Giá cau tươi tăng không tưởng, thương lái đổ xô lùng mua, nhà vườn hốt bạc

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Giá cau tươi tại các tỉnh đột ngột tăng mạnh, gấp 4-5 lần so với năm 2019 khiến việc mua bán trở nên sôi động hẳn lên. Ở khắp các vùng quê, thương lái tấp nập đi thu mua cau mang bán cho các điểm thu mua lớn.

Làm nghề thu mua cau tại Y Jut (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), anh Nguyễn Nam cho biết hiện tại anh đang đi mua cau tươi với giá 40.000 đồng/kg, cao gấp 5 lần so với thời điểm này năm ngoái.

“Năm vừa rồi giá cau xuống thấp chỉ còn 7-8.000 đồng/kg, cao nhất cũng chỉ được 13.000 đồng/kg nhưng năm nay bỗng dưng tăng vọt lên 40-44.000 đồng/kg. Giá cau lên cao, vựa thu mua nhiều nên tôi cũng có việc làm đều, hầu như ngày nào cũng ăn cơm dưới đất, làm việc trên cây cả ngày”, anh Nam chia sẻ.

Anh Nam phấn khởi bởi cau tươi lên giá, đồng nghĩa với việc thu nhập từ việc hái cau thuê được cải thiện.

Anh Nam phấn khởi bởi cau tươi lên giá, đồng nghĩa với việc thu nhập từ việc hái cau thuê được cải thiện.

Hàng ngày, anh cùng với anh trai leo lên chiếc xe máy cà tàng rồi rong ruổi khắp các ngõ ngách, thôn bản để tìm mua cau. Sau khi trả giá thì trèo hết cây này đến cây khác, cắt buồng, mang xuống cân, khi đầy xe hoặc trời tối thì mang đến điểm thu mua lớn bán kiếm lời. Ngày nhiều thì được chừng 5-6 tạ, ngày ít chỉ được 2-3 tạ.

Theo anh Nam, cau được các điểm thu mua cân cả buồng, những vườn trồng nhiều được vựa lớn mang ô tô đến tận vườn cân tại chỗ, anh được thuê trèo cau cắt buồng mang xuống với tiền công là 1.000 đồng/kg.

“Có những vườn cả vài nghìn cây phải thuê cả chục người trèo. Mỗi người nếu trèo hết công suất cũng chỉ được khoảng 50 cây/ngày, được từ 300-500.000 đồng nhưng rất vất vả vì trèo đã mệt, cắt được buồng cau rồi mang xuống đất còn mệt gấp đôi nhưng kiếm được tiền nên vẫn vui”, anh Nam chia sẻ.

Người mua cau tươi phải vất vả trèo lên ngọn cau cao vút rồi cắt buồng mang xuống.

Người mua cau tươi phải vất vả trèo lên ngọn cau cao vút rồi cắt buồng mang xuống.

Cũng thu mua cau tại Krông Năng (Đắk Lắk), anh Nguyễn Lập cho biết, năm 2019 cau được thu mua chỉ từ 4.000-9.000 đồng/kg, năm nay thương lái đến tận vườn mua với giá từ 30-40.000 đồng, tăng gấp 4 lần.

“Tôi nghe nói cau này bên Trung Quốc họ thu mua làm thuốc và sản xuất kẹo cau, hơn nữa càng về cuối năm cưới hỏi càng nhiều mà năm nay cau mất mùa, sản lượng chỉ bằng 2/3 năm ngoái nên giá tăng mạnh. Nhiều nhà hái cau bán được cả triệu đồng/cây bởi mỗi cây cho ra từ 3-4 buồng, mỗi buồng nặng từ 7-10kg”, anh Lập cho hay.

Sau khi hái xuống, cau được chở đến các điểm thu mua lớn để xuất khẩu.

Sau khi hái xuống, cau được chở đến các điểm thu mua lớn để xuất khẩu.

Vừa cân cau bán cho thương lái với giá 44.000 đồng/kg, anh Hồ Văn Cường (trú tại Buôn Hồ, Đắk Lắk) cho biết nhà mình trồng 6 cây cau trước nhà để làm cảnh cho đẹp từ 13 năm trước, ai ngờ năm nay thương lái lùng mua tận nơi, cau bán được giá hơn cà phê và tiêu.

“Cây cau cao nên ra quả nhà tôi chỉ để chín rồi rụng chứ không cắt bán bao giờ, bỗng dưng năm nay có người hỏi mua tận vườn rồi tự trèo cắt buồng xuống cân với giá cao, mừng hết lớn”, anh Cường vui vẻ nói.

Sở hữu vườn cau hơn 1.000 cây, anh Nguyễn Bính trú tại An Lão (Bình Định), cho hay cách đây 1 tuần, thương lái đã đến “cân” cả vườn với giá 25.000 đồng/kg.

“Nhà tôi có 1.000 cây cau mới trồng được 3 năm và 60 cây cau trồng cách đây 12 năm. Cau trồng khoảng 4 năm mới cho trái nên năm nay vườn cau nhà tôi cho thu hoạch khoảng trên 1 tấn quả”, anh Bính chia sẻ.

Giá cau bất ngờ tăng lên gấp 4-5 lần so với năm trước nên cảnh mua bán diễn ra rất sôi động ở khắp các tỉnh.

Giá cau bất ngờ tăng lên gấp 4-5 lần so với năm trước nên cảnh mua bán diễn ra rất sôi động ở khắp các tỉnh.

Cau dễ trồng, dễ chăm sóc, năm nay giá lại tăng vọt, mang lại niềm vui cho hàng trăm hộ nông dân, nhiều gia đình trồng quy mô lớn thu về cả trăm triệu đồng.

Theo Phòng NNPTNT huyện An Lão (tỉnh Bình Định), toàn huyện có 68 ha cau đang thời kỳ thu hoạch trái, bình quân mỗi cây cau cho thu hoạch 15kg trái/năm. Trái cau tươi được giá đã đem lại niềm vui lớn cho cả nông dân lẫn chủ cơ sở chế biến.

Cau tươi được mùa, kéo theo các lò sấy cau ở xã An Hòa, An Tân (huyện An Lão, tỉnh Bình Định) hoạt động hết công suất để kịp giao hàng cho các thương lái. Trung bình mỗi ngày mỗi lò sấy cau tại địa phương thu mua từ 3 - 4 tấn cau tươi, tạo việc làm cho 20 - 30 lao động nông nhàn tại địa phương.

Mỗi lao động có mức thu nhập từ vài triệu đồng đến hơn chục triệu/người/tháng tùy vào vị trí làm việc. Hầu hết cau trái sau khi sấy khô được xuất bán sang thị trường Trung Quốc.

Bán trâu “tậu” baba nuôi dưới ao bèo, lão nông thu hàng trăm triệu đồng mỗi vụ

Từ số tiền 16 triệu đồng có được sau khi bán đi con trâu từng coi là “cơ nghiệp” của cả gia đình, lão nông Phan Ngọc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Cảnh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN