Dân nuôi vịt kêu trời vì mỗi ngày mở mắt ra là lỗ 1,5 triệu đồng
“Với số lượng là 1,8 nghìn con vịt đẻ, mỗi ngày mở mắt ra gia đình là mất 1,5 triệu đồng”.
Nuôi vịt đẻ gần 20 năm nay, ông Kiên, trú tại xã Cương Chính (Tiên Lữ, Hưng Yên) cho biết từ ra Tết đến nay chật vật bởi con vịt, có khả năng trong tương lai ông sẽ bỏ nghề nuôi vịt.
“Từ cuối năm ngoái đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt. Chỉ tính từ đầu tháng 12/2020 đến nay, thức ăn chăn nuôi tăng gần 100.000 đồng/40kg, đó là từ 298.000 đồng tăng lên 370.000 đồng/bao 40kg ở thời điểm hiện tại”, ông nói.
Trong khi đó, giá trứng vịt khá thấp, chỉ dao động khoảng 2.000 đồng/quả. Nếu đàn vịt của gia đình nào số lượng vịt đẻ đạt trên 80% tổng đàn may thì hòa vốn, còn thấp hơn sẽ lỗ.
“Thời tiết thất thường khiến đàn vịt bị bệnh, nhiều con bị chết, một số khác phải tách ra cho uống thuốc nên không thể đẻ trứng tiếp được. Điều này khiến tỉ lệ vịt đẻ trứng của nhà tôi chỉ đạt hơn 60%.
Nhiều hộ gia đinh chăn nuôi lao đao vì giá thức ăn chăn nuôi tăng.
Gia đình tôi lâm vào cảnh bán không được mà giữ cũng không xong, bởi bán thì giá vịt thịt chỉ có khoảng 42.000 đồng/con, trước đó mua lại là hơn trăm nghìn/con. Mà giữ lại thì ngày nào cũng mất khoảng 1,5 triệu đồng, lỗ tiền thức ăn chăn nuôi”, ông nói.
Sau thời gian cầm cự, mới đây, ông buộc phải bán hơn 500 con vịt đẻ với giá 42.000 đồng/con. Ông cho biết nếu giá cám cứ tăng, giá trứng vẫn giữ nguyên và đàn vịt nhà ông không tăng tỷ lệ đẻ thì ông sẽ bán hết số còn lại.
Gia đình nhà ông Hải, trú tại Tiên Lữ, Hưng Yên cũng không khá hơn là bao, trừ tiền thức ăn chăn nuôi, ông cũng phải bù lỗ đến hơn 200.000 đồng mỗi ngày.
“Nhà tôi nuôi hơn 1000 con vịt đẻ, mỗi ngày tiêu thụ hết khoảng 170kg thức ăn. Nếu cho ăn thấp hơn, vịt sẽ không đẻ được. Còn cho ăn mức này, công sức tôi bỏ ra chăm sóc chúng không có, lại còn lỗ thêm”, ông Hải cho hay.
Ông cho biết nếu giá trứng vẫn giữ mức chỉ 2.000 đồng/quả và giá thức ăn chăn nuôi không thấp thì gia đình ông cũng sẽ bán hết vịt đi để tránh lỗ thêm nữa.
Nhiều hộ nuôi chờ giá vịt tăng cao sẽ bán hết đi.
Không chỉ ở đây, nhiều hộ chăn nuôi gà, lợn tại các địa phương trên cả nước cũng lao đao bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Cụ thể, ngay đầu tháng 3, các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đã đồng loạt tăng 300 - 800 đồng/kg. Đây là đợt tăng giá mới nhất và cao nhất từ trước đến nay của mặt hàng này và là tháng thứ 5 liên tiếp các công ty thông báo tăng giá tới khách hàng.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, theo ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi tăng cao, còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Ông cho biết mỗi năm ngành nông nghiệp nước ta chỉ cung cấp được khoảng 4 triệu tấn cám, 4 triệu tấn sắn làm nguyên liệu sản xuất thức ăn, trong khi đó nhu cầu thực tế cần tới 27 triệu tấn các loại.
Ngoài ra, một số nguyên liệu chính như đậu tương và lúa mì lại không phải cây trồng thế mạnh của nước ta. Việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu tác động rất lớn đến giá thành của thức ăn chăn nuôi trong bối cảnh các nước xuất khẩu gặp khó khăn như mất mùa hoặc dịch bệnh.
Ông Dương cho rằng để chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi, các địa phương cần hướng dẫn người chăn nuôi phát triển chế biến mô hình thức ăn chăn nuôi hữu cơ phù hợp. Đồng thời, xây dựng mô hình thâm canh trồng cỏ, ngô, lúa kết hợp với công nghệ chế biến thức ăn thô xanh hỗn hợp để giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2020, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi đạt 3,84 tỷ USD, tăng 3,75% so với năm trước đó. Và nguyên liệu để cung cấp cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi nước ta nhập khẩu đến 70 - 80%.
Nguồn: [Link nguồn]
Thị trường tuần qua có một số tin tức đáng chú ý sau.