DN lo hàng Trung Quốc đội lốt Việt xuất đi Mỹ, Bộ Công thương chưa tìm ra bằng chứng

Sự kiện: Kinh Doanh

Lãnh đạo Vụ thương mại đa biên (Bộ Công Thương) khẳng định việc hàng nông sản Trung Quốc mượn đường Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ là chưa có bằng chứng .

Ngày 11/10 tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ IV "Từ CPTPP tới EVFTA: Cùng nông dân đi chợ thế giới".

Tại diễn đàn, ông Phạm Mạnh Thiêm nông dân tỉnh Bình Phước (hiện có 25 ha trồng cao su và tiêu, lợi nhuận trên 2,5 tỷ đồng mỗi năm) cho rằng, ngoài quan hệ thương mại với 38 đối tác thương mại thuộc 2 khối CPTPP và EU, chúng ta còn có kim ngạch xuất khẩu nông sản rất lớn sang 2 thị trường Trung Quốc và Mỹ, mà hiện giữa 2 nước này đang nổ ra cuộc chiến thương mại lớn nhất từ trước đến nay.

Ông Phạm Mạnh Thiêm nông dân tỉnh Bình Phước phát biểu tại Diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ IV "Từ CPTPP tới EVFTA: Cùng nông dân đi chợ thế giới".

Ông Phạm Mạnh Thiêm nông dân tỉnh Bình Phước phát biểu tại Diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ IV "Từ CPTPP tới EVFTA: Cùng nông dân đi chợ thế giới".

Ông Thiêm băn khoăn, liệu cuộc chiến thương mại này sẽ tác động như thế nào đến tình hình xuất khẩu nông sản nước ta? Đặc biệt gần đây đang có chuyện “hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt” để xuất khẩu sang Mỹ.

Trả lời câu hỏi này, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ thương mại đa biên (Bộ Công Thương) khẳng định việc hàng nông sản Trung Quốc mượn đường Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ là chưa có bằng chứng, cũng như chưa có vụ việc thực tế nào mà mới chỉ dừng lại ở những cảnh báo.

“Có một thực tế là hệ thống hải quan Việt Nam đã có những quy định, chế tài kiểm soát nghiêm ngặt nên hàng Trung Quốc hầu như không có khả năng đội lốt hàng Việt Nam”, ông Thái nói.

Theo ông Thái, Bộ Công Thương hiện đã ban hành các cảnh báo cũng như trình lên Chính phủ các đề án kiểm soát những bất thường trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ Trung leo thang.

Tuy nhiên cho đến nay, theo đánh giá của Bộ Công Thương, hiện tác động của thương chiến đến Việt Nam là hầu như chưa rõ ràng, chưa cụ thể.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ thương mại đa biên (Bộ Công Thương).

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ thương mại đa biên (Bộ Công Thương).

Nguyên nhân chính là do các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam hầu như không trùng với nông sản Mỹ xuất khẩu cho Trung Quốc và ngược lại. Một số mặt hàng thủy sản mà Việt Nam đang cùng với Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ hiện bị Mỹ đánh thuế chống bán phá giá, do đó tác động không quá lớn.

Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ Trung diễn ra đến nay, đã có rất nhiều cảnh báo về vấn đề hàng Trung Quốc mượn đường Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Trong đó, đáng lưu ý là sản phẩm gỗ dán.

Mỗi năm, Trung Quốc xuất khẩu khoảng 80 tỷ USD gỗ dán sang Mỹ, gồm có gỗ dán gỗ cứng và gỗ dán gỗ mềm. Việt Nam hiện chưa xuất khẩu gỗ dán gỗ mềm. “Cần chú ý, thuế xuất khẩu gỗ dán gỗ cứng sang Mỹ lên tới 183% nhưng thuế xuất khẩu gỗ dán gỗ mềm hiện là 0%, do đó Việt Nam cần đề cao cảnh giác việc bị lợi dụng để xuất khẩu mặt hàng này. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu gỗ dán Việt Nam sang Mỹ chỉ đạt 50 triệu USD, nhưng đến năm 2018, con số này đã tăng vọt tới 290 triệu USD, một sự bất thường đáng báo động”, ông Quyền nhấn mạnh.

Bộ Công Thương sau đó đã tiến hành thanh tra, rà soát các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dán trong nước nhưng chưa phát hiện bất thường. Một thực trạng đáng nói là có tới 70% trong số hơn 800 doanh nghiệp gỗ dán Việt nhận vốn đầu tư từ Trung Quốc hoặc Đài Loan.

Bản thân các cơ quan hải quan Mỹ hiện đã siết chặt cơ chế kiểm soát, đồng thời triệu tập nhiểu doanh nghiệp nhập khẩu gỗ dán để quán triệt các vấn đề kiểm định nguồn gốc xuất xứ.

Theo ông Quyền, cảnh báo về nguy cơ gỗ dán Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam là có thật, các Bộ Ban ngành cần có tránh nhiệm giải quyết bài toán này để tránh nguy cơ trừng phạt từ Mỹ cũng như tạo cơ hội cho doanh nghiệp gỗ dán Việt Nam cạnh tranh và phát triển.

Trước ý kiến của ông Quyền, ông Lương Hoàng Thái thừa nhận, một số mặt hàng nông sản như gỗ dán đang phải đối mặt với nhiều rủi ro. Nhiều quốc gia như Mỹ và EU hiện nay vẫn chưa có chế tài kiểm soát chuyển đổi nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm như gỗ dán.

“Bộ Công Thương hiện đã làm việc với các Bộ Ban ngành liên quan để kiểm soát, quản lý kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Thủ tướng Chính phủ hiện cũng đã có chỉ đạo đến từng địa phương cụ thể để siết chặt chế tài kiểm soát trong thời gian tới”, ông Thái nói.

Chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cũng  cho rằng, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam vào Mỹ còn rất thấp nhưng đến năm 2018, con số này đã tăng vọt. Đây chính là nguyên nhân Mỹ nhiều lần cảnh báo Việt Nam về chính sách can thiệp thị trường ngoại hối cũng như hiện tượng xuất siêu.

“Theo tôi, nếu Việt Nam chấp hành nghiêm chỉnh những thông lệ thương mại quốc tế, Mỹ không có lý do gì để trừng phạt hàng nông sản Việt Nam. Hiện Mỹ đang coi Việt Nam là một trong những đồng minh trên thị trường thương mại quốc tế, nhưng nước ta vẫn cần đề cao cảnh giác”, ông Tuyển cho hay.

Hàng TQ đội lốt, “made in Việt Nam“ toàn hàng Tàu

Quần áo thời trang Trung Quốc đội lốt nhãn hiệu thời trang Made in Vietnam, Hàng Việt Nam xuất khẩu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thùy ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN