Động thái của người tiêu dùng ra sao sau vụ rau sạch “dởm” tuồn vào siêu thị?
Sau vụ việc một số doanh nghiệp biến rau từ chợ đầu mối thành rau VietGAP rồi tuồn vào siêu thị, nhiều người có “giật mình”, mất lòng tin và bắt đầu “quay lưng” với các sản phẩm này?
Khoảng một tuần trở lại đây, sau vụ việc rau từ chợ đầu mối và nấm có nguồn gốc từ Trung Quốc được gắn mác VietGAP rồi tuồn vào các siêu thị lớn để bán cho người tiêu dùng Việt, chị Hoàng Thị Hải, trú tại Đống Đa (Hà Nội) đã chính thức tẩy chay các siêu thị này.
“Nhiều năm liền tôi là khách ruột của hệ thống siêu thị kia. Thậm chí những tháng cao điểm của dịch Covid-19, tôi còn đặt rau và thực phẩm hàng tuần với đơn hàng vài triệu đồng cho 1 lần đặt, chịu mức giá cao gấp 2-3 lần rau ngoài chợ. Tin tưởng đến mức ăn dưa chuột không gọt vỏ, ăn xà lách sống không phải ngâm muối.
Vì vậy, khi biết việc rau mình ăn là hàng của chợ đầu mối “đội lốt” thì tôi choáng váng, cảm giác như mình đang bị lừa bao năm nay. Vì thế, mấy hôm nay tôi ra chợ mua cho nhanh. Vừa rẻ vừa đỡ bực mình”, chị Hải nói.
Nhiều người lựa chọn những siêu thị lớn khác để mua rau, củ, quả và thực phẩm thay vì mua tại các siêu thị vừa bị tố.
Không tẩy chay rau siêu thị như chị Hải, chị Nguyễn Thị Khuyên, trú tại Thanh Xuân (Hà Nội) lại lựa chọn đi mua rau của một siêu thị có thương hiệu khác.
“Gần nhà tôi có nhiều siêu thị, mình biết siêu thị đó có tuồn hàng “dởm” vào thì mình tránh, không mua ở đó nữa mà mua của siêu thị khác cho yên tâm hơn. Hơn nữa báo chí đang rầm rộ, dân tình đang bức xúc vụ rau “dởm” như vậy thì chắc không siêu thị nào dám làm “láo” trong thời điểm này đâu”, chị Khuyên nói.
Các gian hàng rau OCOP của các siêu thị lớn luôn thu hút khách hàng.
Theo chị Khuyên, các sản phẩm có vấn đề thì đã được xử lý rồi, trong khi đó có nhiều nhà cung cấp khác nhau, không phải ai cũng làm “láo” nên chị vẫn chọn mua rau ở siêu thị vì cảm giác an toàn hơn ngoài chợ.
“Ví dụ như cân hành ngoài chợ mấy hôm nay bán 85 nghìn đồng/kg nhưng trong siêu thị gần nhà tôi vẫn bán 65 nghìn đồng. Ghi nơi sản xuất là Hợp tác xã rau an toàn ở Vĩnh Phúc, ngày thu hoạch, hạn sử dụng. Rau cải thảo bên ngoài cũng 25 nghìn đồng/kg nhưng ở siêu thị chỉ 19 nghìn đồng/kg; rau cải bắp ngoài chợ 20 nghìn đồng/kg thì siêu thị chỉ 15 nghìn đồng…”, chị Khuyên phân tích.
Một số loại rau, củ, quả của nhiều hệ thống siêu thị có giá "mềm" hơn rau ngoài chợ.
Ngoài ra, thói quen đi siêu thị mua rau, thực phẩm của chị đã có từ nhiều năm nay nên “khó bỏ”.
Cũng là khách hàng “thân thiết” của hệ thống siêu thị vừa bị tố bán rau VietGAP “dởm”, chị Đoàn Thị Luyến, trú tại Phúc Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cảm thấy rất bực mình vì rau họ bán với giá trên trời nhưng chất lượng lại như rau ngoài chợ.
“Cảm giác mình bị lừa dối khó chịu lắm. Có khi, thời gian tới, tôi phải thuê mảnh đất tự trồng rau ăn hoặc lắp hệ thống trồng rau thuỷ canh trên sân thượng cho an tâm”, chị Luyến nói.
Rau tại các siêu thị được người tiêu dùng khá tin tưởng vì được đóng gói cẩn thận, ghi nơi sản xuất rõ ràng.
Theo khảo sát của PV tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội, hầu hết các loại rau, củ, quả được bày bán đều ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, được đóng gói bao bì cẩn thận. Ngoài ra, giá các loại rau xanh cũng khá “mềm”, nhiều loại còn rẻ hơn rau được bán lẻ ngoài chợ.
Các loại rau xanh được niêm yết công khai giá, nơi sản xuất và ngày thu hoạch, đóng gói.
Liên quan đến việc rau sạch “dởm” biến hình vào hàng loạt siêu thị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Minh Hoan đã có cuộc họp với các đơn vị trực thuộc và Hiệp hội ngành hàng về công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thuỷ sản vào tối ngày 22/9.
Trong đó, Bộ Trưởng cho rằng cần sự minh bạch trong các khâu sản xuất, phân phối và tiêu thụ, tránh “treo đầu dê bán thịt chó”. Để làm được như vậy, cần sự vào cuộc của hệ thống bán lẻ, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cùng tạo dựng hệ sinh thái lành mạnh.
Trước đó, Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn gửi các Đội Quản lý thị trường trực thuộc, yêu cầu rà soát, kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi tập kết, phân loại, đóng gói, kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc hoặc gian lận về nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm và hành vi gian lận thương mại khác.
"Vợ tôi thỉnh thoảng lại đặt một bó cành quả về cắm. Khi thì cành quả hồng, cành táo mèo, cành cà phê, vừa rồi thì ôm một mớ cành quả thanh long về. Hí húi cắm cả...
Nguồn: [Link nguồn]