Gà ngoại có dấu hiệu phá giá tràn vào Việt Nam

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Các doanh nghiệp trong nước cần đồng lòng nộp đơn chứng minh thiệt hại do thịt gà nhập khẩu giá rẻ gây ra.

Trong khi thịt gà nhập khẩu giá rẻ vẫn đổ bộ ồ ạt vào thị trường Việt Nam (VN) thì người nông dân nuôi gà trong nước khóc ròng vì thua lỗ kéo dài, do giá bán thấp hơn giá thành sản xuất.

Gà ngoại đổ vào, gà nội lao đao

Nhiều trang trại gà tại thủ phủ chăn nuôi Đông Nam bộ buồn bã vì giá bán quá rẻ. Ông Minh, chủ một trại nuôi gà công nghiệp ở Đồng Nai, cho biết: Với giá gà lông trắng (gà công nghiệp) bán tại trại hiện nay chỉ ở mức 18.000-19.000 đồng/kg, người nuôi lỗ khoảng 6.000 đồng/kg vì giá thành đã lên đến 24.000-25.000 đồng/kg.

“Tính ra, với mỗi con gà xuất bán tại trại có trọng lượng 2,5-3 kg, người nuôi lỗ 15.000-18.000 đồng/con. Nguyên nhân chính khiến giá gà trong nước rớt thê thảm là do nguồn cung thịt gà nhập khẩu giá rẻ gia tăng mạnh” - ông Minh nói.

Không chỉ giá gà công nghiệp mà giá gà lông màu (gà tam hoàng) và gà ta thả vườn cũng giảm xuống mức thấp hơn giá thành. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, dẫn chứng giá gà tam hoàng hiện chỉ 26.000-27.000 đồng/kg, so với giá thành 35.000 đồng/kg nên nông dân lỗ 8.000-9.000 đồng/kg.

“Giá gà trong nước bán rẻ dưới giá thành mãi không ngóc đầu lên được do bị cạnh tranh với lượng thịt gà nhập khẩu giá rẻ tăng mạnh. Số lượng thịt gà nhập khẩu những tháng đầu năm nay tăng 150% so với cùng kỳ, cộng với giá siêu rẻ thì gà trong nước lấy sức đâu mà cạnh tranh lại” - ông Ngọc thở dài.

Đại diện Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ cũng cho hay thịt gà công nghiệp nhập khẩu đang bán tràn lan trên các trang mạng với giá nhập khẩu tới cảng VN (chưa tính các loại thuế) chỉ trên dưới 20.000 đồng/kg. Sản phẩm này chủ yếu được bán cho các bếp ăn công nghiệp, nhà hàng, quán ăn bình dân giá chỉ 30.000-40.000 đồng/kg với đùi, ức, cánh gà. Còn giá cổ gà, xương gà bán ra chỉ 15.000-18.000 đồng/kg.

Lượng thịt gà nhập khẩu nhiều khiến người nuôi gà trong nước lao đao. Ảnh: QUANG HUY

Lượng thịt gà nhập khẩu nhiều khiến người nuôi gà trong nước lao đao. Ảnh: QUANG HUY

Có dấu hiệu phá giá

Tại hội nghị về phòng vệ thương mại vừa diễn ra ở TP.HCM, bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), nhìn nhận những năm gần đây, các hộ nông dân ở Đông Nam bộ điêu đứng vì gà nhập khẩu của Brazil, Mỹ, Hàn Quốc… về VN với giá rẻ chỉ khoảng 20.000 đồng/kg. Trong khi đó, ngay cả các công ty chăn nuôi trong nước với quy mô lớn cho biết nếu giảm tối đa chi phí thì giá gà xuất chuồng 35.000 đồng/kg, không có cách nào đưa xuống 20.000 đồng/kg như gà các nước xuất khẩu sang VN.

Bà Giang cho hay có thể áp dụng các hàng rào kỹ thuật, sử dụng ngưỡng về định lượng, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật… để quản lý nhập khẩu, qua đó hạn chế nhập khẩu. Ví dụ, Nhật Bản yêu cầu hàng thủy sản xuất sang nước này có dư lượng kháng sinh bằng 0.

Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp đề xuất áp dụng rào cản kỹ thuật với mặt hàng nhập khẩu thì hàng trong nước phải đạt được tiêu chuẩn đó trước thì mới có thể áp dụng. Ví dụ, VN quy định dư lượng kháng sinh trong mặt hàng A nhập khẩu bằng 0 nhưng nếu hàng sản xuất trong nước lại có dư lượng kháng sinh được phép là 1% thì ngay lập tức bị các nước trả đũa bằng các biện pháp khác.

Nói thêm về vấn đề này, ông Tô Thái Ninh, Trưởng phòng Điều tra bán phá giá và trợ cấp, Cục Phòng vệ thương mại, nhấn mạnh: “Đúng là thịt gà từ Brazil, Hàn Quốc, đặc biệt là đùi tỏi gà Mỹ nhập khẩu vào VN có dấu hiệu tăng mạnh. Thông qua số liệu nhập khẩu, thông tin từ mạng lưới thương vụ VN tại các nước này… có thể khẳng định dấu hiệu bán phá giá của các mặt hàng này là rõ ràng”.

Tuy nhiên, muốn áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước và khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp này thì cần có hồ sơ của đại diện ngành sản xuất trong nước, đồng thời phải đáp ứng các điều kiện để đứng đơn nộp hồ sơ.

“Chúng tôi đã làm việc với các công ty chăn nuôi để thu thập thông tin và hướng dẫn nộp hồ sơ theo đúng luật nhưng cho đến nay các công ty vẫn chưa thống nhất được với nhau về hồ sơ gửi cục. Đây là điều đáng tiếc vì nếu doanh nghiệp không nộp hồ sơ, chúng tôi không có dữ liệu xem xét thiệt hại của sản xuất trong nước. Như vậy, mấu chốt là đến thời điểm hiện tại chưa có hồ sơ chính thức của ngành sản xuất trong nước nộp lên” - ông Ninh nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ Nguyễn Văn Ngọc cho hay ông có tham dự các buổi làm việc bàn về phòng vệ thương mại đối với thịt gà nhập khẩu giá rẻ. Tại đây, các doanh nghiệp đều đồng ý với các bộ, ngành sẽ cung cấp thông tin chứng minh thiệt hại do thịt gà nhập giá rẻ gây ra nhằm bảo vệ chính đáng ngành chăn nuôi trong nước. Thế nhưng sau đó thì họ không cung cấp.

“Có thể họ không đồng lòng, xem như không phải việc của mình nên vụ việc không đi tới đâu. Tôi cho rằng các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước cần phải thống nhất nộp đơn chứng minh thiệt hại do thịt gà nhập khẩu giá rẻ gây ra” - ông Ngọc chia sẻ.

Cần truy xuất nguồn gốc thịt nhập

Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ Nguyễn Văn Ngọc cho rằng để bảo vệ ngành chăn nuôi gà, trước mắt cơ quan chức năng cần áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với thịt nhập khẩu. Bởi qua theo dõi thời gian dài cho thấy giá thịt gà nhập khẩu quá rẻ không phải do giá thành chăn nuôi các nước xuất khẩu thấp.

Thịt gà nhập khẩu vào Việt Nam với giá rẻ ảnh hưởng đến sức mua thịt gà trong nước. Ảnh: T.UYÊN

Thịt gà nhập khẩu vào Việt Nam với giá rẻ ảnh hưởng đến sức mua thịt gà trong nước. Ảnh: T.UYÊN

“Khảo sát thực tế tại các nước cho thấy giá thịt gà bán ra thị trường cao, thậm chí cao hơn thị trường VN. Do đó, thịt nhập bán giá rẻ bèo có thể là những lô thịt nhập cận date, sắp hết hạn sử dụng nên mới có giá rẻ bèo. Như vậy, quy định phải truy xuất nguồn gốc sẽ hạn chế được những loại thịt kém chất lượng được nhập vào VN, cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng chăn nuôi trong nước” - ông Ngọc nhấn mạnh.

Thịt gà nhập khẩu rẻ bất thường, gà Việt chịu trận đến bao giờ?

Một số nguồn thịt gà nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá rất rõ ràng nhưng nhiều năm qua Việt Nam vẫn chưa áp dụng biện...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo QUANG HUY ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN