Đi tìm “lộc rừng” vào mùa mưa, người dân vùng núi kiếm tiền triệu mỗi ngày
Dẫu nắng hay mưa, những tấm lưng nhỏ nhắn vẫn cần mẫn đeo chiếc gùi to, chân đi thoăn thoắt không biết mỏi ngược lên cánh rừng xanh thăm thẳm để kiếm “lộc rừng”.
Bắt đầu vào tháng 6, khi cơn mưa hạ trút xuống cũng là lúc măng nứa vào mùa. Măng nứa một loại thuộc họ tre, mọc ở các cánh rừng hoặc khe suối nơi đất ẩm. Không biết tự bao giờ măng nứa đã không còn là thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày mà nó còn trở thành một đặc sản được người tiêu dùng ưa chuộng.
Hơn 1 tháng qua, sau khi đã xong xuôi công việc đồng áng, gia đình chị Trần Thị Trang (SN 1998) cùng nhiều hộ dân trong xã Đông Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ lại cùng nhau vào rừng tìm hái măng nứa về bán kiếm thêm thu nhập
Đến mùa măng, người dân miền núi lại rủ nhau vào rừng kiếm măng.
Chị Trang cho biết, người dân quê chị gọi cây măng là “lộc rừng”. Vì vậy, cứ đến mùa măng nứa, hầu hết chị em trong vùng lại rủ nhau lên rừng hái măng. Hành trang trong mỗi chuyến đi rừng kiếm măng là khăn mũ, ủng, găng tay và bộ quần áo dài tay chống muỗi…
Theo chị Trang, cây nứa mọc khắp núi rừng cùng họ với tre, nhưng thân nứa không cao to. Ngọn măng nứa nhỏ, tuy nhiên, loại măng này ăn lại rất ngon, giòn, ngọt thanh.
Để đến được nơi hái măng mọi người phải đi bộ từ 4 giờ sáng, băng rừng khoảng 30 phút đến 1 giờ giờ đồng hồ mới tới nơi. Trung bình, mỗi ngày hái được khoảng 30-50kg măng tươi. Bán với giá từ 12-15 nghìn đồng/kg, mỗi chuyến cũng kiếm được khoảng 400-500 nghìn đồng.
Măng được lột hết lớp vỏ ngoài cho đỡ nặng.
“Măng cắt xong lột hết lớp bao cứng lấy phần thân non bên trong đem về rửa sạch luộc chín, cây măng từ trắng nõn chuyển sang màu trắng ngà hoặc màu vàng, đẹp mắt. Luộc măng có màu đẹp hay không cũng là yếu tố quyết định bán được giá cao hay thấp”, chị Trang chia sẻ.
Mùa măng nứa kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm. Dẫu nắng hay mưa, những tấm lưng nhỏ nhắn vẫn cần mẫn đeo chiếc gùi to, chân đi thoăn thoắt không biết mỏi ngược lên cánh rừng xanh thăm thẳm để kiếm những lộc non.
Vì vụ măng chỉ kéo dài vài tháng nên từ lúc cây măng mới đội đất vươn mầm đến lúc cây cao vượt tầm tay với, bà con tranh thủ lấy từ rừng về, hoặc là bán măng tươi cho thương lái hoặc lột vỏ, luộc chín, rồi phơi khô.
Măng tươi đi kiếm về được luộc chín để bán hoặc để phơi.
Cuộc sống ở vùng núi, già trẻ, gái trai đều mưu sinh nhờ rừng nên cứ mùa măng đến, chỉ cần ai có sức khỏe là vào rừng lấy măng. Không chỉ cần sức khỏe, thông thạo địa hình, để lấy được măng còn rất cần đến sự cần mẫn, dẻo dai và đôi bàn tay khéo léo.
Trung bình một ngày luồn rừng, vượt núi từ sáng sớm đến lúc chiều muộn, một người cũng kiếm được 30- 50kg măng tươi. Có gia đình 3-4 thành viên cùng đi kiếm măng, một ngày có thể thu về cả tạ măng tươi, mang về nguồn thu nhập khá với đồng bào vùng cao.
Không chỉ chị Trang mà nhiều hộ gia đình khác cũng rủ nhau lên núi kiếm măng để tăng thu nhập lúc nông nhàn.
Nhưng để có được những đồng tiền đó, người dân không những phải đi xa mà còn phải trải qua nhiều nỗi vất vả khác.
Những người đi lấy măng miệt mài giữa lau lách, núi rừng. Dẫu đôi chân đã mỏi và thấm mệt nhưng ai cũng cố gắng kiếm được thật nhiều măng để về nhà kịp luộc măng khi trước khi trời mưa hoặc về chiều tối.
Chị Trần Thị Trang chia sẻ thêm: “Mỗi chuyến vào rừng hái măng, nhiều khi gặp mưa trơn trượt, bụi gai, gốc nứa cứa làm chân tay bị cào xước, chảy máu. Càng vào rừng sâu, ẩm ướt nên vắt nhiều, bám vào chân người hút máu. Thồ nặng nên hôm nào đi kiếm măng về đến nhà thì người cũng mệt rã rời”.
Với người dân trong vùng, mùa măng mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình nên dù công việc có vất vả nhưng vẫn luôn cố gắng.
Măng được khía nhỏ rồi mang phơi làm măng nứa khô.
Để có được sản phẩm măng nứa ngon và bảo quản được lâu, sau khi lấy măng từ rừng về, người dân phải cắt bỏ những đoạn măng già và luộc thật kỹ, bổ măng ra, khía nhỏ rồi đem phơi dưới nắng to. Khoảng 3 ngày măng sẽ khô giòn. Trung bình, cứ 20kg măng tươi, sau khi luộc và phơi khô sẽ được 1kg măng khô.
Nhận thấy nơi đây là vùng có nhiều măng ngon và dễ làm nên anh Trịnh Hoài Nam, trú tại Vụ Cầu, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) đã đến mua măng tươi và thuê người dân phơi măng theo đúng yêu cầu, tiêu chuẩn về mẫu mã, chất lượng anh đưa ra.
Sau mỗi đợt măng phơi khô anh thực hiện quy trình đóng gói và dán tem mác, bao bì sản phẩm, bán ra thị trường với giá 350.000 đồng/kg.
Măng nứa khô được phơi trên phên nứa có màu vàng óng, ăn ngon và thơm đặc biệt.
Anh cho biết, sản phẩm măng nứa khô ngon và hợp khẩu vị với nhiều người nên số măng anh cung cấp ra thị trường không đủ bán. Ước tính vụ măng nứa năm nay anh thu mua khoảng 1 tấn măng khô của bà con.
“Măng ở Đông Cửu nổi tiếng thơm ngon, lại thấy người dân khó khăn, vất vả nên tôi quyết định đến thu mua măng với giá cao hơn thị trường và đặt địa điểm phơi ngay tại nhà dân với tiêu chuẩn khắt khe, nhằm cung cấp ra thị trường sản phẩm đẹp về mẫu mã và đảm bảo an toàn cho sức khỏe cho người tiêu dùng”, anh Nam chia sẻ.
Trước đây, khi cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, măng nứa là món ăn không thể thiếu trong bữa cơm hằng ngày. Vị măng thơm ngon, giòn, có thể chế biến thành các món ăn đa dạng như luộc chấm mắm ớt, xào, canh măng khô ninh xương, canh măng chua nấu cá, gà...
Hiện nay, măng nứa đã trở thành đặc sản có giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập thời vụ cho người dân miền núi mỗi khi vào mùa.
Nguồn: [Link nguồn]
Để kích cầu mua sắm, các siêu thị điện máy đồng loạt giảm giá các loại máy giặt. Trong đó có nhiều mã giảm chỉ...