Dưa hấu rớt giá có nơi chỉ còn 2.000 đồng/kg vẫn không có người mua, nông dân mất Tết
Hàng nghìn ha dưa đến kỳ thu hoạch nhưng không có đầu ra, giá bán tại ruộng nhiều nơi chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg. Với giá này, người nông dân không đủ tiền công thuê người thu hoạch thế nhưng vẫn không có người mua.
Hơn một tháng qua, hàng nghìn xe hàng xuất khẩu bị ùn ứ trên cửa khẩu biên giới phía Bắc khiến hàng loạt nông sản rơi vào thế bí. Đặc biệt, những hộ nông dân chuyên trồng dưa hấu xuất khẩu rơi vào cảnh lao đao khi dưa đến kỳ thu hoạch không bán được hoặc bán với giá rẻ như cho.
Giá dưa hấu ở các tỉnh Tây Nguyên hiện đang ở mức chỉ từ 1.000-3.000 đồng/kg.
Đứng bên đống dưa chất cao ngang người với hàng chục tấn, anh Phan Văn Huy, trú tại Ea Súp (Đắk Lắk) cho biết, vợ chồng anh từ Bình Định lên đây thuê 2,5 ha đất để trồng dưa.
Vụ dưa đầu năm được mùa, thương lái đến tận ruộng thu mua với giá 11.000 đồng/kg khiến anh phấn khởi, thuê thêm 2ha đất để tiếp tục trồng dưa cho vụ tết. Ai ngờ, cả vốn vẫn lời nằm tất ở ngoài ruộng, không thể thu hồi.
“4,5ha dưa dự tính được khoảng 100 tấn dưa hấu vẫn đang ngoài ruộng. Thương lái thì cả tuần mới thấy lác đác 1-2 người đến trả giá rồi đi. Họ chỉ trả 2.000 đồng/kg dưa mà mình phải tự thuê người hái để sẵn trên bờ. Với số tiền ấy thì lỗ to mà không bán, để lâu lại thối hết nên vợ chồng tôi không biết làm thế nào”, anh Huy nói.
Nhiều vựa dưa hấu mua của bà con về rồi bán với giá chỉ từ 3.500 đồng/kg. (Ảnh chụp màn hình).
Không bán được dưa nhưng vợ chồng anh Huy vẫn phải căng bạt ở mé ruộng để canh dưa cũng là để chờ thương lái. Cả năm trông chờ vào vụ Tết mà năm nay coi như mất hết, ôm theo cả đống nợ.
Ngồi bên ruộng dưa hấu rộng mênh mông hơn 40ha tại Ea Súp (Đắk Lắk), anh Đinh Quốc Toản cho biết, hơn 1.000 tấn dưa của nhà anh đến kỳ thu hoạch nhưng mới chỉ bán được khoảng 200 tấn. Số dưa còn lại đã quá ngày, nếu không thu sẽ bị thối, hỏng, coi như mất trắng.
Theo anh Toản, mỗi sào dưa, tiền vốn bỏ ra mất khoảng 9 triệu đồng. Từ khi bước chân xuống ruộng làm đất đến lúc cắt quả dưa lên bờ mất khoảng 3 tháng, chưa kể công làm đất, chọn giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuê nhân công. Tính ra, dưa phải bán được từ 4.000-5.000 đồng mới hoà vốn.
Hàng nghìn ha dưa hấu đã già và đến thời kỳ thu hoạch vẫn không có người mua.
Hơn 40 ha dưa hấu đã “ngốn” hết khoảng nửa tỷ đồng của anh Toản, vậy mà giờ thương lái chỉ trả giá từ 1.000-2.000 đồng/kg và chỉ mua 3-4 tấn. Với giá đó không những anh Toản lỗ nặng mà còn không đủ tiền thuê người thu hoạch
Theo anh Toản, những người trồng dưa hấu số lượng lớn như anh chủ yếu phục vụ thị trường xuất khẩu. Những vụ trước, dưa đến kỳ thu hoạch là thương lái đến tận ruộng đặt cọc tiền trước 10-20 ngày với giá từ 8.000-9.000 đồng/kg nhưng vụ này, cả tháng nay không thấy ai đến mua.
“Họ đang trả 1.000-2.000 đồng/kg nhưng mình phải thuê người cắt dưa, để thành đống, họ chỉ đưa xe đến bốc đi thôi. Giá đó thì coi như mình cho không ruộng dưa rồi mà không bán thì dưa sẽ thối, hỏng hết. Quá thê thảm”, anh Toản cho hay.
Nếu như trước đây thương lái đến tận ruộng mua với giá từ 9.000-11.000 đồng/kg thì hiện tại chỉ lác đác có vài người đến trả giá rồi đi.
Theo báo cáo của ngành chức năng Lạng Sơn, ngày 27/12, phía Trung Quốc tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch gắt gao. Do vậy, lượng xe thông quan qua cửa khẩu Lạng Sơ rất hạn chế.
Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trong vài ngày gần đây chỉ xuất được 50-60 xe hàng; Cửa khẩu Chi Ma chỉ có gần 10 xe hàng rỗng của Trung Quốc sang Việt Nam để tải hàng; Các cửa khẩu khác vẫn chưa được mở cửa.
Theo thông tin từ Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn, tính đến sáng 28/12, tổng lượng xe tồn tại ba khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, TânThanh, Chi Ma là 3.838 xe, giảm 154 xe so với 1 ngày trước đó. Với năng lực thông quan như hiện nay với khoảng 78-90 xe/ngày thì từ nay đến Tết Nguyên đán cũng chỉ có thể xuất khẩu được khoảng 1.000 xe, bằng nửa số lượng xe đang tồn đọng tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn.
Được coi là loại gà tượng trưng cho sự may mắn, sung túc và tài lộc nên chúng còn có tên gọi khác là “gà đài cát”,...
Nguồn: [Link nguồn]