Dịch tả heo châu Phi rình rập: Nhiều hộ chăn nuôi bán tháo đàn “chạy dịch”

Những ngày gần đây, nhiều hộ chăn nuôi lợn số lượng lớn tại Hà Nam xuất hiện lợn bỏ ăn, lợn sốt không rõ nguyên nhân. Để tránh thiệt hại và lây lan diện rộng, nhiều hộ chăn nuôi chấp nhận bán tháo đàn giá rẻ để “chạy dịch”.

Tính từ tháng 10 đến nay, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Tại Đắk Lắk, có 42/184 xã/phường ở 15 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh có lợn bị dịch. Tại miền Bắc, ổ dịch cũng xuất hiện ở nhiều địa phương chăn nuôi số lượng lớn trên địa bàn tỉnh Hà Nam, như huyện Lý Nhân, huyện Bình Lục,... Để tránh thiệt hại và lây lan diện rộng, nhiều hộ chăn nuôi bán tháo đàn “chạy dịch” khi thấy lợn có dấu hiệu biếng ăn.

Nhiều hộ chăn nuôi phải bán tháo đàn vì xuất hiện lợn bệnh chưa rõ nguyên nhân

Nhiều hộ chăn nuôi phải bán tháo đàn vì xuất hiện lợn bệnh chưa rõ nguyên nhân

Chị Đào Thị L., một hộ chăn nuôi tại xã Nhân Chính (Lý Nhân, Hà Nam) cho biết, gia đình chị vừa phải gọi thợ để bán một lợn mẹ đang cho con bú và đàn lợn thịt dù chưa đến lứa vì lợn có dấu hiệu sốt, bỏ ăn không rõ nguyên nhân.   

“Ở địa phương thời gian gần đây xuất hiện một số ổ dịch tả heo châu Phi. Ngoài ra, cũng đang thời điểm giao mùa nên có nhiều bệnh dịch thông thường khác.

Tuần trước, gia đình tôi phải bán chạy 1 lợn sề đang nuôi con và đàn lợn thịt 20 con dù chưa đến lứa. Lợn bán chạy dịch nên giá cân tại chuồng chỉ từ 40 – 45.000 đồng/kg. Rẻ cũng chấp nhận bán, nếu giữ nuôi lỡ lây bệnh chết cả đàn thì coi như mất trắng” – chị L. nói thêm.

Chị Nguyễn Thị H., một hộ chăn nuôi quy mô lớn tại xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam - một trong những "thủ phủ" chăn nuôi lợn lớn nhất miền Bắc cũng cho hay, thông thường cuối năm giá lợn hơi có chiều hướng tăng lên nhưng chị chưa kịp mừng đã vội lo phòng dịch tả lợn châu Phi tái phát.

Chỉ hai ngày trước, chị H. đã phải bỏ đi con lợn hơn 1 tạ vì bị nhiễm bệnh. Dù chưa rõ nguyên nhân nhưng chị H. tỏ ra vô cùng lo lắng vì thấy một số hộ gia đình khác trong xã cũng đã bắt đầu phát hiện lợn ốm, lợn chết. 

"Trong chuồng nhà tôi hiện giờ có mấy trăm con lợn, giá trị lên đến vài tỷ đồng. Giá lợn hơi những phiên gần đây có cải thiện, song dịch tả lợn châu Phi vẫn đang rình rập nên chúng tôi lo lắm", chị H. chia sẻ.

Người chăn nuôi lo lắng dịch tả heo châu Phi rình rập ở địa phương

Người chăn nuôi lo lắng dịch tả heo châu Phi rình rập ở địa phương

Theo lời kể của gia đình anh Phạm Bá T. - một chủ trang trại nuôi lợn lớn ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, giá nhập lợn giống vào chuồng đã hơn 80.000 đồng/kg, nhưng mấy tháng vừa qua giá lợn hơi liên tục lao dốc, có thời điểm chỉ nhỉnh hơn 60.000 đồng/kg khiến các hộ chăn nuôi thua lỗ nặng. Nay giá bắt đầu có dấu hiệu nhích dần lên, hiện tiến sát mốc 67.000 đồng/kg lợn hơi cân tại chuồng, lẽ ra người chăn nuôi phấn khởi, nhưng thực tế lại không như vậy bởi đang xuất hiện nguy cơ tái phát dịch tả lợn châu Phi.

"Chúng tôi sợ dịch tả lợn hơn sợ rủi ro về giá lợn hơi rất nhiều. Khi dịch bệnh xuất hiện thì nguy cơ lợn chết hàng loạt, chúng tôi lại trắng tay", anh T. bày tỏ lo lắng.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Thế Trọng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam cho biết, tại huyện Bình Lục đã xuất hiện lợn ốm, lợn chết ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, cơ quan chức năng vẫn đang tìm nguyên nhân, chưa kết luận là do dịch tả lợn châu Phi. Nhưng ở huyện Lý Nhân - huyện giáp ranh với Bình Lục - đã có mấy xã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, ông Trọng thông tin.

Trạm kiểm dịch xã Phú Phúc (Lý Nhân, hà Nam) sau khi phát hiện những ổ dịch heo châu Phi tại địa phương

Trạm kiểm dịch xã Phú Phúc (Lý Nhân, hà Nam) sau khi phát hiện những ổ dịch heo châu Phi tại địa phương

Tại Hà Nam, tính đến ngày 5/10, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 7 hộ chăn nuôi, tại 5 thôn tại xã Phú Phúc (Lý Nhân) với tổng số 39 con lợn mắc bệnh (ốm, chết) phải tiêu hủy. Các xã khác trên địa bàn cũng xuất hiện tình trạng lợn ốm, lợn sốt nhưng chưa rõ nguyên nhân.

Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, tính đến 3/11/2020 dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 42/184 xã/phường ở tất cả 15 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh Đắk Lắk; trong đó có 4 xã phát sinh mới, 38 xã tái phát lại. 

Riêng trong tháng 10/2020, dịch bệnh đã phát sinh thêm 40 hộ tại 8 xã/phường. Tổng số heo mắc bệnh, chết buộc tiêu hủy là 1.441 con (heo giống: 142 con, heo thịt và con: 1.299 con). Tổng số khối lượng tiêu hủy 66.320,5kg

Giá heo hơi hôm nay (10/11) thị trường duy trì đi ngang tại cả 3 miền. Tại khu vực miền Bắc, thị trường heo hơi tiếp tục giao dịch quanh mốc 66.000 - 68.000 đồng/kg. Với mức giá này, các tỉnh phía Bắc hiện vẫn là khu vực có mức giao dịch heo hơi thấp nhất cả nước. 

Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá thu mua heo hơi điều chỉnh tăng nhẹ, dao động trong khoảng 68.000 - 74.000 đồng/kg. 

Thị trường heo hơi miền Nam ghi nhận mức điều chỉnh từ 1.000 - 2.000 đồng/kg trong hôm nay, thị trường giao dịch trong khoảng 72.000 - 77.000 đồng/kg. 

Chỉ muốn trồng để trang trí, cô gái bất ngờ khi loại cây này lại “đẻ” ra tiền

Chỉ trồng cây này để phục vụ đam mê, cô gái không ngờ điều đó lại giúp bản thân có thêm thu nhập hàng tháng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])
Biến động giá thịt lợn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN