Dấu hiệu nông sản, thực phẩm “ngậm” chất vàng ô gây ung thư, bà nội trợ nào cũng nên biết

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Chất vàng ô có khả năng gây ung thư cao, không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm vì có hại cho sức khỏe con người.

Tác hại của chất vàng ô đối với cơ thể

Những ngày gần đây, người tiêu dùng hoang mang trước thông tin sầu riêng xuất khẩu Trung Quốc phải “quay đầu” vì không có giấy chứng nhận kiểm định chất vàng ô.

Chất vàng ô không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm vì có hại cho sức khỏe con người.

Chất vàng ô không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm vì có hại cho sức khỏe con người.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Lan, trưởng Phòng Quản lý tiêu chuẩn và kiểm nghiệm (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế), trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng tại Việt Nam không có chất vàng ô.

Trong nông nghiệp, khi cho thêm chất vàng ô vào thức ăn gia cầm hoặc nhuộm vàng các loại thực phẩm khác thì sẽ có tác dụng như một loại chất nhuộm màu gián tiếp cho sản phẩm, người sử dụng thực phẩm có thể bị ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng.

Thông tin từ Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Bình Thuận, chất vàng ô có tên hoá học là Auramine O, còn được gọi là chất cơ bản vàng 2 - một loại thuốc nhuộm diarylmethane.

Chất vàng ô được dùng trong nhuộm vải, giấy, quét tường. Không có khuyến cáo hay được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm.

Chất vàng ô độc hại đến mức tổ chức Ung thư thế giới IARC đã xếp chất này vào hàng gây ung thư nhóm 3, tức là khả năng gây ung thư cao.

Người tiếp xúc với chất vàng ô có thể có những triệu chứng như nôn, tiêu chảy, tổn thương gan và thận. Đặc biệt với trẻ nhỏ, nếu hấp thụ nhiều chất này có thể bị các chứng kích thích, hiếu động thái quá, lơ đãng, thiếu tập trung.

Ngoài ra, chất này còn kích thích gây ra viêm và phù nề tại chỗ, đặc biệt là tại niêm mạc, màng nhầy. Da, miệng, mũi, mắt là những nơi thường bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Cách nhận biết măng, gà... có chất vàng ô

Đánh trúng tâm lý của người tiêu dùng là có thói quen thích những loại thực phẩm có màu vàng bắt mắt, một số người bán, người sản xuất sử dụng chất vàng ô để tạo màu bất chấp sức khỏe người tiêu dùng.

Nhiều năm trước, cơ quan chức năng đã phát hiện một số cơ sở có sử dụng chất vàng ô trộn vào thức ăn chăn nuôi cho gà trong thời gian vỗ béo, hoặc hòa loãng để ngâm vào các thùng măng, làm cho thịt gà và măng có màu sắc bắt mắt hơn.

Theo chuyên gia bảo vệ thực vật, đối với sầu riêng, chất vàng ô thường được sử dụng để có mẫu mã đẹp, bắt mắt.

Đối với măng, măng tươi không có hóa chất thường có màu trắng đục hoặc hơi vàng nhạt, ngâm trong nước qua đêm sẽ hơi thâm, miếng măng mềm, không có độ giòn và bóng. Ngược lại, măng ngâm tẩm chất vàng ô có màu vàng rất nổi bật, khi ngâm vào nước, nước sẽ ngả màu vàng.

Vỏ măng tươi tự nhiên xù xì, ít bóng, màu lệch từng phần. Măng ngâm vàng ô có độ bóng cao, vỏ đều màu.

Măng tươi tự nhiên khá dai, khó bẻ gãy. Măng ngâm vàng ô thường rất giòn, dễ gãy đứt đoạn.

Măng tươi tự nhiên có mùi thơm nhẹ, nước măng luộc có vị hơi chua. Măng ngâm vàng ô có mùi hắc, mất mùi măng và không có vị chua.

Đối với dưa cải muối, nên lựa chọn dưa cải muối có đặc điểm màu xanh - vàng (nhiều xanh hơn). Dưa cải muối sạch có đặc tính vài tuần là hỏng, có mùi chua tự nhiên rõ rệt. Không nên chọn loại dưa phần cuống dày bên ngoài vàng mà trong xanh.

Không nên mua măng, gà, dưa cải... có màu vàng bất thường.

Không nên mua măng, gà, dưa cải... có màu vàng bất thường.

Đối với gia cầm, khi trộn vàng ô vào thức ăn khiến lòng, da gà có màu vàng tươi, đậm hơn so với gà bình thường.

Trong khi đó, thịt gà bình thường có màu da trắng hồng, hoặc gà thả vườn, gà ta có màu vàng chanh rất nhạt. Vì vậy không nên mua những con gà đã làm sẵn có màu vàng bất thường.

Có một cách rất dễ để người tiêu dùng phân biệt gà, ngan, vịt nhuộm màu độc hại là da của gia cầm có màu vàng óng đẹp và đều nhưng phần mỡ lại trắng, do bên trong của những con gia cầm này không bị chuyển màu.

Hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm tập thể gây hậu quả nghiêm trọng thời gian qua khiến cộng đồng bất an. Điều tra của phóng viên Tiền Phong về những mánh khóe “lên đời” thực phẩm nhằm bóc tách một phần mảng tối của tảng băng chìm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vân Anh ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN