Ế ẩm, hàng nghìn con cá sấu bị bỏ đói, dân nuôi thua lỗ hàng tỷ đồng
“Do bị bỏ đói nhiều ngày nên buổi tối, lũ cá sấu kêu rên rất tội nghiệp, nghe thì tội mà cho ăn thường xuyên lại không có tiền, muốn bán cũng không có người mua”.
Đó là tình trạng hiện nay của một trong hàng nghìn hộ dân nuôi cá sấu tại thủ phủ cá sấu lớn nhất Việt Nam.
Giá cá sấu xuống thấp chưa từng có lại không có bóng dáng của thương lái đến mua khiến cho người nuôi cá sấu tại thủ phủ cá sấu lớn nhất Việt Nam rơi vào bế tắc, hàng nghìn con cá sấu bị bỏ đói, kêu rên thảm thiết.
Nhiều năm qua, Bạc Liêu được xem là “thủ phủ” của nghề nuôi cá sấu, trong đó huyện Phước Long được coi là địa phương nuôi nhiều nhất với hơn 1.000 hộ và gần 200.000 con cá sấu.
Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá cá sấu thương phẩm xuống thấp chưa từng có, chỉ còn 40-45.000 đồng/kg khiến người dân càng nuôi càng lỗ.
Hàng nghìn con cá sấu bị bỏ đói nằm đè lên nhau.
Gia đình ông Nguyễn Vạn Đấu, trú tại ấp Hành Chính, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long hiện đang có khoảng 5.000 con cá sấu đến tuổi xuất bán nhưng không ai mua.
Nuôi cá sấu từ năm 2010 đến nay, ông Đấu cho biết, những năm trước, cá sấu được thu mua với giá từ 120-150.000 đồng/kg. Thấy cá được giá nên làm được bao nhiêu gia đình ông lại mở rộng thêm diện tích và tăng thêm số lượng cá.
Khác với mọi năm, cá nuôi được bao nhiêu được thương lái đến mua bấy nhiêu để xuất khẩu sang Trung Quốc thì năm nay, ông vẫn chưa bán được con nào do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
“Giá cá sấu giống đầu vụ là 400.000 đồng/kg, mua về nuôi thêm 2 năm nữa mới được bán. Mỗi con cá sấu từ lúc nuôi đến lúc bán ăn hết khoảng 1 triệu tiền mồi, giờ họ chỉ mua cá sấu từ 5kg trở lên và 10kg trở xuống với giá 40-45.000 đồng/kg, thậm chí mua cả con với giá 350.000 đồng. Với giá này thì chưa lại cả tiền giống”, ông Đấu thở dài.
Mỗi con cá sấu nếu bán với giá hiện tại sẽ lỗ gần 1 triệu đồng.
Giá cá sấu xuống thấp, hầu hết các hộ dân phải nuôi cầm chừng, cắt bớt khẩu phần ăn để tiết kiệm chi phí. Thay vì cho ăn cách nhật như trước kia thì hiện tại, từ 7-10 ngày ông Đấu mới cho cá ăn 1 bữa. Thậm chí ông còn cho biết, có đợt bí quá, nửa tháng ông mới cho chúng ăn bởi mỗi lần 5.000 con cá sấu phải ăn hết 1,5 tấn thức ăn, chi phí khoảng 15 triệu đồng.
Giá thức ăn tăng, bán thì không những lỗ tiền giống, tiền thức ăn mà suốt gần 2 năm qua làm không công, thêm tiền điện, tiền thuê nhân công vệ sinh chuồng trại.
“Nhiều nhà có vài chục hoặc vài trăm con thì giá rẻ họ cũng bán vì có bán hết cũng chỉ lỗ vài chục triệu đồng nhưng nhà tôi 5.000 con, không ai mua hết một lúc được, bán ít lại rẻ thì cũng không giải quyết được gì nên cứ bỏ đó, chờ giá lên mà hết năm rồi vẫn không có ai mua”, ông Đấu nói.
Với 5.000 con cá sấu, nếu bán hiện tại ông Đấu sẽ lỗ mất khoảng 4-5 tỷ đồng.
Cá sấu bị bỏ đói quá lâu nên buổi tối thường nghe chúng kêu rên rất tội nghiệp nhưng nếu cho ăn thường xuyên thì lại không có tiền để cầm cự. “Tôi hy vọng nhận được sự giúp đỡ kịp thời của các cấp chính quyền và cũng mong việc xuất bán cá sấu sang Trung Quốc và kết nối được một số đơn vị thu mua da cá sấu để làm túi xách, da giầy ở Châu Âu để người nông dân bớt khó khăn, không lâm vào tình trạng thiệt hại nặng nề dẫn đến phá sản”, ông Đấu bày tỏ.
Theo ông Lý Anh Vũ, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phước Long, toàn huyện hiện có khoảng 1.000 hộ nuôi cá sấu với số lượng trên 190.000 con. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá cá sấu từ đầu năm xuống rất thấp, chỉ còn từ 40-45.000 đồng/kg khiến nhiều hộ nuôi bị thua lỗ.
“Giá cá sấu xuống thấp từ khi dịch Covid-19 bùng phát, không thể xuất khẩu sang Trung Quốc nên người nuôi ít thì lỗ vài chục triệu, người nuôi nhiều thì lỗ vài trăm triệu nên tình hình rất khó khăn”, ông Vũ nhận định.
Nguồn: [Link nguồn]
Từ những khúc gỗ vứt chơ vơ ở góc vườn, anh Phát đã “biến hình” thành 1010 con trâu ngộ nghĩnh phủ sơn mài cực độc,...