Đi chợ thấy thịt, bún, giò chả có dấu hiệu này, “quay xe” ngay lập tức nếu không muốn ăn phải hàn the
Giò chả, bún, thịt là 3 thực phẩm có nguy cơ trộn hàn the nhằm giữ độ tươi ngon trong thời gian dài. Người tiêu dùng cần tỉnh táo phân biệt, tránh gây hại sức khỏe.
Tác hại của hàn the đối với sức khỏe
Hàn the (băng sa, bồng sa, nguyên thạch) có tên theo khoa học là Natri borat (Natri tetra borat hoặc borax). Ở thể rắn, hàn the màu trắng, mềm dễ dàng hòa tan trong nước.
Hàn the có độc tính khá lớn đối với cơ thể. Hàn the có thể gây ngộ độc cấp tính làm cho người sử dụng với liểu lượng thấp. Liều từ 5gam trở lên đã gây ngộ độc cấp tính và có thể dẫn đến tử vong.
Hàn the có thể gây ngộ độc mạn tính, ảnh hưởng đến gan, thận, biếng ăn, suy nhược cơ thể. Khi ăn thực phẩm có chứa hàn the vào cơ thể thì hàn the khó bị đào thải mà tích tụ ở gan, đến khi lượng tích lũy trong cơ thể đủ lớn sẽ gây ra các bệnh mãn tính.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ngộ độc hàn the gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Bệnh nhân ngộ độc hàn the cấp tính có biểu hiện buồn nôn, nôn, tiêu chảy, xuất huyết đường tiêu hóa; hệ thần kinh: đau đầu, hôn mê, co giật; hệ tim mạch: mạch đập nhanh, trường hợp nặng sẽ tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, sốc; da niêm mạc: xuất hiện ban đỏ trên da, có thể có ở lòng bàn tay, mông, miệng, họng đỏ. Ngoài ra còn có các biểu hiện khác như mất nước, suy thận cấp, tăng hoặc hạ thân nhiệt, tổn thương thần kinh, suy thận có thể xuất hiện sau nhiều ngày.
Đối với ngộ độc mạn tính: hệ tiêu hóa mất cảm giác ăn ngon, giảm cân; Da niêm mạc mẩn đỏ, tróc da, đặc biệt ở mông, lòng bàn tay, bàn chân; ngoài ra còn có biểu hiện da xanh xao, rụng tóc, suy nhược không phục hồi được.
Dấu hiệu thực phẩm chứa hàn the
Hàn the là một chất tạo kết cấu, có tính chất sát khuẩn nhẹ, hạn chế quá trình lên men, chống nấm mốc, tăng độ dẻo dai cho một số sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc từ thịt, cá,...
Tuy nhiên do hàn the có độc tính khá lớn đối với cơ thể nên Ủy ban Codex Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đều không cho phép hàn the có trong danh mục chất phụ gia được phép sử dụng trong quá trình chế biến thực phẩm.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, một số doanh nghiệp, tiểu thương đã lạm dụng hàn the để phối trộn trái phép vào các sản phẩm thực phẩm như giò, chả, bún, bánh phở,… để làm cho sản phẩm trở nên dai hơn và kéo dài thời gian bảo quản.
Để đảm bảo sức khỏe cho gia đình, người tiêu dùng cần biết cách nhận biết thực phẩm chứa hàn the. Đại diện một công ty chuyên sản xuất và cung cấp phụ gia thực phẩm đã tiết lộ một số phương pháp đơn giản để nhận biết thực phẩm chứa hàn the.
Đầu tiên, bạn dựa vào đặc điểm thực phẩm, quan sát kỹ màu sắc, mùi vị và kết cấu thực phẩm để nhận biết.
Thịt lợn nếu chứa hàn the sẽ có vẻ ngoài tươi ngon bất thường, thớ thịt săn nhưng khô, bên trong nhũn, có dịch, độ đàn hồi kém. Khi luộc, nước thịt sẽ đục, có mùi hôi thay vì thơm ngọt tự nhiên.
Giò, chả có hàn the thường có bề mặt không có lỗ nhỏ, màu sắc không tự nhiên (trắng hoặc hồng đậm hơn bình thường). Giò lụa ngon sẽ có bề mặt hơi sần sùi, có lỗ nhỏ, có màu sắc tự nhiên của thịt.
Giò lụa ngon sẽ có bề mặt hơi sần sùi, có lỗ nhỏ, có màu sắc tự nhiên.
Về mùi hương, mùi giò ngon chỉ thoang thoảng, quyện với hương của lá gói. Nếu cắt miếng giò, thấy thơm lừng mùi giò, thì nên thận trọng, có thể chúng đã được tẩm hương thịt.
Giò ngon, khi cắn, miếng không bị bở. Hương vị đặc trưng của giò còn ở cuống họng, sau khi nuốt. Giò khi ăn sẽ có vị thơm ngọt, giòn, mềm, không có cảm giác khô rắn, không bị bã.
Đối với bún, một số nhà sản xuất cho hàn the vào bún để sợi bún mềm, dai, không bị khô cứng, khó thiu. Vì vậy, có thể nhận biệt qua quan sát, cảm nhận.
Bún không chứa hàn the sợi hơi nát, dễ đứt gãy và chạm vào có cảm giác hơi dính, nhuyễn, mua về để hơi lâu hoặc qua ngày sẽ bị chua và ôi thiu. Vì vậy, cần cảnh giác với những loại bún để 2-3 ngày chưa ôi thiu, khi nhai trong miệng không có mùi vị.
Ngoài việc phân biệt thực phẩm chứa hàn the bằng mắt thường, bạn cũng có thể sử dụng giấy nghệ. Do hàn the có tính kiềm nên khi tiếp xúc với giấy nghệ sẽ làm giấy đổi màu từ vàng sang đỏ.
Các bà nội trợ có thể mua giấy nghệ được bán sẵn trên thị trường hoặc tự làm giấy nghệ để thử tại nhà. Để làm giấy nghệ, bạn xay nhuyễn nghệ tươi, ngâm trong cồn 2-3 giờ, lọc lấy nước. Sau đó ngâm giấy lọc trong dung dịch nghệ, hong khô. Đảm bảo giấy nghệ có màu vàng đều, không quá nhạt hoặc quá đậm để tăng độ chính xác khi kiểm tra.
Cuối cùng, đem giấy nghệ thử lên sản phẩm thử (thịt lợn, giò, chả…). Ấn giấy nghệ vào bề mặt của sản phẩm (nếu mặt sản phẩm khô, có thể làm ướt giấy nghệ bằng dung dịch acid loãng trước khi thử), sau một vài phút, nếu thấy giấy nghệ chuyển từ màu vàng sang đỏ, chứng tỏ sản phẩm đã có hàn the.
Chất vàng ô có khả năng gây ung thư cao, không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm vì có hại cho sức khỏe con người.
Nguồn: [Link nguồn]
-19/02/2025 14:51 PM (GMT+7)