Doanh nghiệp tay ngang ở Việt Nam sản xuất khẩu trang cho Bộ Quốc phòng Mỹ

Ngành nghề kinh doanh chính bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 buộc nhiều doanh nghiệp "tay ngang" chuyển qua sản xuất khẩu trang, thậm chí xuất khẩu đi Mỹ.

Ngày 30-8, Công ty CP Đầu Tư Ecom Net cho biết những chuyến hàng khẩu trang y tế đầu tiên mang thương hiệu Ecom Med do chính công ty sản xuất tại Việt Nam đã sang đến đất Mỹ, cung cấp cho hệ thống 360 bệnh viện thuộc Bộ Quốc Phòng của Mỹ, góp phần cùng các y bác sĩ tuyến đầu phòng chống dịch Covid 19 tại quốc gia này.

Theo ông Trần Văn Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu Tư Ecom Net, việc các mặt hàng thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) của Việt Nam vượt qua tất cả tiêu chuẩn sản xuất, kiểm định khắt khe hàng đầu của quốc tế để đến Mỹ là thành quả của quá trình lao động, sản xuất cực kỳ bài bản và nghiêm túc của tập thể cán bộ, kỹ sư và công nhân nhà máy.

Bên trong nhà máy sản xuất khẩu trang của Ecom Net tại Việt Nam. Ảnh: Lam Giang

Bên trong nhà máy sản xuất khẩu trang của Ecom Net tại Việt Nam. Ảnh: Lam Giang

Lô hàng khẩu trang của công ty Ecom Net đầu tiên tới Mỹ. Ảnh: Lam Giang

Lô hàng khẩu trang của công ty Ecom Net đầu tiên tới Mỹ. Ảnh: Lam Giang

Thời gian qua, dù dịch bệnh nhưng công ty vẫn sản xuất phục vụ nhu cầu sử dụng sản phẩm chất lượng cao cho thị trường trong nước, vừa phải đáp ứng các đơn hàng lớn từ các đối tác nước ngoài.

Ông Trần Văn Long, đồng thời cũng là Tổng giám đốc Công ty CP Truyền thông Du lịch Việt, cho biết ban đầu không ai nghĩ dịch bệnh sẽ kéo dài đến giờ, tác động nặng nề khiến hoạt động du lịch gần như đóng băng 100% và các doanh nghiệp phải xoay sở đủ giải pháp để duy trì công ty, người lao động…

Du lịch Việt phải cắt giảm những bộ phận không cần thiết, không hiệu quả… để cùng nhau tồn tại. Đặc biệt, khi Việt Nam công bố dịch vào tháng 4-2020, ông Long nghĩ ngay đến việc sản xuất khẩu trang y tế.

"Lúc bắt đầu, chúng tôi không tính làm lớn nhưng đến nay, công ty có các nhà máy sản xuất khẩu trang y tế ở quận 12, huyện Củ Chi, Hóc Môn (TP HCM) và tỉnh Long An. Tại miền Bắc, chúng tôi cũng có 2 nhà máy. Tổng công suất mỗi ngày đạt 5 triệu sản phẩm, hoạt động 24/24 giờ. Hiện 50% nhân sự Du lịch Việt chuyển qua làm khẩu trang y tế" – ông Long chia sẻ.

Trước đó ngày 14-8, tại trụ sở Tập đoàn Y tế Spartan ở TP Rockville, thuộc bang Maryland - Mỹ, đại diện của công ty Ecom Net USA - Chi nhánh của Ecom Net Việt Nam, đã ký hợp đồng với Tập đoàn Y tế Spartan về việc cung cấp khẩu trang và PPE cho hệ thống các bệnh viện trong mạng lưới của tập đoàn này tại Mỹ.

Ecom Net USA đang tìm kiếm địa điểm tại Mỹ để xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm bảo hộ nhằm cung cấp riêng cho thị trường này. Kế hoạch này của doanh nghiệp được chính quyền nước sở tại ủng hộ.

Bên trong nhà máy sản xuất của Công ty CP Dinh Dưỡng Dolsure. Ảnh: Phương An

Bên trong nhà máy sản xuất của Công ty CP Dinh Dưỡng Dolsure. Ảnh: Phương An

Đầu tuần này, Công ty CP Dinh Dưỡng Dolsure cũng bắt đầu chào bán khẩu trang y tế N95 vào các hệ thống bán lẻ và nhà thuốc tây trong nước với giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 28.000 đồng/cái.

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Tổng giám đốc công ty, cho biết mấy tháng nay, công ty tạm ngưng sản xuất, kinh doanh mảng sữa vốn đã gắn với công ty gần 20 năm nay với thương hiệu Hanco Food trước đây và Dolsure từ năm 2017 đến nay để tập trung đầu tư lắp đặt thiết bị sản xuất khẩu trang. Hiện sản phẩm khẩu trang y tế N95 đã ra thị trường nội địa. Sắp tới, công ty sẽ sản xuất thêm mặt hàng găng tay y tế và đổi tên công ty thành Công ty CP Thiết bị y tế Dolsure.

Theo đại diện công ty Dolsure, từ lĩnh vực thực phẩm dinh dưỡng chuyển hẳn sang sản xuất vật dụng y tế, công ty phải nỗ lực lớn để làm thị trường, xúc tiến đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để tham gia cung ứng sản phẩm y tế chất lượng cao cho thị trường trong nước lẫn quốc tế trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, rất cần những sản phẩm chất lượng cao để giúp người tiêu dùng bảo vệ sức khoẻ.

"Sản lượng dự kiến của công ty khoảng 20 triệu sản phẩm mỗi tháng, chủ yếu nhắm đến thị trường xuất khẩu là Mỹ và châu Âu. Dự kiến, khoảng tháng 10 công ty sẽ có đầy đủ chứng nhận kiểm định chất lượng của các cơ quan quản lý tại Mỹ để bán hàng vào thị trường này" – bà Oanh thông tin.

Nguồn: [Link nguồn]

Nóng tuần qua: Tôm hùm rớt giá, rẻ chưa từng thấy

Tác động kép do dịch bệnh và tháng ngâu, nhiều mặt hàng ế ẩm, người bán méo mặt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương – Thanh Nhân ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN