Điện một giá: Có lợi cho nhà giàu, áp lực cho nhà nghèo?
Theo Bộ Công thương, phương án tính giá 1 bậc cho điện sinh hoạt dự kiến sẽ được áp dụng từ đầu năm sau. Việc đưa ra phương án đồng giá điện mang tính "linh hoạt để thêm sự lựa chọn cho người dân".
Giá bán điện 1 giá như thế nào là hợp lý?
Bên cạnh phương án 5 bậc thang được trình, Bộ Công Thương cũng đề xuất thêm phương án một giá để người dân lựa chọn, dự kiến sẽ được áp dụng từ đầu năm sau.
Cụ thể, nếu được áp dụng sẽ có song song 2 biểu giá bán lẻ, người dân có thể chọn dùng điện đồng giá hoặc biểu lũy tiến bậc thang. Tuy nhiên, nếu chọn một giá thì đương nhiên không thể thấp hơn giá điện bình quân hiện đang áp dụng là 1.864,44 đồng/kWh (chưa có VAT).
TS Ngô Đức Lâm, nguyên Viện phó Viện Năng lượng (Bộ Công thương) đề xuất áp dụng điện 1 giá và mức giá này đúng bằng giá điện bình quân. Hơn nữa cần có quỹ bình ổn giá, quỹ này chính là để hỗ trợ người nghèo, hộ chính sách...
Nếu áp dụng điện một giá, khoảng 70% số hộ dùng điện sẽ phải trả chi phí cao hơn nếu chọn phương án này (Ảnh minh họa).
Lý giải về mức giá áp dụng cho điện một giá, theo ông Ngô Đức Lâm, căn cứ vào Luật Điện lực năm 2004, Luật Điện lực sửa đổi năm 2012, Quyết định 69/2013/QĐ-TTg, Quyết định 24/2017/QĐ-TTg và các văn bản hướng dẫn về giá bán lẻ điện bình quân thì giá bán điện bình quân là giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện. Trong đó giá bình quân được tính để đảm bảo cho tất cả các đơn vị điện lực và toàn ngành điện duy trì được các chi tiêu tài chính để hoạt động bình thường và có lãi để đảm bảo tái đầu tư và phúc lợi.
“Trong giá bình quân đã bao gồm đầy đủ tất cả chi phí từ phát điện đến truyền tải điện, phân phối, bán lẻ, quản lý ngành điện... Điều này có nghĩa là giá bán lẻ điện bình quân đã là giá cuối cùng của ngành điện, đã thực hiện đầy đủ theo cơ chế thị trường, tính đủ các yếu tố chi phí đầu vào, có lãi để cho ngành điện hoạt động lâu dài, ổn định”, ông Lâm nhấn mạnh.
Ngoài ra, chuyên gia này cho biết, EVN còn được nhà nước cho phép tính lãi định mức, một phần để tái đầu tư, một phần dành cho các công tác phúc lợi của ngành điện. Mặt khác, điện là ngành sản xuất ra bao nhiêu được tiêu thụ hết bấy nhiêu, không tốn chi phí đóng gói, bao bì, truyền thông... “Như vậy, chỉ với giá bình quân, doanh nghiệp chắc chắn đã có lãi”, TS Ngô Đức Lâm phân tích.
Các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 201 kWh/tháng trở lên (khoảng 6,7 triệu hộ) sẽ được lợi, số tiền điện phải trả giảm từ 8.000-330.000 đồng/hộ/tháng.
Đánh giá về phương án đề xuất, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cũng từng khẳng định có thể làm doanh thu của EVN giảm, bởi những người sử dụng điện ở bậc thang cao sẽ chuyển sang phương án một giá vì có lợi hơn. Mặc dù vậy, ông khẳng định dù phương án nào thì giá bán thu được phải đảm bảo bằng giá bán điện bình quân của toàn hệ thống.
Tuy nhiên, theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN, nếu duy trì phương án điện một giá có thể khiến những người dùng nhiều điện lựa chọn, không đảm bảo mục tiêu tiết kiệm điện. Vì vậy, ông đề nghị với mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.864,44 đồng/kWh như hiện nay thì điện một giá phải ở mức trên 2.000 - 2.200 đồng/kWh để khuyến khích tiêu dùng điện hợp lý, ngành điện có nguồn cho tái đầu tư.
Nhà giàu hay dân nghèo được lợi khi áp dụng điện một giá?
Ông Trần Viết Ngãi cho rằng việc tính đồng giá cũng tạo ra không ít tác động tới các hộ dùng điện. Chẳng hạn, những gia đình dùng ít điện, trung bình dưới 200kWh sẽ tăng tiền điện nhưng những gia đình dùng từ 400kWh trở lên, số tiền phải trả hàng tháng lại giảm. Trong khi những hộ dùng dưới 200kWh thường là các hộ nghèo, thu nhập thấp và lâu nay họ vẫn được Nhà nước "trợ giá".
Theo ông Bùi Xuân Hồi (Đại học Bách Khoa Hà Nội) nếu áp dụng điện một giá, khoảng 70% số hộ dùng điện sẽ phải trả chi phí cao hơn nếu chọn phương án này. “Phương án đồng giá điện có ưu điểm về cách thức tính toán, nhưng nhược điểm trong thực thi khi người nghèo lại "bù chéo" cho người giàu". Về phía lợi ích người dùng, theo chuyên gia này, thực tế biểu giá điện luỹ tiến theo bậc thang không lỗi thời và người dùng ít điện sẽ được lợi về giá”, ông Hồi nhận định.
Không phải tất cả người tiêu dùng sử dụng phương án một giá, mà chỉ số ít người sử dụng nhiều điện sẽ lựa chọn phương án này (Ảnh minh họa).
Phân tích tác động của phương án giá này, trong đề xuất đưa ra trước đây, Bộ Công Thương tính toán, nếu áp dụng điện một giá, các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 201 kWh/tháng trở lên (khoảng 6,7 triệu hộ) sẽ được lợi, số tiền điện phải trả giảm từ 8.000-330.000 đồng/hộ/tháng.
Trong khi đó, hộ sử dụng từ 0-200 kWh/tháng (khoảng 18,6 triệu hộ) tiền điện trả tăng từ 17.000-36.000 đồng/hộ/tháng. Số tiền ngân sách hỗ trợ hộ nghèo và hộ chính sách xã hội cũng tăng lên do giá điện của bậc 1 phải điều chỉnh tăng.
"Đưa ra mức giá nào thì cũng phải đảm bảo cả người dân và Nhà nước cùng hưởng lợi, ngành điện không được lỗ. Nếu mức giá thấp quá thì ngành điện không đảm bảo chi phí sản xuất kinh doanh, trong khi người sử dụng nhiều điện (nhà giàu) lại được lợi và không đảm bảo được mục tiêu sử dụng tiết kiệm năng lượng”, ông Trần Viết Ngãi nhận định.
Nguồn: [Link nguồn]
Giai đoạn nắng nóng vừa rồi là thời điểm người dân có rất nhiều khiếu nại về tình trạng chịu mức giá điện cao,...