Gác nghề kỹ sư, chàng trai thu tiền tỉ nhờ thú chơi cua cảnh
Thay vì chọn ổn định duy trì cuộc sống với thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng từ nghề kỹ sư xây dựng, anh Hà Xuân Lộc lại mạo hiểm bỏ việc, chuyển hướng sang kinh doanh nhờ chính thú chơi cua cảnh đa sắc màu.
Khởi nghiệp từ "cua kiểng"
Có thể hiểu, "cua kiểng" (tên tiếng Anh là cua Hainan potamon) có nguồn gốc Đông Dương (không phải loại động vật ngoại lai xâm hại), sống trong môi trường nước ngọt. Đặc điểm của cua đực là có càng phải rất lớn, cong hơn con cái, một số loài đột biến thì càng lớn lại nằm bên trái. Khác với nhiều loại cua khác, cua kiểng đẹp và thu hút ánh nhìn của nhiều người nhờ màu sắc và kích thước đa dạng, ngoại hình tuy hầm hố nhưng dễ chăm sóc.
Được biết, thú chơi cua kiểng đã xuất hiện trên thế giới từ những năm 2010, phổ biến nhất ở Thái Lan, Trung Quốc. Những năm gần đây, thú chơi cua kiểng mới dần được du nhập Việt Nam và được nhiều bạn trẻ ưa thích.
Là một người yêu thích động vật cảnh, anh Hà Xuân Lộc đã bị thu hút bởi nét đẹp của cua kiểng. Trước đây, anh Lộc làm kỹ sư xây dựng với mức lương gần 10 triệu đồng/ tháng. Không hài lòng với sự ổn định ấy, anh Lộc muốn chuyển hướng và quyết định kinh doanh từ chính đam mê của mình. Vài năm đầu, anh kinh doanh chó cảnh.
“Gia đình mình có truyền thống làm công chức nhà nước, trường đại học khi xưa mình cũng chọn theo nguyện vọng của gia đình. Sau khi đi làm một thời gian, mình nhận ra được thứ mình thật sự thích và muốn mạo hiểm chuyển hướng”, anh Lộc nói.
Đến năm 2016, chàng trai 8x biết đến cua kiểng sau một lần sang Thái Lan. Với sự tò mò vốn có, anh đã mua cua bản địa của Thái Lan về chơi thử và bắt đầu nghiên cứu, học quy trình nuôi, sinh sản. Một thời gian sau, nhờ kinh nghiệm nuôi thử và nhìn thấy cơ hội, anh Lộc đã liên hệ nhờ chuyên gia hướng dẫn và bắt đầu mở trang trại ở Sơn La.
Hành trình khởi nghiệp vốn không dễ dàng, anh Lộc lại chọn một mặt hàng mới chưa du nhập vào Việt Nam để kinh doanh ở thời điểm đó nên giai đoạn đầu khá “chật vật”.
Anh kể thêm: “Mỗi lần thả cua, chúng tự cắn chết nhau, lượng sinh sản không bằng lượng cua chết khiến mình rất nản. Năm 2018, gia đình mình phải giã cua để tủ ăn dần, thậm chí nghĩ tới việc mở thương hiệu bán bún còng vì bị khách nước ngoài “bom hàng”. Họ đặt cọc tiền để nhập hàng với số lượng lớn, mình háo hức nghĩ đây là “cơ hội vàng” để mở rộng thị trường nước ngoài. Nhưng sau khi cua đủ tuổi để xuất, mình lại nhận phải lời từ chối thẳng thừng và chật vật lo xử lý số lượng cua bị hỏng”.
Không chỉ vậy, khi chuyển sang lĩnh vực hoàn toàn mới, anh Lộc phải tự tìm hiểu và nghiên cứu tài liệu về cua kiểng, đi trao đổi, học hỏi ngắn hạn ở nước ngoài. Túc tắc vừa học, vừa khởi nghiệp, anh sớm lấy lại được tinh thần và kiên định với thú chơi kỳ công này từ năm 2016 đến nay.
Thú chơi "hái ra tiền"
Anh Lộc cho hay, “cua kiểng” có tuổi thọ trên 10 năm và được nuôi trong hộp nhựa hoặc bể kính với mực nước từ 50-60%, lượng oxy dồi dào. Cua có nhiều màu sắc bắt mắt, anh phải tìm cách lấy đất ở từng khu vực chúng sinh sống đem về nhân tạo. Trong quá trình ăn, cua gặm cả đất sẽ tạo ra sắc tố màu riêng theo đúng ý, điển hình có 4 màu như: đỏ, vàng cam, xanh lá cây, xanh da trời, bạch tạng, mắt đỏ.
Những năm đầu kinh doanh, chàng trai 8x hướng đến thị trường nước ngoài như Hồng Kông, Thái Lan, Trung Quốc nhiều hơn bởi thú chơi này đã xuất hiện 15 năm. Tận dụng những mối quan hệ sẵn có và tích cực “chào hàng” trên các diễn đàn, hội nhóm người nước ngoài, anh Lộc dần có những đơn đặt hàng đầu tiên.
Khoảng 2 năm trở lại đây, anh mở rộng thị trường trong nước và hướng đến đối tượng khách hàng nhất định là các “tay chơi” chuyên săn đồ độc, hiếm và “dân chơi cá cảnh”. Hiện tại, chàng trai 8x có 3 cơ sở cung cấp sỉ, lẻ cua kiểng tại Hà Nội, TP HCM, Đà Lạt. Trung bình mỗi tháng, anh xuất xưởng hơn 1.000 con, doanh thu mỗi tháng khoảng 100 triệu đồng.
Tuy có thú chơi “hái ra tiền” nhưng anh Lộc cũng cho rằng, không có gì là bền vững mãi mãi. “Trong vài năm tới, rất có thể cua kiểng cũng trở nên bão hòa, không chỉ có mình mà nhiều người khác cũng sẽ kinh doanh. Chính vì vậy, mình luôn có tâm lý, luôn chuyển đổi sang cái mới và bắt kịp xu thế thị trường”.
Từ món ăn dân dã của người dân địa phương, dế rừng giờ đây đã thành đặc sản nổi tiếng được nhiều người tìm mua.
Nguồn: [Link nguồn]