạch khoảng hơn 600 ha, sản lượng đạt hơn 7.200 tấn.
Nguồn: [Link nguồn]