Dân “phá sản” trong mùa nước nổi, cả ngày chỉ kiếm được vài chục nghìn
Nhiều người dân bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua lưới đánh bắt vào mùa nước nổi nhưng mỗi đêm họ chỉ thu về một ít cá, bán chỉ được mấy chục nghìn đồng.
Tờ mờ sáng, trên cánh đồng nước nổi của huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), người dân lại đem đèn đi kiếm cá giữa đồng. Ông Đìa (50 tuổi, ngụ huyện Hồng Ngự) cho biết từ hôm trước hoặc nhiều ngày hôm trước, lúc con nước nổi mới về, nhiều người đem lưới, lợp, dớn đem ra đồng sắp đặt sẵn để bắt cá.
Chừng khoảng 2h sáng, từng cặp vợ chồng ngư dân lại bơi thuyền ra đồng để thu thành quả. Công việc này của họ sẽ phải xong trước 5h sáng để kịp đưa những con cá, con tôm đánh bắt được ra chợ bán.
Năm nay, ông đã bỏ ra 20 triệu đồng tiền vốn đề mua dớn nhưng nước lại về muộn và ít nên ông gần như “phá sản” vì kiếm không đủ tiền vốn. Vợ chồng ông Đìa không có ruộng, mùa nước cạn đi làm mướn. Mỗi năm có 2 tháng nước nổi, 2 vợ chồng ông mua dớn về đánh cá nhưng năm nay thu không được nhiều, ông chỉ hy vọng sang năm có thể kiếm đủ tiền vốn mua dớn.
Khoảng 2-3h sáng, các hộ dân lại đi ra cánh đồng để kiếm cá.
Ông cho biết vợ chồng ông phải bơi thuyền cả chục km đến khu vực cánh đồng giáp biên giới để đặt chục chiếc dớn, mất cả vài tiếng đồng hồ, nhưng hôm nay thu về, ông không được nổi 10kg cá linh con loại để ủ mắm. “Nếu có bán hết chắc được khoảng 70.000 đồng”, ông chia sẻ.
Cũng chung cảnh ngộ, vợ chồng ông Thanh lắc đầu khi nhấc những chiếc dớn đã đặt sẵn ở khu vực cánh đồng gần biên giới. Vợ chồng ông đặt tận 30 cái dớn với hy vọng đánh bắt được nhiều cá. Nhưng khi thu về, vợ chồng ông cân lên thì được 2kg cua, 3 kg cá chốt, 3 kg cá linh, chục cân cá tạp.
“Hôm nay thu nhập còn khá đấy, bán hết cũng chừng được 400 nghìn đồng. Những ngày trước, có ngày thu chỉ được vài chục nghìn đồng tiền bán cá, có hôm khá hơn cũng được khoảng 200.000 đồng”, ông Thanh chia sẻ.
Năm nay mùa nước nổi về muộn và thấp, cá đánh bắt được rất ít.
Dù không thu nhiều cá như những năm trước nhưng ông Thanh cho rằng thu nhập vẫn cao hơn đi làm thuê làm mướn nhiều. Thời điểm này, nước mới về được mấy ngày nhưng bằng kinh nghiệm của mình, ông Thanh dự đoán chỉ mấy ngày nữa nước sẽ rút. “Năm nay người dân đánh cá như chúng tôi thất thu vì nước năm nay về muộn và thấp quá. Khi đồng khô, vợ chồng tôi lại đi dỡ dớn và làm mướn”, ông tâm sự.
Anh Dương (35 tuổi) thì nhớ lại ngày trước khi nước về ngập nhiều, anh chỉ cần ra sau nhà, lấy vợt xúc xuống nước cũng có cá tôm ăn thoải mái. “Mấy năm trở lại đây, nước về ít lắm, có lên cũng chỉ lấp xấp mặt ruộng. Tôi mà muốn ăn cá đều phải ra chợ mua”, anh nói.
Có ngày, họ chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng tiền bán cá.
Theo thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, đỉnh lũ ở đầu nguồn sông Tiền trong tháng 8 năm nay thấp hơn cùng kỳ năm ngoái và trung bình các năm trước khoảng 20-40cm. Nước lũ xả vào khiến mặt ruộng ngập sâu khoảng nửa mét.
Còn theo thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, trong nửa đầu tháng 9, đỉnh lũ ở đầu nguồn sông Tiền thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 0,7m, thấp hơn trung bình các năm trước khoảng 1,4m. Ở đầu nguồn sông Hậu, đỉnh lũ trong nửa đầu tháng 9 thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 0,6m, thấp hơn trung bình các năm trước khoảng 1m.
Trên thị trường, người tiêu dùng sẽ thấy đươc rất nhiều bài đăng bán hạt điều với mức giá chỉ 79.000 đồng/kg.
Nguồn: [Link nguồn]